Theo Cục Y tế dự phòng, từ tháng 4 đến nay, Việt Nam đã thực hiện 237 chuyến bay giải cứu với tổng số hơn 49.600 công dân được đưa về nước, trong đó 259 người dương tính trên 51 chuyến bay.
Thời gian qua, số ca mắc mới tại Việt Nam hầu hết là những ca nhập cảnh, đã được cách ly ngay từ khi vào Việt Nam. Nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập luôn thường trực, tuy nhiên hiện nay đã xuất hiện tình trạng người dân chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.
Cụ thể, ngày 4/11, CDC Hà Nội thông báo, do không tuân thủ nguyên tắc an toàn trong cách ly, 2 nhân viên 1 khách sạn tại Hà Nội đã vi phạm khi tiếp xúc với người nhập cảnh là chuyên gia Israel đang cách ly tại cơ sở đó và trở thành F1. Các chuyên gia cho rằng, nếu tái diễn tâm lý chủ quan, mất cảnh giác, lơ là trong các biện pháp phòng chống dịch sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường.
Theo TS.BS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, về nguyên tắc, những nhân viên tại khách sạn, cơ sở lưu trú cho người nhập cảnh (kể cả người nước ngoài và người Việt Nam về nước) phải giữ khoảng cách, đồng thời phải đảm bảo các quy trình nghiêm ngặt khi tiếp xúc với những người cách ly ở khách sạn.
“Thời gian qua, có những trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài về nhưng chưa có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 ngay mà phải qua 2-3 lần xét nghiệm mới có kết quả dương tính. Vì vậy, không ai đảm bảo trong quá trình họ tiếp xúc mà không lây cho người khác. Bên cạnh đó, những người trong khu cách ly bị lây chéo của những người đã dương tính. Như vậy cũng có hiện tượng chủ quan và cũng ảnh hưởng tới đối tượng đang làm trong các cơ sở lưu trú”- BS Thái nêu rõ.
Vì vậy, theo TS Phạm Quang Thái, kiểm soát và quản lý chặt chẽ những người nhập cảnh tại các khách sạn, cơ sở lưu trú phải là công việc thường xuyên. Bên cạnh đó, phải có những quy trình để tự nhân viên kiểm tra, giám sát lẫn nhau, nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân họ và phải có một đơn vị bên ngoài giám sát.
“Theo điều kiện hiện tại, nếu chỉ ngành y tế thực hiện giám sát sẽ không đáp ứng được đầy đủ mà chắc chắn phải có thêm các đơn vị khác như công an, quân đội, chính quyền địa phương để việc giám sát chặt chẽ, cẩn thận hơn. Bản thân những người giám sát cũng phải được tập huấn kỹ về phòng chống dịch. Khi họ có kiến thức về phòng chống dịch, kỹ năng về giám sát mới đảm bảo phòng chống dịch an toàn”- BS Thái cho biết.
Được biết, từ ngày 5/11, TP Hà Nội thành lập 5 đoàn kiểm tra phòng, chống dịch và triển khai kiểm tra tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
Theo Phó Chủ tịch TP Hà Nội Ngô Văn Quý, trong tuần qua thành phố đã ban hành văn bản số 5151/UBND-KGVX ngày 28/10/2020 thể hiện sự quyết liệt hơn trong công tác điều hành phòng, chống dịch của thành phố. Cụ thể, các quận, huyện đã triển khai các biện pháp như: tuyên truyền người dân thực hiện thông điệp 5K, đeo khẩu trang tại nơi công cộng (công viên, vườn hoa, phố đi bộ… hay khi tham dự các sự kiện đông người…); Đồng thời tiếp tục quản lý, nhắc nhở các khu cách ly tập trung của quân đội và tại các khách sạn... Để bảo đảm an toàn, Sở Y tế Hà Nội cũng đã yêu cầu những người phục vụ trong khu cách ly khi tiếp xúc với người nước ngoài nhập cảnh (dù không bị nhiễm Covid-19) vẫn phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là phải mặc đồ bảo hộ khi cần tiếp xúc.
Bộ Y tế cho biết tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế địa phương, đặc biệt là các địa phương có cửa khẩu cần phối hợp với Bộ, ngành liên quan để giám sát, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam và tăng cường giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương, giao trách nhiệm cho chính quyền cơ sở, y tế cơ sở trong công tác giám sát, lấy mẫu xét nghiệm kịp thời và theo dõi sau cách ly...
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 sẽ lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện phòng chống dịch ở các địa phương, trong đó có việc tự đánh giá các cơ sở an toàn như cơ sở y tế an toàn, trường học an toàn, cơ sở lưu trú an toàn, nhà máy công sở an toàn./.
Theo Minh Khánh/VOV.VN