Áp dụng 'hộ chiếu vaccine' và an toàn phòng dịch

'Triển khai 'hộ chiếu vaccine' để mở cửa du lịch, đảm bảo phát triển kinh tế là cần thiết nhưng an toàn phòng dịch vẫn phải là số 1'

 

PGS.TS Trần Đắc Phu (ảnh bên), nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp luôn nhấn mạnh điều này khi đề cập đến việc triển khai “hộ chiếu vaccine”.

Thực hiện yêu cầu của Chính phủ về việc áp dụng giải pháp “hộ chiếu vaccine” tại Việt Nam, theo ông, các bộ ngành cần thực hiện những bước như thế nào?
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống Covid Việt Nam đã giao cho các cơ quan có liên quan đến công nghệ thông tin cũng như Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội - Viettel và các bộ ngành: Bộ Y tế, Bộ VH-TT&DL, Bộ Ngoại giao… tiến hành các việc chuẩn bị cho việc áp dụng “hộ chiếu vaccine” hay còn gọi là giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19.

Trong thời gian qua, các bộ ngành đã họp bàn rất nhiều biện pháp để thực hiện “hộ chiếu vaccine”, đặc biệt là Viettel cũng đã làm xong những cơ sở dữ liệu phần mềm giúp Việt Nam liên kết với những cơ sở nước ngoài có “hộ chiếu vaccine” nhằm quản lý người tiêm theo phương pháp công nghệ thông tin. Tôi cho rằng, chúng ta có rất nhiều việc phải làm.

Trong thời gian đầu, ngoài những việc như tôi vừa nói, chúng ta còn triển khai những mô hình thí điểm, từ đó có thể áp dụng được “hộ chiếu vaccine”. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn phụ thuộc vào việc công nhận hộ chiếu của quốc tế. Chẳng hạn, trong khu vực các nước ASEAN với nhau, hay giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, phải có sự thỏa thuận song phương để “hộ chiếu vaccine” của mình được công nhận…

Chưa kể chúng ta phải hoàn thiện các công việc chuyên môn, làm sao áp dụng “hộ chiếu vaccine” đảm bảo phát triển du lịch, hàng không, mà vẫn an toàn phòng chống dịch.
Khi một người được cấp “hộ chiếu vaccine” có đồng nghĩa với việc người đó không có khả năng lây truyền virus, thưa ông?
Khi một người được cấp “hộ chiếu vaccine” nghĩa là đã được tiêm vaccine Covid-19 đảm bảo theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tuy vậy do vaccine Covid-19 là loại vaccine mới, cấp phép dưới dạng khẩn cấp và không phải tất cả các loại vaccine có hiệu quả như nhau, có loại công bố đạt trên 90% nhưng có loại chỉ đạt 60 - 70%... đồng nghĩa với việc có thể có những người được tiêm chủng mà không có miễn dịch nên vẫn có khả năng bị lây nhiễm Covid-19 và như vậy vẫn có thể mang mầm bệnh và lây bệnh cho người khác. Đấy cũng là rủi ro của việc tiêm vaccine mà không được bảo vệ. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người được tiêm vaccine ngừa Covid-19 vẫn cần tuân thủ 5K. 

Thống kê ở một số nước cho thấy, người được tiêm vaccine vẫn dương tính với Covid. Chưa kể vaccine đó có hiệu lực với biến chủng mới của virus liên tục biến đổi hay không, trong khi thế giới còn hạn chế nguồn vaccine thì theo ông làm thế nào để tránh rủi ro trên?
Đây cũng là trở ngại bởi không phải trường hợp nào tiêm cũng có thể bảo vệ 100%. Vấn đề ở đây là đa số những người có “hộ chiếu vaccine” là người đã có miễn dịch nên ít nguy cơ lây bệnh và cần có những biện pháp bổ sung để đảm bảo an toàn trong khi độ bao phủ vaccine còn rất khó khăn.

Cho nên để hài hòa, hạn chế mọi rủi ro lây lan dịch bệnh khi mở cửa đón khách du lịch thì một số nước đã cho người có “hộ chiếu vaccine” đến vùng ít tiếp xúc như loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sân golf, đến địa bàn đã được tiêm vaccine với tỷ lệ cao…

Bởi người có “hộ chiếu vaccine” nếu họ bị rủi ro vẫn chưa có miễn dịch khi họ đến nơi được miễn dịch cộng đồng (được tiêm vaccine/không có người mang mầm bệnh) thì chưa chắc họ bị mắc bệnh; hoặc nếu người chưa tiêm vaccine đến nơi không có nguy cơ lây bệnh thì cũng khá an toàn. 

Theo ông, việc triển khai “hộ chiếu vaccine” tại Việt Nam cần lộ trình như thế nào để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người nhập cảnh vào Việt Nam vừa phục vụ “mục tiêu kép” nhưng cũng phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch?
Tôi nghĩ rằng các nước có các quan điểm khác nhau về chống dịch, khác nhau về tỷ lệ tiêm vaccine, khác nhau về các loại vaccine sử dụng; khác nhau về quan điểm giữa phòng bệnh và các vấn đề về kinh tế, du lịch. Cho nên, hiện nay chưa có sự đồng nhất.

Nếu công nhận “hộ chiếu vaccine” lẫn nhau thì có thể phải ngồi bàn, thảo luận những khó khăn để đưa các biện pháp thống nhất chung: Có thể song phương, đa phương, có thể là trong khối ASEAN; cũng có thể đặt ra các điều kiện của nước mình… Nếu du khách nào muốn đến Việt Nam thì phải chấp hành điều kiện đó. Ngược lại, người Việt đến các nước cũng phải chấp nhận những yêu cầu của nước sở tại. 
Quan điểm của tôi là, Việt Nam cần xúc tiến triển khai “hộ chiếu vaccine” làm sao vừa tháo gỡ được khó khăn vừa tránh rủi ro lây lan dịch bệnh. Vì “hộ chiếu vaccine” là thực hiện việc mở cửa, du lịch, hàng không… nhằm phục hồi nền kinh tế thì vấn đề đảm bảo an toàn, không để lây lan dịch bệnh là quan trọng số một. 
Vaccine Covid vẫn còn mới quá, vai trò bảo vệ như thế nào còn chưa khẳng định. Trong khi số người được tiêm vaccine còn rất ít so với yêu cầu. Vì vậy an toàn với từng nước, từng khu vực sẽ phải có những chiến lược để giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19 được công nhận lẫn nhau. Công nhận mức độ nào thì phải thí điểm mới biết được như thế nào là an toàn. 

Hiện nay, trên thế giới đã xuất hiện “hộ chiếu vaccine giả”, điều này tác động ra sao đến việc triển khai “hộ chiếu vaccine” tại Việt Nam?
Những trường hợp xuất, nhập cảnh có sử dụng “hộ chiếu vaccine” cần phải có mã QR xác nhận hoặc xuất trình chứng nhận đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhưng trong bối cảnh này, khi khách nhập cảnh vào Việt Nam phải có giấy xét nghiệm Covid và sẽ có kết quả trong vòng 72h trước khi nhập cảnh và phải xét nghiệm lần 1 ngay khi nhập cảnh. Đặc biệt là phải cách ly 14 ngày tập trung và phải có kết quả âm tính sau 14 ngày mới được tự do đi lại. Vấn đề chúng ta cần phải bàn một cách thấu đáo làm thế nào du khách có “hộ chiếu vaccine” vào Việt Nam hoặc người Việt Nam đi ra nước ngoài sẽ giảm thời gian cách ly tập trung, hoặc không phải cách ly là tốt nhất.

Theo tôi cũng có thể các trường hợp có hộ chiếu vắc xin được phép nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện cách ly tập trung 7 ngày tại các cơ sở cách ly tập trung theo quy định, xét nghiệm 2 lần (lần 1 vào ngày đầu tiên sau khi nhập cảnh vào cơ sở cách ly, lần 2 vào ngày cách ly thứ 6). Trường hợp có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính, tiếp tục chuyển cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú trong thời gian 7 ngày, thực hiện xét nghiệm lần 3 vào ngày thứ 14; nếu âm tính, kết thúc quá trình cách ly. Với thời gian cố định 7 ngày đó, nếu được áp dụng du lịch nghỉ dưỡng, ít tiếp xúc thì hình thức cách ly tập trung rút xuống 7 ngày sẽ không còn quá ngặt nghèo so với 14 ngày như hiện nay. Nhưng điều quan trọng vẫn cần sự thống nhất của Bộ Y tế và các bộ liên quan và đặc biệt phải đảm bảo giám sát tốt được việc cách ly tại nhà hoặc tại khu lưu trú, khu nghỉ dưỡng để Việt Nam có thể tham gia vào áp dụng “hộ chiếu vaccine” đối với khách nhập cảnh cũng như người Việt Nam sau khi được tiêm vaccine cũng sẽ được cấp “hộ chiếu vaccine” khi đi ra nước ngoài. 
Xin cảm ơn ông!
Lưu Hường thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận