Chuyển động mạnh mẽ một quyết sách thiết thực với công nhân, người lao động

Báo TNVN trò chuyện với KTS Trần Văn Khải - Trưởng ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

 

Chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động đang có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Dù vậy, vẫn còn những trăn trở làm thế nào để thúc đẩy hơn nữa tiến độ, hiệu quả các dự án này.

Trò chuyện với phóng viên về việc hoàn thiện hơn nữa chính sách nhà ở đối với công nhân, người lao động, KTS Trần Văn Khải (ảnh nhỏ) - Trưởng ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện đề án “Đầu tư xây xựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX)” cho biết, ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đầu tư xây xựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX”. Đến nay, dự án đầu tiên tại tỉnh Hà Nam sắp bàn giao những căn hộ đầu tiên cho công nhân, 39 dự án thiết chế công đoàn đang được khẩn trương triển khai trên khắp cả nước. Sự chuyển động mạnh mẽ đó đã lan tỏa một tinh thần phấn khởi, đoàn kết, thi đua trong lực lượng lao động, công nhân.

Như ông nói, Dự án Thiết chế công đoàn (TCCĐ) tại tỉnh Hà Nam sắp đón những gia đình công nhân, người lao động đầu tiên về ở. Là Trưởng ban quản lý dự án TCCĐ, nơi “đứng mũi chịu sào” trong việc triển khai thực hiện, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình? 

Trong những lần đi khảo sát thực tế tại các khu ở trọ của công nhân lao động tại tỉnh Hà Nam, tôi thường nghe những tâm sự lo âu thế này: “Mù mịt xám xịt lắm anh ạ, chưa vợ, đi ở trọ nhiều lúc thấy cuộc sống bấp bênh”; “Đi ở trọ, con em sống vất vả chật chội quá, đành gửi về quê cho ông bà, chả biết tương lai con mình sau sẽ thế nào”... Những lo âu đó đã trở thành nỗi trăn trở của nhiều cán bộ công đoàn.

Tôi cảm thấy mình có “duyên nợ” với tâm tư, mong ước chính đáng của công nhân, người lao động. Thật vui mừng, phấn khởi khi giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành, dự kiến quý III năm nay sẽ bàn giao những căn hộ đầu tiên, mở ra cho chúng tôi niềm tin tưởng vào ý nghĩa và sự thành công của những dự án tiếp theo.

Dự kiến quý III/2021 sẽ trao những căn hộ đầu tiên thuộc dự án  thiết chế công đoàn tỉnh Hà Nam.

Dự án này có ý nghĩa thiết thực như thế nào đối với công nhân KCN, KCX ở Hà Nam nói riêng và cả nước nói chung, thưa ông?

Công nhân, người lao động quan tâm nhất là chất lượng căn hộ như thế nào, giá cả có phù hợp với thu nhập, có tiện ích để họ yên tâm sinh sống hay không. Có thể nói, dự án TCCĐ đã đáp ứng được những mong mỏi như thế. Thứ nhất, chất lượng công trình được kiểm soát kỹ càng từ khâu lựa chọn nhà thầu đến thi công, kiểm tra giám sát. Thứ hai, giá bán và giá cho thuê các căn hộ sẽ được tỉnh Hà Nam phê duyệt theo hướng ưu đãi, thấp hơn giá thị trường ít nhất 30%, rất phù hợp với thu nhập của người lao động. Thứ ba, các dự án TCCĐ sẽ là một nơi đáng sống cho công nhân lao động với đầy đủ các công trình dịch vụ, thương mại, nhà trẻ, phòng khám, công trình văn hóa - thể thao và công viên cây xanh. Đối với chúng tôi, dự án TCCĐ tại Hà Nam có ý nghĩa rất quan trọng, chúng tôi rút được nhiều kinh nghiệm cũng như có thêm nhiều niềm tin, sự phấn khởi để khẩn trương triển khai mạnh mẽ các dự án tiếp theo. 

Ông có thể cho biết tiến độ triển khai đề án này hiện nay trên cả nước? 

Thể hiện quyết tâm hiện thực hóa một quyết sách quan trọng của Thủ tướng Chính phủ, hàng loạt địa phương trong cả nước đã khẩn trương triển  khai dự án nhà ở cho công nhân. Trên tinh thần hết sức khẩn trương nhưng thận trọng, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của Đề án, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổng kết, đánh giá, chỉ ra những vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, báo cáo kịp thời các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định trước khi phối hợp thực hiện.

Là đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai đề án, Ban Quản lý Dự án TCCĐ sau 3 năm được thành lập đến nay đã thống nhất phương án với 39 địa phương, bố trí đất để nghiên cứu đầu tư. Trong đó, tỉnh Hà Nam và Quảng Nam đã ban hành quyết định giao đất chính thức cho Tổng LĐLĐ Việt Nam, 25 địa phương có văn bản chính thức về việc đồng ý chủ trương và giới thiệu địa điểm. 12 địa phương khác đang thực hiện các thủ tục để có văn bản chính thức đồng ý chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm cho Tổng LĐLĐ. 

Đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng quà và động viên các công nhân xây dựng nhà ở cho người lao động ở Hà Nam.

Trực tiếp triển khai đề án, ông có thể chia sẻ những trăn trở, vướng mắc trong quá trình thực hiện?

Mặc dù hệ thống chính sách về nhà ở cho công nhân tại các KCN hiện nay khá toàn diện và đầy đủ, tuy nhiên, cần đồng bộ và nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả. Hơn nữa, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nhà ở cho công nhân chưa đủ hấp dẫn, thủ tục, vốn vay ưu đãi để được mua nhà vẫn còn gây khó khăn cho công nhân. Riêng với các dự án TCCĐ, nguồn vốn ngân sách của một số địa phương còn hạn hẹp dẫn đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội kém để thu hút cộng đồng DN tham gia đầu tư dự án. Xây nhà ở cho công nhân vốn lớn, thu hồi chậm cũng là một thách thức với DN. Một khó khăn khác là theo quy định, Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan thuộc tổ chức chính trị - xã hội, không thuộc đối tượng được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án, việc huy động nguồn vốn đầu tư cũng còn nhiều thủ tục khắt khe.

Bằng chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn, ông từng chia sẻ mong muốn sẽ có nhiều cơ hội hơn để nghiên cứu và đề xuất giải pháp với Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trong việc thực hiện các dự án TCCĐ nói riêng và nhà ở cho công nhân nói chung. Vậy ông có thể cho biết một vài giải pháp cụ thể?

Quan trọng nhất là cần có cơ chế nhằm khuyến khích, ưu đãi thu hút được nhiều nhất các nguồn vốn đầu tư của xã hội tham gia đầu tư, phát triển quỹ nhà ở cho công nhân, người lao động. Cùng với đó là việc thu hút nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư, thực hiện dự án. Và để thúc đẩy tốc độ hoàn thành nhanh các dự án TCCĐ, Chính phủ có thể xem xét, ban hành riêng một nghị quyết về gói vay tín dụng ưu đãi cho các đối tượng là CN vay để mua, thuê nhà ở tại TCCĐ; Chấp thuận cơ chế đặc thù và ưu đãi thuê cho các DN trong KCN, KCX đầu tư xây dựng TCCĐ; Chấp thuận cơ chế đặc thù và ưu đãi thuế đối với các DN khác có đủ năng lực tham gia với tổ chức công đoàn đầu tư xây dựng TCCĐ.
Tôi cho rằng, giải quyết được vấn đề nhà ở cho người nghèo, cho công nhân lao động là vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài và hết sức nhân văn. Giai đoạn 2021 - 2030 cần có những đột phá về chính sách để tiếp tục phát huy thành quả các dự án đã và đang triển khai nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước là “không để ai tụt lại phía sau”.

Xin cảm ơn ông! 

Mỹ Ngọc thực hiện

 


 

 



 





 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận