Nghiện hoặc lệ thuộc vào điện thoại đã và đang trở thành một hội chứng ở mọi người, mọi lứa tuổi. Việc sử dụng smartphone như thế nào, tốt hay xấu là do chúng ta lựa chọn. Để góp thêm một góc nhìn khác về điện thoại thông minh, phóng viên VOV đã trò chuyện với nhà báo Phan Đăng.
Thưa anh, hiện nay, có những thanh niên không thể từ bỏ điện thoại thông minh. Người ta đã phải tham dự các lớp học cai nghiện điện thoại. Anh có từng chứng kiến một ai đó ở trong trạng thái nghiện smartphone như vậy không?
Ngày sách Việt Nam vừa rồi (21/4), tôi có đi nói chuyện về văn hóa đọc cho người trẻ. Khi tôi đặt một câu hỏi là thế hệ thanh niên hôm nay có những quyển sách gối đầu giường hay không thì một bạn trẻ đứng lên chia sẻ: Nói đến thế hệ thanh niên thì rộng quá, nhưng như em và bạn bè em thì bây giờ không có khái niệm sách gối đầu giường mà chỉ có iphone gối đầu giường.
Khoảng 10 năm trước khi ngồi một quán cà phê Hà Nội sẽ bắt gặp hình ảnh người ta uống cà phê cầm tờ báo hoặc sách để đọc. Thế nhưng bây giờ ở quán cà phê sẽ chỉ thấy mọi người đều cúi xuống chiếc smartphone của mình. Nhìn vào smartphone quá nhiều khiến con người ta tự biến mình trở thành một phần của thế giới điện thoại thông minh. Và những trường hợp nghiện điện thoại thông minh rất nhiều, không cần nêu ví dụ thì mọi người cũng đã biết quá rõ điều này.
Sự lệ thuộc vào điện thoại là điều có thể thấy rõ, nhất là người trẻ. Anh có đồng tình với nhận định này không?
Tôi rất đồng tình. Chúng ta bị lệ thuộc vào công nghệ. Nhà khoa học Nicolaska - tác giả cuốn Trí tuệ nhân tạo có nói: Chúng ta sử dụng công nghệ, nhưng ngược lại chúng ta bị công nghệ cảm hóa mà không hay biết. Một chuyên gia về truyền thông khác nói việc chúng ta sử dụng google thì cứ tưởng rằng mình dùng miễn phí nhưng chính google mới dùng chúng ta miễn phí.
Bởi qua việc ta chìm đắm vào điện thoại tra cứu thông tin trên Google, họ sẽ biết được xu thế tra cứu thông tin của chúng ta. Và qua tổng hợp của mạng xã hội, của google.v.v... thì ở một trung tâm xử lý dữ liệu nào đó sẽ tổng hợp tất cả dữ liệu đó và sẽ tạo ra dữ liệu lớn của mỗi một người. Mà chúng ta đang sống ở một thời đại big data (dữ liệu lớn) thì toàn bộ dữ liệu này sẽ giải mã chúng ta và nó còn hiểu chúng ta hơn chính chúng ta hiểu bản thân mình.
Vì lo ngại con cái lệ thuộc vào smartphone mà nhiều bậc cha mẹ đã hạn chế con cái sử dụng điện thoại thông minh từ khi còn nhỏ. Họ lo sợ rằng con mình trở thành một phần của thế hệ cúi đầu vì chỉ chăm chăm nhìn vào điện thoại. Anh có lo lắng điều này với những đứa con của mình?
Chắc chắn rồi. Khi con còn nhỏ thì mọi người thường bật một video nào đó trên youtube lên để dỗ cho con ăn được nhiều. Nhưng tôi vô cùng hạn chế việc này, hoặc chỉ dùng lúc cháu quấy khủng khiếp. Bây giờ nếu chúng ta không tạo ra một môi trường từ nhỏ thì chắc là khó cai. Dù bây giờ con tôi chưa nghiện smartphone nhưng tôi giúp cháu tránh bị nghiện bằng cách tạo cho cháu có thói quen đọc sách, đọc truyện tranh, và vẽ. Khi mình tạo cho những đứa trẻ những thói quen tích cực như vậy thì lớn lên những thói quen tích cực đó được nhân lên và sự lệ thuộc vào điện thoại cũng giảm xuống.
Khi chúng ta chìm đắm vào điện thoại thì đầu óc sẽ bị phân mảnh và chúng ta bị ứng biến với những cái cụ thể. Ví dụ chúng ta muốn tìm hiểu về cô Lâm Đại Ngọc thì lên google, youtube tra cứu là ra gương mặt của cô ấy. Nhưng nếu chúng ta đọc sách thì mỗi người sẽ có một đặc quyền tự tưởng tượng ra gương mặt của cô ấy theo trí tưởng tượng của mình. Cho nên tôi sợ rằng với những đứa trẻ tiếp xúc với điện thoại sớm quá sẽ rơi vào trạng thái bị cụ thể hóa các hình ảnh, phân mảnh hóa cách tư duy.
Mà cụ thể hóa và phân mảnh hóa như thế sẽ làm chết một khả năng rất quan trọng của loài người, đó là khả năng tưởng tượng. Tưởng tượng là một điều kiện tối quan trọng của sáng tạo. Không có tưởng tượng sẽ không có những phát minh, không có những sáng tạo, cho nên hy vọng là những đứa trẻ trong mỗi một gia đình chúng ta sẽ giữ được một chức năng tưởng tượng đó thông qua việc đọc sách và bớt smartphone đi.
Điện thoại thông minh giúp chúng ta làm được rất nhiều việc, như: Soạn thảo văn bản, tìm đường, giải trí... và tính năng nổi bật hiện nay là khai báo y tế giúp truy vết Covid-19 nhưng nó cũng khiến rất nhiều thanh niên không thể tự bỏ điện thoại xuống. Smartphone khiến chúng ta chìm đắm trong thông tin nhưng đói khát về trí tuệ. Tại sao anh lại đưa ra quan điểm này?
Đây không phải là câu nói của tôi mà là câu nói của một học giả. Các nhà triết học đã chứng minh các cảm giác được tổ chức sẽ trở thành tri giác, tri giác được tổ chức sẽ trở thành tri thức, tri thức được tổ chức sẽ trở thành văn hóa, văn hóa được tổ chức sẽ trở thành văn minh. Và khi tôi nói một đường dây phát triển về mặt tư duy luận như thế thì chúng ta thấy rằng tính tổ chức trong các mạng lưới tư duy là vô cùng quan trọng.
Nếu không có tính tổ chức đó thì chúng ta sẽ sa đà vào những vụn vặt, lẻ tẻ, manh mún, mà những đứa trẻ khi mới lớn lên chưa có đủ một nền tảng nhận thức đủ dày dặn mà sa đà vào điện thoại thì đầu óc sẽ bị phân mảnh hóa, mắt và não sẽ bị cụ thể hóa, sẽ chìm đắm vào những thông tin lẻ tẻ, vụn vặt và chưa có kỹ năng tổ chức những thông tin lẻ tẻ đó trở thành tri thức. Đây không chỉ là câu chuyện của những đứa trẻ mà còn là câu chuyện của người lớn. Cho nên thời đại smartphone này khiến chúng ta trở thành những con người mà bơi trong một bể thông tin nhưng lại không tìm ra được, dẫu chỉ là một mạch nguồn tri thức.
Thưa anh, trong một cuốn sách mới được phát hành gần đây, tác giả lo ngại rằng khi chúng ta càng ngày càng phụ thuộc vào điện thoại và chìm đắm trong thế giới ảo thì đến một lúc nào đó các app di động và trí tuệ nhân tạo gần như sẽ thay thế con người. Anh có lo lắng một điều tương tự như thế?
Tôi không lo lắng về điều đó, bởi theo quan điểm của cá nhân tôi thì công nghệ có thể phát triển như vũ bão, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn có thể lên ngôi nữa, nhưng suy cho cùng công nghệ không thể thay thế được con người. Công nghệ có thể cảm hóa, ảnh hưởng con người ở một mức độ nào đó, nhưng mà bảo thay thế con người thì rất khó.
Tôi lấy ví dụ như một họa sĩ thiên tài có một nét phẩy bút ở trên toan, cái đó không trí tuệ nhân tạo nào làm được. Cái phẩy bút ấy là những khoảnh khắc thiên tài, nó thuộc độc quyền của loài người. Trí tuệ nhân tạo có thể làm thơ nhưng để có những câu thơ xúc cảm, những câu thơ rung động hay như con người làm thì AI hay những ứng dụng tương đương không thể nào so sánh được.
Có một nghịch lý là smartphone có thể kéo những người ở xa nhau lại gần nhau, nhưng lại khiến những người ở gần nhau ra xa nhau. Anh nghĩ thế nào về nghịch lý này?
Tôi xin trả lời bằng một suy ngẫm của tôi về hình tượng bữa cơm trong gia đình Việt Nam. Khoảng 20 năm trước thì bữa cơm của gia đình Việt Nam có hình tròn, mọi người đều quây tròn vào và mâm cơm ở giữa. Mọi người vừa ăn cơm vừa thi thoảng nhẹ nhàng nói chuyện với nhau. Rồi 10 - 15 năm trước, bữa cơm hình tròn đó bị phá đi một góc, trở thành hình chữ U. Người ta phải mở một góc đó ra để đặt cái ti vi ở đó. Sự xuất hiện của ti vi trong bữa ăn chính là sự xuất hiện của công nghệ.
Còn bây giờ tôi không biết gọi bữa cơm của chúng ta là hình chữ gì nữa, bởi hình ảnh quen thuộc đó là mỗi người vừa ăn cơm vừa điện thoại bên cạnh. Thậm chí trước khi ăn là phải chụp món ăn đó để cúng facebook, họ sảng khoái, hạnh phúc với hình ảnh trên facebook trước khi sảng khoái với hình ảnh của vị giác, hạnh phúc với những người đang ngồi cạnh mình. Và tôi hiểu cái nghĩa smartphone khiến cho những người xa gần nhau và đẩy những người gần xa nhau theo cách đó.
Vấn đề của chúng ta không phải là loại trừ, phê phán mà là đi tìm sự cân bằng. Việc giúp cho những người xa đến gần ta là kỳ diệu chứ, nhưng nếu chúng ta đẩy lên quá đà khiến cho những người đang gần mình lại trở thành xa lạ với mình thì nguy hiểm.
Chúng ta không đổ lỗi cho smartphone vì suy cho cùng đó cũng chỉ là một sản phẩm công nghệ. Và cách mà chúng ta sử dụng smartphone hôm nay sẽ quyết định sự tác động của chúng đối với đời sống của chúng ta trong tương lai. Theo góc nhìn cân bằng như anh vừa nói thì smartphone nên được sử dụng như thế nào?
Tôi nghĩ rằng các nhà trường Việt Nam đã đến lúc phải có môn dạy dùng điện thoại trong trường học. Thứ nữa là chúng ta phải giúp học sinh có ý thức lập một thời khóa biểu về việc sử dụng smartphone. Việc giáo dục học sinh cách sử dụng điện thoại phải trở thành một chiến lược giáo dục. Chúng ta cần phải dạy học sinh một cách bài bản về kỹ năng sử dụng smartphone, kỹ năng lập thời khóa biểu trên smartphone, kỹ năng tiếp nhận thông tin trên smartphone. Còn trong mỗi gia đình, nếu muốn những đứa trẻ sử dụng smartphone một cách hợp lý thì gia đình phải có thay đổi, bố mẹ phải sử dụng smartphone hợp lý thì mới có sự cải thiện trong câu chuyện này.
Xin cảm ơn anh!
Hoàng Ân thực hiện