Mới đây, Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về chủ trương hoàn thiện Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000. Thông tin này ngay lập tức được sự quan tâm của người dân Thủ đô và cả nước. Giới chuyên môn đánh giá như thế nào về đồ án này? Báo Tiếng nói Việt Nam trao đổi với Tiến sĩ - Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hà Nội.
Thưa ông, vừa rồi Hà Nội quyết định khởi động lại “quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng”. Ông có cảm nghĩ gì khi dự án này được tái khởi động sau rất nhiều lần triển khai rồi lại tạm dừng?
Việc khởi động lại, đặt ra mốc thời gian để được phê duyệt quy hoạch này là một đột phá và sự kiên trì của Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội. Bởi vì quy hoạch sông Hồng có vai trò rất quan trọng, nhất là sau khi mở rộng Hà Nội vào năm 2008, diện tích Hà Nội lên tới 3.344km2, sông Hồng nằm giữa lòng Hà Nội và trở thành khu vực trục không gian cảnh quan trung tâm của thành phố, trong đó sẽ có chứa đựng đồng bộ các yếu tố của kiến trúc cảnh quan. Trước kia là quay lưng lại dòng sông thì bây giờ tất cả đều quay mặt ra sông và đó sẽ là nơi tạo ra những cảnh quan đẹp cho Hà Nội, thúc đẩy phát triển kinh tế. Quy hoạch này cho chúng ta tiềm lực đất đai rất lớn với 11.000ha đất, trong đó hơn 6.000ha là các bãi nổi mà hiện nay chỉ trồng cây ăn quả theo thời vụ. Nếu khai thác quỹ đất này để xây dựng các công trình cấp Quốc gia, xây dựng không gian xanh để phục vụ cho mọi lứa tuổi, thì sẽ là sự đột phá trong chỉ tiêu hướng tới mục tiêu Hà Nội xanh. Đô thị đặc biệt như Hà Nội phải có bình quân 7m2 cây xanh/người, nhưng hiện nay mới có bình quân 5m2 cây xanh/người. Quỹ đất 6.000ha sẽ bổ sung cây xanh cho Thủ đô.
Những khu vực ổn định dòng chảy sẽ tạo ra diện tích khu đô thị mới mang tính đặc trưng của Hà Nội; Đồng thời có thể phát triển giao thông thủy, tận dụng lợi thế từ các cảng sẵn có để thúc đẩy phát triển du lịch, khai thác cảnh quan. Bài học kinh nghiệm của TP.HCM cho thấy, đưa giao thông đường thủy vào vận tải giao thông công cộng, kết nối hệ thống sông, hồ xung quanh sẽ giảm áp lực cho nội đô, đồng thời tạo ra sự đa dạng về phương thức giao thông cho thành phố. Đồng thời, với kết quả của quá trình nghiên cứu dòng sông Hồng, chúng ta xác định được vị trí an cư cho người dân ở những nơi có thể xây dựng kiên cố, bền vững và di dời người dân khỏi những khu vực phải di dời, đó sẽ là những yếu tố giúp chất lượng đời sống người dân ngoài bãi được nâng cao về mọi mặt.
Đó là những ưu điểm rất lớn mà ai cũng kỳ vọng vào bản quy hoạch này. Tuy nhiên, có một thực tế là từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã 7 lần điều chỉnh quy hoạch, và trong tất cả những lần điều chỉnh này đều nói đến quy hoạch sông Hồng, nhưng chưa trở thành hiện thực. Theo ông, vì sao quy hoạch sông Hồng lại khó như vậy?
Sông Hồng có 3 dạng sông cơ bản, cứ khoảng 150 - 200 năm lại có biến động, vì vậy, phải nghiên cứu thật kỹ dòng sông Hồng đang chảy qua Hà Nội hiện nay ở dạng sông nào, bao lâu nữa sẽ có biến động? Dòng sông Hồng dài 1.200km, nhưng qua Trung Quốc khoảng 600km ở thượng nguồn, qua Việt Nam khoảng 560km, qua Hà Nội gần 120km và đoạn qua trung tâm Hà Nội chỉ có 40km thôi. Như vậy, để xác định được ổn định dòng chảy và hành lang thoát lũ qua 40km này, chúng ta phải tính dòng chảy từ thượng nguồn, tính an toàn hành lang thoát lũ, đặc biệt phải nghiên cứu quy trình biến đổi của dòng sông này như thế nào? Trong các thời kỳ trước, thí dụ như trong dự án quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng do Thành phố Hà Nội và Thành phố Seoul làm năm 2005 - 2007 thì có các giải pháp ổn định dòng chảy sông Hồng là 500 năm, nhưng đưa ra dự trù kinh phí rất lớn và cũng không có dữ liệu thuyết phục, chẳng hạn dữ liệu nước từ thượng nguồn chảy về như thế nào.
Bài học rất lớn của sông Mekong, thượng nguồn từ Trung Quốc chảy qua các nước không xác định được dòng chảy nên hiện nay Thái Lan, Campuchia đang bị khô hạn, dòng sông Hồng cũng tương tự như vậy. Cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương, như Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phải có quy hoạch thoát lũ sông Hồng, của từng vùng và sau đó sẽ xác định dòng chảy sông Hồng như thế nào để có kế hoạch khai thác. Khi có sự thống nhất rồi thì Chính phủ cũng cần thẩm tra xem xét để cho phép điều chỉnh quyết định của Thủ tướng về ổn định dòng chảy và hành lang thoát lũ sông Hồng và sông Đuống. Đồng thời nghiên cứu điều chỉnh quy định trong Luật Quy hoạch 2017 rằng từng khu vực phải tuân thủ quy hoạch ngành quốc gia, để không gây khó khăn cho triển khai quy hoạch.
Khi là Bí thư Thành ủy Hà Nội, Giáo sư Vương Đình Huệ đã từng nói quy hoạch sông Hồng phải “theo nguyên tắc thuận thiên”. Vậy ông hiểu nguyên tắc này như thế nào?
Thuận thiên là một nguyên tắc rất quan trọng. Từ những nghiên cứu của người Pháp giữa thế kỷ 19 cũng như nghiên cứu của các chuyên gia khoa học thủy lợi Việt Nam thời gian qua đều cho thấy dòng chảy sông Hồng theo chu trình biến đổi, có thể là 150 - 200 năm, cũng có thể ít hơn, thậm chí còn có thể có những tác động không thể ngờ tới được. Vậy thì đến lúc nào lại có thể tạo ra những biến động lớn trong khi biến đổi khí hậu tác động mạnh?
Từ năm 1994 đã có quy hoạch hai bên sông Hồng nhưng chưa được phê duyệt. Sau đó là thí điểm từng dự án nhỏ lẻ như kè bờ sông Hồng, hàng chục doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài có ý định đầu tư vào khu vực sông Hồng, như bãi Tàm Xá, Long Biên, Thanh Trì và chúng ta triển khai một số dự án hai bên sông để phục vụ cho yêu cầu cấp bách của thành phố, như dự án ở Chương Dương, Phúc Xá, Đầm Trấu… Vấn đề bây giờ là làm sao đẩy mạnh hợp tác, tích hợp nhiều chuyên ngành với nhau. Ví dụ đã nghiên cứu giao thông thủy, ổn định dòng chảy sông Hồng thì cần phối hợp đưa ra các giải pháp khoa học kỹ thuật để kè bờ sông, ổn định bãi giữa... Dòng sông biến đổi, nếu chúng ta không nghiên cứu biến đổi này sẽ không xác định được giải pháp khoa học để ứng xử. Đây chính là nhân hòa để nắm được thiên thời.
Như ở nhiều địa phương khác, sau khi có thông tin quy hoạch là giá đất đai tăng vọt. Khi công bố đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng cũng diễn ra tình cảnh tương tự. Theo ông, nên làm như thế nào để hạn chế tình trạng sốt ảo?
Sau khi có 6 quy hoạch phân khu của khu nội đô, và quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng với quỹ đất lớn như thế, mặc dù mới chỉ ở giai đoạn nghiên cứu, chưa phê duyệt nhưng họ đã tạo cơn sốt đất. Tôi cho rằng cần nâng nhận thức của người dân, của thị trường bất động sản lên, người dân cần hết sức cảnh giác với việc đầu tư bất động sản khi chưa có quy hoạch chi tiết, bởi quy hoạch phân khu chỉ chung chung, thậm chí không thể xem xét. Ví dụ người bán nói đấy là khu dân cư trong quy hoạch chung, nhưng trong khu vực dân cư đó chỗ nào được chọn là đất giao thông, đất công trình công cộng thì chưa thể xác định rõ. Vì vậy, người dân phải hiểu quy hoạch phân khu mới là định hướng lớn, đang ở mức nghiên cứu, có rất nhiều dự báo, và không phải tất cả đều được phê duyệt. Các cơ quan chức năng phải thực hiện đúng theo Luật Quy hoạch, công bố công khai cấp độ quy hoạch, mức độ quy hoạch và mức độ phê duyệt để người dân nắm được thông tin, tránh đầu tư sai.
Xin cảm ơn ông!
Thu Thùy thực hiện