Dạy tiếng Anh trong trường học: Cần bắt kịp những thay đổi mới

Báo Tiếng nói Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng, một trong những chuyên gia về giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam.

 

Dù trải qua khá nhiều đợt cải cách giáo dục nhưng cách dạy tiếng Anh vẫn không hề thay đổi. Những năm gần đây, tỷ lệ trượt môn tiếng Anh ở kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 ở con số đáng quan ngại. Báo Tiếng nói Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng, một trong những chuyên gia về giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam, về giải pháp để nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh hiện nay.

Gỡ 4 nút thắt để nâng cao chất lượng

Là người luôn đau đáu để tìm ra hướng đi mới, phương pháp dạy và học mới, theo thầy đâu là giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh?
Trên thế giới, từ đầu thế kỷ 21, có nhiều công trình nghiên cứu thay đổi khái niệm và kỹ thuật dạy tiếng Anh có hiệu quả. Trong khi cách học truyền thống của Việt Nam có nhiều nhược điểm, khó giúp người học đạt được hiệu quả cao.
Có rất nhiều cách để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, nhưng với thực trạng hiện nay của Việt Nam thì theo tôi có 4 giải pháp chính: Thứ nhất, cần nhận thức rõ quan điểm tiếng Anh chỉ là công cụ để hỗ trợ cho sự hội nhập về kinh tế, chính trị, khoa học của chúng ta, chứ không ai đưa nội dung tiếng Anh giao tiếp của Việt Nam đi hội nhập thế giới. Vì thế, chúng ta không nên coi  Tiếng Anh như “cây gậy thần”, mà nếu không có “cây gậy thần” đó thì không ra thế giới được và bắt trẻ phải gánh một gánh nặng học tiếng Anh từ rất nhỏ.
Với quan điểm trên thì chúng ta dạy học sinh một cách vừa phải, học nó như một môn học của nền giáo dục quốc dân, như Toán Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa... Chúng ta cần đầu tư nhiều hơn vào tiếng Anh khi định hướng cuộc đời của trẻ đã rõ ràng. 
Thứ hai là, cần giảm tải cả nội dung kiến thức tránh đưa các chương trình quá nặng vào dạy. Vậy, cụ thể thế nào là “học vừa phải”? Trước hết, nên tuân thủ yêu cầu của chương trình Quốc gia (curriculum) ở bậc tiểu học, học sinh chỉ học khoảng 500 - 600 từ, một số mẫu câu hạn chế… Khi học hết THCS, trẻ cũng đã có tới 800 từ, và hết THPT có tới 2.500 từ, một khối lượng từ không nhỏ (Chương trình GDPT, 2018). Cụ thể hơn nữa là chúng ta sử dụng hệ giáo trình tiếng Anh phổ thông (7 cuốn cho lớp 1, 8 cuốn cho lớp 2) mà Bộ đã xét duyệt. Vấn đề chính là bộ giáo trình đó đưa ra những yêu cầu đúng sức của học sinh, chưa cần thiết phải đưa những chương trình nước ngoài quá nặng, ép học sinh nhiều quá.
Về phía phụ huynh cũng nên đặt mục tiêu vừa với năng lực của từng đứa trẻ. Ví dụ, học sinh tiểu học đừng đặt vấn đề là học xong tiểu học nói tiếng Anh thông thạo với người nước ngoài, vì chúng ta học trong môi trường không bản ngữ, không song ngữ.
Vấn đề nữa là, để tăng cường chất lượng thì chúng ta nên bắt kịp những khái niệm và kỹ thuật của thế kỷ 21.

Đối với người dạy, nếu không bắt kịp những thay đổi về phương pháp, khái niệm và nhất là sự cải tiến kỹ thuật dạy trên lớp, chúng ta sẽ bị lạc hậu. 	ảnh: Tuấn Khoa

Vậy xu hướng mới nào đang được áp dụng hiện nay trên thế giới mà chúng ta có thể áp dụng để cải thiện tình trạng trên?
Có hai bình diện chúng ta cần quan tâm: Sự thay đổi về khái niệm và sự cải tiến về kỹ thuật dạy trên lớp. Khái niệm về năng lực sử dụng tiếng Anh: Người nước ngoài học tiếng Anh không thể nói tiếng Anh như người bản ngữ, chỉ có thể tiến tới mức độ “gần như bản ngữ” (close-enough) (Joanne Kenworthy). Lâu nay chúng ta quan niệm rằng, học tiếng Anh thì phải nói được như người Anh - đó là quan niệm của những năm 60 - 80 thế kỷ trước, còn thế kỷ 21 đã khẳng định một điều là người nước ngoài không thể nói được như người bản ngữ. Tôi học tiếng Anh không bao giờ có thể nói như người Anh, cũng như người Anh học tiếng Việt không bao giờ có thể nói được như người Việt. Thực tế trong giao tiếp ngoài học đường, người ta không đặt yêu cầu phải nói như người bản ngữ,  mà chỉ cần nói vừa đủ để người Anh hiểu là được, có thể chưa chính xác về ngữ pháp hoặc phát âm giọng ngoại quốc nhưng người Anh vẫn hiểu được là người ta chấp nhận. Và ở bất cứ tuổi nào cũng có thể học tiếng Anh thành công nếu có mục đích rõ ràng.
Về kỹ thuật dạy trên lớp, ví dụ: Không nên dạy ngữ pháp phân tích cho học sinh mà dạy ngữ pháp giao tiếp (Betty Azar). Có hai loại ngữ pháp: Ngữ pháp phân tích (phân tích câu thành các thành phần cấu thành) dành cho môn Ngữ pháp học và ngữ pháp giao tiếp dành cho các khóa dạy giao tiếp bằng ngoại ngữ. Dạy phát âm nên nhấn mạnh vào các bài tập giúp người Việt vượt qua những điểm yếu của mình, ví dụ nói có trọng âm, chú ý âm đứng cuối từ,...
Đối với người dạy, nếu không bắt kịp những thay đổi về phương pháp, khái niệm và nhất là sự cải tiến kỹ thuật dạy trên lớp, chúng ta sẽ bị lạc hậu.

Như ông đã khẳng định, một trong những yếu tố quyết định chất lượng đào tạo là người thầy, vậy họ cần phải cập nhật, đổi mới làm sao để không bị tụt hậu?
Người thầy phải được đào tạo chứ không phải ai cũng dạy được, “thầy tây” hay “thầy ta” cũng đều phải là “thầy”. Ngoài ra, người thầy cần phải được “đào tạo liên tục/đào tạo thường xuyên” thì mới có thể cập nhật được những yếu tố hiện đại. Ở thời điểm mà thầy cô ra trường thì kiến thức và cách dạy thế là đủ, phù hợp, nhưng 5 năm hay 10 năm sau thì lại trở nên lạc hậu. Đây cũng không phải là lỗi của người thầy mà còn của các trường đào tạo giáo viên, các trường học nơi giáo viên công tác. 
Chính vì thế, để cập nhật được với thế giới mới, người thầy là quan trọng nhưng tổ chức đào tạo cũng không kém phần quyết định. Các trường đào tạo giáo viên, rồi các trường học nơi giáo viên đang dạy học cũng phải trách nhiệm tổ chức khóa học hè ngắn hạn, hội thảo, chuyên đề để cập nhật những cái mới, xu hướng mới cho giáo viên. Đề án Ngoại ngữ năm 2020 cũng đã quan tâm nhiều đến việc này, nhưng không thể chỉ trông vào đề án. 

Học sinh Việt Nam với 10 năm học tiếng Anh cũng chủ yếu là ôn luyện ngữ pháp, nên khả năng giao tiếp gần như bằng không. Vậy cần yếu tố tiên quyết gì để học sinh Việt Nam giỏi tiếng Anh?
Theo tôi, muốn học giỏi tiếng Anh cần 3 yếu tố: Thứ nhất, phải có môi trường nói tiếng Anh - đây là yếu tố vô cùng quan trọng. Tại sao trẻ con Việt Nam 5 - 7 tuổi khi sang nước Anh chỉ 1 năm sau đã nói được làu làu vì chúng ở trong môi trường, mở mắt ra là phải nói tiếng Anh. Thế còn học sinh Việt Nam, học theo chương trình của Bộ GD-ĐT là 1 tuần học tiếng Anh 4 tiết trên lớp (2h tiếng Anh/tuần) và các em có thể học thêm 4 tiết vào cuối tuần ở các trung tâm thì tổng thời gian cũng chỉ được 4 tiếng/tuần, trong khi chúng ta giao tiếp tiếng Việt trung bình 84 giờ/tuần. Đó là chưa kể việc dạy tiếng Anh trong hầu hết các trường chỉ chú trọng vào ngữ pháp. Vậy thì khó mà nói tiếng Anh giỏi được. Thứ hai là yếu tố người thầy. Và thứ ba là chọn giáo trình phù hợp, vừa sức với trẻ, chứ không nên chạy theo các chương trình nhập khẩu quá nặng. Ba yếu tố trên quyết định sự thành công trong việc học tiếng Anh của trẻ. Ngoài ra còn phải tính đến điều kiện của vùng miền. Trẻ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đương nhiên học tốt hơn trẻ ở nông thôn, miền núi vì ở những nơi đó thiếu thiết bị, thiếu thông tin, và đời sống còn khó khăn. 
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nguyễn Hằng thực hiện

 


 


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận