Hình ảnh hàng vạn người hành hương chen chúc ở chùa Tam Chúc mới đây đã làm dấy lên những tranh luận đa chiều về công tác quản lý, về ý thức người dân, về việc nên hay không xây dựng chùa to phủ lớn... Đi lễ, du xuân như thế nào cho đúng, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay? Báo TNVN trao đổi với Tiến sĩ Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ.
Điểm tâm linh, di tích quá đông dịp đầu năm có phải bất thường?
Thưa tiến sĩ, ông có bình luận gì về hình ảnh hàng vạn người chen chúc trong ngày đầu tiên chùa Tam Chúc cũng như các điểm tâm linh tôn giáo được phép mở cửa trở lại sau một thời gian tạm đóng vì đại dịch Covid-19?
Việc đông đảo người dân đi lễ chùa trong dịp đầu xuân thì các năm trước đều diễn ra. Tuy nhiên, năm nay do dịch Covid-19, sau Tết người dân phải ở nhà hoặc chỉ có thể đến những di tích gần nơi sinh sống, thì ngay sau khi giãn dịch họ đến những danh thắng, những ngôi chùa lớn cầu cho quốc thái dân an, cho gia đình bình yên, cho mỗi người có sức khỏe hạnh phúc là bình thường. Ở mặt tích cực, điều đó cho thấy, điều kiện kinh tế và xã hội cho phép người dân có thể đi đến các danh thắng của đất nước. Mặt khác, sự đông đúc này thể hiện rõ Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo và phát triển.
Một vài ý kiến nói rằng chùa chiền hiện nay là nơi “buôn thần bán thánh”, tôi hoàn toàn không nghĩ vậy. Trong tâm tưởng của mọi người luôn mong muốn, khao khát một sự yên lành, họ đến không phải để đi mua thần thánh. Một vài cá nhân lợi dụng niềm tin của người dân để trục lợi thì cần lên án, góp ý trực tiếp.
Tuy nhiên, với cương vị là người từng làm công tác quản lý nhà nước về Phật giáo, tôi suy nghĩ: Chùa chiền, danh lam thắng cảnh là nơi hội tụ nét đẹp văn hóa, do công sức lao động của con người xây dựng nên, đến đó cũng phải thể hiện nét đẹp của con người. Có nhiều người vì mong Phật thánh gia hộ độ trì nên đã mang theo rất nhiều đồ lễ, trong đó có cả đồ mặn để dâng Phật, như thế là không đúng. Hay mang đồ ăn uống đến, ăn xong vứt rác bừa bãi, vừa mất vệ sinh, mất mỹ quan. Mỗi người cần thể hiện thái độ, trách nhiệm của mình bằng chính hành vi giữ gìn trật tự, an ninh, văn hóa và vệ sinh môi trường.
Theo ông, mỗi người khi đến các cơ sở thờ tự thì nên có tâm thế như thế nào cho phù hợp, từ trang phục đến cách ứng xử?
Khi du xuân, mọi người thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp của các danh lam cổ tự, trong đó có cả phần cầu cho quốc thái dân an, cho bản thân và gia đình, cho mọi người được an vui hạnh phúc trong một năm mới. Như vậy đi lễ chỉ là phần rất nhỏ trong việc du xuân thôi. Tâm thế khi đi lễ cần thoải mái, vui vẻ, không nên quá cầu kỳ về lễ vật vì Thần và Phật chứng giám cho mình ở chính tâm tưởng, lòng thành chứ đâu phải ở lễ vật. Trước khi đi mà cứ phải lo lễ vật cho nhiều, đồ ăn cho lắm thì đó là đi ăn chứ không phải đi du xuân. Khi đi lễ cần ăn mặc trang trọng, kín đáo, không nên mặc hở hang đến chùa.
Đã có những ý kiến cho rằng việc quá tải ở một số danh lam, cổ tự không phải là lỗi của người dân đi du xuân hay lỗi của các điểm di tích, mà là do chính quyền chưa lường được lượng người đổ về các điểm di tích đó. Ông có đồng ý với ý kiến này?
Tôi không đồng ý với ý kiến nói rằng chính quyền không lường được. Không phải năm nay mới có tình trạng chùa Hương, chùa Tam Chúc và một số danh lam cổ tự quá tải. Nhưng năm nay do đại dịch Covid-19 tái bùng phát ngay trước Tết và kéo dài đến sau Tết nên người dân thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, hạn chế tiếp xúc, hạn chế tập trung đông người nơi công cộng để phòng chống dịch. Vì thế, ai cũng mong muốn là khi dịch bệnh được khống chế thì sẽ đi lễ hội, du lịch. Tuy nhiên, nếu tỉnh táo một chút, hiểu rằng mình muốn đi thì người khác cũng muốn đi, chắc chắn ngày đó rất đông, thì việc đầu tiên là ý thức điều chỉnh phải từ người dân có nhu cầu du xuân đã. Chính quyền cũng không thể ngăn cấm mà chỉ điều tiết trong dự báo, thông tin và trong giao thông. Chính quyền cần thông báo rằng đến chỗ đó vào thời điểm này rất đông, đề nghị bà con chuyển hướng đi sang một điểm danh lam thắng cảnh khác, thời điểm thích hợp sẽ trở lại.
Có nên xây chùa to phủ lớn?
Từ chuyện quá tải, nhiều người nói rằng chùa thì chỉ cần nhỏ trong khuôn viên của cộng đồng, không nên xây chùa to phủ lớn và thu hút quá đông người dân. Quan điểm của ông như thế nào?
Nói “chùa chỉ cần nhỏ để người đến lễ Phật thể hiện cái tâm lành tính thiện của mình” thì không sai, nhưng không đủ tầm để vượt ra khỏi thế giới làng quê của người Việt. Khi dời đô về Thăng Long, Đức vua Lý Thái Tổ chưa cho xây lại kinh thành, mà sắc cho dân lấy tiền trong quốc khố để xây chùa. Ngài nói chùa là nơi giáo dục về nhân quả, để người dân biết việc tốt mà làm, việc xấu mà tránh. Ngài còn nói là đã xây chùa thì phải khang trang, “xây chùa cho to, làm tượng cho lớn” để người đời sau biết tới đời nay. Hơn 1.000 năm trước, khi dân Việt mới có 2 - 3 triệu người mà Đức vua Lý Thái Tổ đã nói thế, vậy thì nay chúng ta cả trăm triệu người mà vẫn chùa nhỏ núp dưới lũy tre làng, trong khi thế giới người ta xây những công trình tôn giáo lớn từ trước đây hàng mấy nghìn năm, thì hỏi biết bao giờ mình mới phát triển được?
Công trình tôn giáo còn thể hiện giá trị văn hóa, khả năng kỹ thuật, sự tiến bộ cũng như sức mạnh của một cộng đồng. Không khuyến khích tất cả các công trình tôn giáo đều xây to, hoành tráng, vì như thế lấy đất đâu mà xây, lấy tiền đâu mà làm, nhưng trong hơn 20.000 ngôi chùa trên cả nước hiện nay thì chúng ta chỉ có khoảng 10 ngôi chùa lớn, thể hiện tầm vóc về khả năng kỹ thuật, về điều kiện kinh tế, về những giá trị văn hóa mà người Việt muốn khẳng định với thế giới thì không phải là quá nhiều. Tuy nhiên, chúng ta còn phải chú ý đến việc giữ chùa Việt mang đậm phong cách Việt.
Vậy theo ông có nên đóng khung kiến trúc hoặc quy định rõ ràng về kiến trúc xây chùa để thể hiện đúng thực chất chùa Việt?
Bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc là nét riêng về giá trị văn hóa và cốt cách của dân tộc đó trong các hoạt động, trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên, phải thấy rằng trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi toàn cầu hóa, quốc tế hóa thì rất nhiều lĩnh vực đã thay đổi. Vẫn giữ bản sắc nhưng cần có sự thay đổi để vừa giữ cái hồn cốt của một dân tộc, nhưng vẫn hòa hợp với bên ngoài. Nhiều người do chưa hiểu nên quá khắt khe, cho rằng những ngôi chùa lớn mang phong cách của nước này nước khác. Xin thưa, người Việt ngày xưa áo the, tóc dài, răng đen; hiện nay com-plê, cà vạt, cắt tóc ngắn mà tại sao lại vẫn là người Việt? Thái quá và chấp nhặt quá trở thành nhỏ nhen, không nên như thế!
Xin cảm ơn ông!
Thu Thùy thực hiện