Rào cản khiến người già chưa thể 'cậy' viện dưỡng lão?

Đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu, là đi ngược với truyền thống người Việt… Quan niệm này có thực sự còn đúng?

 

Hiện nay, nhiều gia đình chọn trung tâm dưỡng lão làm nơi chăm sóc chu toàn cho cha mẹ khi về già. Tuy nhiên, nhiều người chưa thể vượt qua rào cản do quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con”.

Chốn bình yên của người cao tuổi

Đến với Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Orihome (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vào chiều thu mát mẻ, đúng dịp trung tâm tổ chức tiệc ngọt chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 chúng tôi nhận thấy không khí nơi đây ấm áp, vui nhộn hơn hẳn ngày thường. Một số cụ bà ngồi xe lăn, hay đeo ống truyền… vẫn tích cực tham gia văn nghệ và không quên điểm chút son môi.

Các cụ tham gia văn nghệ nhân ngày 20/10 tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Orihome.

Cụ Phạm Thị Tr (88 tuổi ở Khâm Thiên, Hà Nội) vào đây đã 4 năm. Cụ bị liệt và co cứng khớp do biến chứng parkinson nên vận động và ăn uống khó khăn, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào người khác. Nhìn ánh mắt vui tươi khi con gái đến thăm hỏi và trò chuyện, tôi hiểu dù cụ Tr không nói được nhưng rất minh mẫn. “Mới đầu tôi cứ tưởng mẹ tôi chỉ bị run tay thôi, nhưng sau đợt cấp cứu cách đây 5 năm, mẹ tôi bị liệt phải ngồi xe lăn, cổ họng không mở và không nói được nên phải ăn xông qua dạ dày. Tôi đã gửi mẹ vào mấy trung tâm chăm sóc người cao tuổi (NCT) rồi nhưng cụ tỏ vẻ không hài lòng. Cũng may, từ khi đưa mẹ vào đây, thấy cụ quen dần, vui vẻ và khỏe lên nhiều”, bà Lê Thị Diệu Th, con gái cụ Tr bộc bạch.

Là một kỹ sư, thỉnh thoảng phải đi công tác nhưng bà Th chưa bao giờ có suy nghĩ để mẹ ở nhà với người giúp việc. Bà cho rằng, khi gửi mẹ vào trung tâm dưỡng lão sẽ được chăm sóc toàn diện về dinh dưỡng, sức khỏe và vận động... Trong khi thuê một giúp việc vẫn phải có người phụ giúp và chắc chắn sẽ không hội đủ từng ấy yêu cầu, chưa kể có lúc họ còn đòi về quê. “Ở trung tâm, sáng nào mẹ tôi cũng được kiểm tra chỉ số sinh tồn để thực hiện y lệnh của bác sĩ. Các cháu điều dưỡng cũng tận tâm và thân thiện nên gia đình hoàn toàn an tâm. Thời gian đầu cứ cách một ngày tôi lại vào ngủ với mẹ, nhưng gần đây, tôi có thể an tâm đi xa cả tuần lễ mà vẫn biết được tình hình của mẹ qua camera”, bà Lê Thị Diệu Th chia sẻ.

Điều dưỡng chăm sóc khách tại Orihome.

Orihome nói riêng và các trung tâm dưỡng lão nói chung là mô hình khép kín, không quá tách rời khu dân cư nên các cụ đến đây có cảm giác như ở nhà. Trước đây, phần lớn những khách hàng tìm đến Orihome là do sức khỏe rất yếu, hoặc bị bệnh viện trả về, gia đình không thể chăm sóc được. Nhưng gần đây, số lượng NCT đến Orihome ngày một đông, dù mức phí dao động từ 7-15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, phần lớn là con cái chi trả chứ các cụ không phải ai cũng có tích lũy.

Bà Phan Thị L (78 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội) vào Orihome vì bệnh nhớ nhớ quên quên và tay chân run nên ở con cái không yên tâm mỗi khi bà vào bếp một mình. Bà L cho biết: “Tôi bị bệnh này, con cái phải thay phiên nhau ở nhà cơm nước, ảnh hưởng tới công việc hằng ngày. Cách đây 2 tháng, các con bảo tôi đến đây ở thử 1 tháng xem thế nào, nhưng vào đây được 2 tuần, tôi thấy không gian yên tĩnh hơn ở nhà và được hướng dẫn sinh hoạt điều độ nên thấy thoải mái, con cái cũng an tâm cho tôi ở lại đây luôn”, bà L cho hay.

Điều dưỡng chăm sóc khách hàng tại Trung tâm Chăm sóc giảm nhẹ Chân trời mới.

Nghĩ đến viện dưỡng lão người ta thường hình dung ra những hình ảnh buồn tẻ và ảm đạm của những NCT sống ở đây. Nhưng đến Trung tâm Chăm sóc giảm nhẹ Chân trời mới (ở thị trấn Văn Giang, khu đô thị Ecopark, Hưng Yên), chúng tôi lại có một cảm nhận hoàn toàn khác biệt. Đến đây, NCT được hưởng không khí trong lành và thoáng mát, cũng như tràn ngập sự yêu thương giữa những NCT với đội ngũ y bác sĩ và điều dưỡng nơi đây.

Hiện nay nước ta có khoảng 15 trung tâm dưỡng lão tư nhân nhưng Trung tâm Chăm sóc giảm nhẹ chân trời mới là cơ sở đầu tiên có chăm sóc y tế bài bản. Để chăm sóc các cụ được chu đáo nhất, cơ sở này chỉ nhận tối đa 30 khách hàng, mức phí từ 13-20 triệu đồng/tháng. Có cụ đến đây từ khi thành lập (2016 đến nay).

Nhân viên Trung tâm Chăm sóc giảm nhẹ Chân trời mới chụp ảnh lưu niệm với các cụ

Là một người có chuyên môn về y tế, nhưng bác sĩ Lê Tuyên Hồng D (ở Khâm Thiên, Hà Nội) lại gửi mẹ vào Trung tâm Chăm sóc giảm nhẹ Chân trời mới. Anh D chia sẻ, mẹ anh - bà Lê Thị P, 70 tuổi, do biến chứng alzeimer nên bị loạn thần tuổi già, cứ mất dần trí nhớ và cơ cứng dần. Cách đây 5 năm vẫn còn nhớ nhớ quên quên nhưng 3 năm gần đây không nhận ra ai, nên anh D gửi mẹ vào Trung tâm Chăm sóc giảm nhẹ Chân trời mới vì ở đây là cơ sở đầu tiên có điều kiện chăm sóc y tế tốt nhất. “Một người già như mẹ tôi cần được chăm sóc toàn diện, trong khi ở nhà làm sao chúng tôi có đủ điều kiện để chăm sóc 3 ca/ngày. Nếu thuê 1 đến 2 người giúp việc thì họ cũng không thể có kiến thức để chăm sóc toàn diện cho những người bệnh thiểu năng trí tuệ hay mất trí nhớ, tai biến... Ngay cả việc cho ăn nếu người bệnh bị sặc, hít phải chất nôn thì những người giúp việc không được đào tạo bài bản sẽ không biết cách xử lý, như thế rất nguy hiểm cho NCT khi ở nhà một mình”, bác sĩ D chia sẻ.

Vẫn còn rào cản xã hội

Việc chăm sóc chu toàn cho cha mẹ khi về già là đạo lý, là bổn phận và là niềm hạnh phúc của con cái. Truyền thống của người Việt Nam luôn trọng tình cảm gia đình và luôn mong muốn gần gũi quây quần, sum vầy bên con cái, đặc biệt lúc tuổi xế chiều, bởi thế vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu, là đi ngược với truyền thống người Việt.

Bữa cơm ấm cúng tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng.

Khi hỏi về việc đưa mẹ vào trung tâm dưỡng lão, gia đình bà có bị áp lực gì về rào cản xã hội, bà Lê Thị Diệu Th cho biết: “Khi tôi đưa mẹ vào trung tâm dưỡng lão, có rất nhiều người đã phản ứng rằng “đưa mẹ vào trung tâm dưỡng lão là bất hiếu”. Nhưng khi gia đình họ có biến cố, có trải nghiệm thì họ đã hiểu được. Việc suy nghĩ tiêu cực là vì họ không phải người trong cuộc. Khi gửi mẹ vào trung tâm, thấy mẹ vui vẻ hằng ngày tôi biết mình đã tìm được một giải pháp đúng đắn, và cảm nhận được sự khác biệt khi có đội ngũ chuyên nghiệp chăm sóc cho NCT”.

Còn bà Phan Thị L cũng cho biết, một số bạn bè, họ hàng biết tin khi bà mới ốm nhẹ mà các con bà đã “tống” vào viện dưỡng lão, thì tỏ vẻ không hài lòng và cho rằng việc làm này ích kỷ, là trốn tránh trách nhiệm của con cái. Đến lúc vào thăm bà thì họ mới thốt lên rằng: “Bà sướng thật. Sau này đau yếu tôi cũng muốn vào đây nhưng lương hưu tôi chỉ có 3-4 triệu đồng/tháng”.

Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (Hà Đông, Hà Nội) hiện đang chăm sóc gần 200 NCT đến từ mọi miền đất nước. Người ít tuổi nhất là 53 và nhiều tuổi nhất là 101 tuổi. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Ngoài việc chăm sóc và quản lý sức khỏe, NCT còn được tham gia hoạt động tập thể và xã hội như: tổ chức các ngày lễ kỷ niệm, sinh nhật, mừng thọ, vận động thể thao, tham gia các câu lạc bộ như vẽ tranh, chơi cờ và các hoạt động du lịch tâm linh…

Phút giây thư giãn của các cụ tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng.

Với tư tưởng không muốn phiền con cái và sống hiện đại, vợ chồng ông Vũ Đình B, 90 tuổi và bà Vũ Thị D, 84 tuổi ở Ba Đình, Hà Nội là chọn Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng. Bà D cho biết, ông B bị tai biến cách đây 1 năm, nhưng con cái lo sợ nếu không để mắt 24/24 ông sẽ có nguy cơ bị ngã, và rất có thể sẽ bị tai biến lần 2, 3. Dù mức phí ở đây dao động từ 7-15 triệu đồng/tháng nhưng ông B phải nộp thêm tiền bỉm và chăm sóc đặc biệt nên đã chi 18 triệu/tháng để 2 vợ chồng ở 1 phòng VIP. Bà D chia sẻ: “Vào đây, suốt ngày chúng tôi quấn quýt bên nhau nên ông cũng an vui hơn. Tôi vẫn tự phục được mình nên tranh thủ tham gia bóng chuyền, đi bộ, tập vật lý trị liệu và ca hát giao lưu cùng các cụ. Do vậy không có thời gian buồn chán, hay nhớ nhà gì cả, các con tôi cũng an tâm công tác”.

Tuy nhiên khi hỏi về tâm tư khi gửi cha mẹ vào đây, con gái cụ D vẫn dè dặt nói: “Chúng tôi cũng bị áp lực khi hàng xóm dị nghị rằng không chăm sóc bố mẹ. Nhưng thấy bố mẹ tôi sức khỏe được cải thiện, tinh thần phấn chấn mỗi ngày thì chúng tôi tự tin rằng mình đã quyết định đúng./.

Người già sợ nhất cô đơn nên con cái lựa chọn trung tâm dưỡng lão cũng là cách để báo hiếu cha mẹ. Người già sẽ thấy vui khỏe nếu sống trong cộng đồng với những người cùng lứa tuổi, và con cái của họ cũng thấy an tâm khi cha mẹ được chăm sóc chu đáo và tận tâm mỗi ngày.

Hương Giang

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận