Khánh Hòa: Lao động bị ảnh hưởng Covid-19 được học nghề miễn phí

Không chỉ được hỗ trợ học nghề miễn phí những người này còn được hỗ trợ tiền ăn để an tâm học nghề.

 

Sau nhiều tháng mất việc do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều người lao động ở tỉnh Khánh Hòa được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp. Không chỉ được hỗ trợ học nghề miễn phí những người này còn được hỗ trợ tiền ăn để an tâm học nghề.

Từ đầu tháng 10 này, 2 lớp sơ cấp nghề về Bảo dưỡng ô tô và Bảo trì Điện công nghiệp được khai giảng tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang với hơn 70 học viên. Những học viên này có độ tuổi ngoài 30, bị mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Thời gian học chủ yếu thực hành để học sinh có thể làm việc ngay.

Ông Nguyễn Văn Bộ, 44 tuổi, ở phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang cho biết, trước đây, ông làm nghề lái xe khách du lịch, thu nhập ổn định hơn 7 triệu đồng/tháng. Từ ngày xảy ra dịch bệnh Covid-19, ông bị chấm dứt hợp đồng lao động, hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tìm kiếm nơi làm việc mới rất khó khăn nên ông đăng ký đi học nghề bảo trì, bảo dưỡng ô tô. Gần 10 năm lái xe, kiến thức được các thầy giáo hệ thống hóa lại nên ông Bộ nắm bắt rất nhanh.

“Tôi mong muốn có một cái nghề để sau này có thể chuyển đổi bên sửa chữa ô tô. Học ở trường này, có nhiều cái rất bổ ích. Lái xe bao nhiêu năm, thêm phần kinh nghiệm trong lớp sửa chữa ô tô này, từ thiết bị máy móc trong xe, tôi có thể mở một tiệm làm lốp, điện trong xe chẳng hạn”, ông Bộ chia sẻ.

Các học viên học trong 3 tháng, ngoài được miễn học phí còn hưởng khoản hỗ trợ mỗi ngày 80.000 đồng tiền ăn, tiền lưu trú. Sau khi tốt nghiệp, học viên được nhận chứng chỉ nghề và tiền hỗ trợ khoảng 2,7 triệu đồng. Anh Nguyễn Anh Kiệt, 39 tuổi, ở phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang làm nghề lái xe phục vụ du lịch vừa tham gia các lớp học này. Trong lúc mất việc làm, đầu tháng 10 vừa qua, Anh Kiệt đã tham gia lớp đào tạo nghề miễn phí.

“Được hỗ trợ, tôi cũng an tâm đi học để kiếm cái nghề để thay đổi chứ dịch dã thế này, nghề lái xe bị ảnh hưởng nặng nề, cuộc sống của chúng tôi bi đát quá”, anh Kiệt cho hay.

Các học viên học nghề đều lớn tuổi, mong muốn chuyển đổi nghề nghiệp.

Được biết, hoạt động dạy nghề cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tài trợ. Hoạt động này nằm trong chương trình hợp tác “đổi mới đào tạo nghề Việt Nam” giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức phối hợp được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp triển khai tại 8 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ở các tỉnh miền Trung chỉ duy nhất Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang được đặt hàng thực hiện chương trình này và đã có 72 lao động tham gia chương trình đào tạo.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang cho biết, thời gian học 3 tháng chủ yếu dành cho thực hành, hướng dẫn chuyên sâu các kỹ năng nghề đơn giản để học viên ra trường có thể làm việc được ngay.

“Sơ cấp nghề nhưng tập trung chủ yếu là thực hành. Đăng ký khoảng trên 100 lựa chọn lại mỗi lớp chỉ còn 36 người thôi. Chọn học viên phải có đầy đủ kỹ năng có thể học nghề được, sau này ra làm được thì mới tuyển vào học. Trước đây họ làm xây dựng hoặc nghề gần với nghề điện thì học nghề điện để có thể làm điện nhà, điện chung cư được. Lái xe có thể học sữa chữa ô tô. Sau khi học xong thay đổi nghề nghiệp của họ để họ làm việc được”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh./.

Thái Bình/VOV-miền Trung

 

Bình luận

    Chưa có bình luận