Nông thôn mới Thái Nguyên: Khởi sắc của Phổ Yên

​​​​​​​So với mặt bằng chung của TX Phổ Yên thì một số xã nằm ở khu vực phía Tây của địa phương vẫn còn nhiều khó khăn.

 

So với mặt bằng chung của TX Phổ Yên thì một số xã nằm ở khu vực phía Tây của địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ phát huy lợi thế về đất đai, điều kiện thời tiết, những năm gần đây, người dân ở các xã này đã tích cực phát triển sản xuất với các mô hình trồng rừng, chè, cây ăn quả… từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đưa diện mạo nông thôn trên vùng đất khó ngày càng khởi sắc.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên cho biết: Trước đây, khi nhắc đến các xã Phúc Tân, Phúc Thuận, Thành Công, Vạn Phái, Minh Đức của TX Phổ Yên, người ta thường nghĩ đến những vùng đất khó, bởi đường sá đi lại khó khăn, thu nhập của người dân thì còn thấp. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo ở một số xã còn chiếm tới 20%, thu nhập bình quân của bà con nhân dân chỉ đạt trên 20 triệu đồng/người/năm. Khi bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới (năm 2011), kinh tế ở các xã trên đã bắt đầu có sự chuyển biến tích cực. Cùng với việc tập trung cho phát triển công nghiệp, những năm gần đây, Thị xã cũng đặc biệt quan tâm đến các xã khó khăn, nhằm rút ngắn khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị.

HTX Thành Nam liên kết chuỗi ra - củ - quả tại xã Thịnh Đức

Hàng năm, TX Phổ Yên đều ưu tiên bố trí nguồn lực để các xã ở khu vực hoàn thiện kết cấu hạ, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Chú trọng công tác đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người lao động vào làm việc tại các công ty, nhà máy trên địa bàn với mức thu nhập bình quân đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, thị xã đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể giúp bà con ở các xã khó khăn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Hàng năm, các cơ quan chuyên môn của thị xã cũng đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hàng nghìn lượt người dân. Mặc dù còn khó khăn, song người dân nơi đây không có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà luôn phát huy nội lực, đồng lòng góp sức đưa kinh tế - xã hội địa phương từng bước đi lên...

Đơn cử như ở xã Minh Đức, để khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cùng với việc cải tạo vườn đồi, đưa các giống chè giâm cành cho năng suất cao vào trồng thay thế giống cũ, ở một số diện tích cấy lúa khó lấy nước, xã đã khuyến khích bà con chuyển sang trồng cây ăn quả các loại với diện tích hơn 30ha. Trong 5 năm gần đây, xã cũng đã phối hợp với các ngành chuyên môn của thị xã thực hiện các dự án nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, như: Dự án mở rộng vùng cây ăn quả có múi với diện tích 10ha cho 20 hộ dân xóm Thuận Đức; cải tạo thâm canh chè theo tiêu chuẩn VietGAP cho trên 50 hộ dân tại xóm Lầy 5, Lầy 6 với diện tích 10ha; thực hiện mô hình chăn nuôi gà thả vườn cho 15 hộ nghèo. Từ những mô hình này, đến nay, nhiều hộ nông dân đã có quy mô sản xuất lớn, cho thu lãi từ 200 - 500 triệu đồng/năm, góp phần đưa thu nhập bình quân của nhân dân đạt trên 40 triệu đồng/người/năm…

Với diện tích chè và cây ăn quả lớn nhất trên địa bàn thị xã (với hơn 1.000ha), xã Phúc Thuận đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất hàng hóa tập trung, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, xã đã thành lập được 11 tổ hợp tác và 2 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.

Theo ông Đỗ Công Hanh, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận, việc tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể không chỉ giúp người dân cải thiện thu nhập mà còn được tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp an toàn, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường. Qua đó, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu. Giai đoạn 2015-2020, toàn xã có hơn 870 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (chiếm 65% số hộ đăng ký). So với giai đoạn 2010-2015, số hộ có mức thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần; số hộ có thu nhập từ 200-500 triệu đồng/năm tăng gấp 2 lần; số hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng/năm tăng gấp 1,5 lần.

Người dân xóm Thuận Đức 3, xã Minh Đức (TX Phổ Yên) đổ bê tông đường liên xóm với chiều dài hơn 1km

Xác định đất đồi rừng là lợi thế lớn nhất đối với 3 xã Phúc Tân, Vạn Phái và Thành Công, những năm qua, các địa phương này đã chú trọng phát triển kinh tế đồi rừng và trồng chè, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân. Đối với xã Phúc Tân, cây chè đã trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Ông Lê Văn Chín, ở xóm 9, xã Phúc Tân cho biết: Bình quân mỗi héc-ta chè cành cho thu hoạch trên 115 tạ chè búp tươi, sau khi trừ chi phí, người dân thu lãi trên 60 triệu đồng/1ha. Nhờ đó, cuộc sống người dân thêm khấm khá...

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, những năm qua, người dân các địa phương cũng đã tích cực đóng góp kinh phí, ngày công lao động để xây dựng đường giao thông và các công trình công cộng, tạo diện mạo nông thôn mới ở các xã khó khăn. Đến nay, các xã đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới với thu nhập bình quân đạt trên 40 triệu đồng/người/năm; trên 80% hệ thống giao thông, công trình công cộng được xây dựng kiên cố, khang trang; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia...

 

Bình luận

    Chưa có bình luận