Phải làm rõ trách nhiệm vụ vỡ 'quả bom nước' tại Khánh Hòa

Tại tỉnh Khánh Hòa, chỉ sau một đợt mưa lớn trong buổi sáng 18/11, thảm họa ập xuống hàng chục gia đình nghèo.

 

Tình trạng sạt lở chôn vùi tính mạng và tài sản người dân liên tiếp xảy ra và ngày càng nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa ai lên tiếng chịu trách nhiệm về những hậu quả đau lòng này.

Ai cấp phép xây dựng hồ chứa?

Sáng 18/11, TP. Nha Trang có mưa lớn. Chỉ trong 2 - 3 tiếng đồng hồ mưa to đã gây sạt lở trên diện rộng tại 6 địa điểm, thuộc 4 xã, phường. Nặng nhất là ở phường Vĩnh Hòa. Tính đến nay đã có 18 người chết, 1 người mất tích, 28 người bị thương, 71 ngôi nhà bị sập và hư hỏng sau vụ sạt lở đất. Sạt lở xảy ra ở Khu dân cư cao cấp Hoàng Phú đã cuốn trôi, san phẳng gần chục ngôi nhà, cướp đi mạng sống của 4 người trong một gia đình nhà giáo. Người dân và chính quyền địa phương đều khẳng định, sạt lở do vỡ hồ chứa nước cao đến 60m ở phía trên khu dân cư. Ông Hà Văn Hội, một nạn nhân thoát chết nêu thắc mắc: “Ai cho phép xây dựng hạng mục này? Khu đô thị mới được xây dựng cách đây vài năm thôi. Họ xây dựng hồ nước ngay trên khu dân cư thì đúng là đem trái bom để trên đầu dân. Cả thành phố, cả tỉnh mà để làm như vậy. Phải làm rõ trách nhiệm, chứ không để dân chết oan ức như thế”.

Khu dân cư cao cấp Hoàng Phú do Công ty TNHH đầu tư và phát triển Thanh Châu làm chủ đầu tư. Dự án này được quảng cáo rầm rộ có hồ bơi vô cực ở phía đỉnh. Thực tế việc đào đắp đã tiến hành nhiều tháng qua với nhiều phương tiện máy móc. Việc thi công diễn ra nhộn nhịp ngay giữa thành phố mà cả Thanh tra Sở Xây dựng lẫn chính quyền địa phương đều nói không hay biết gì về công trình này?! Ông Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa thừa nhận, khi xảy ra sự cố, địa phương mới biết là có công trình này. “Vách hồ nước không chắc, chứa lượng nước khá lớn. Chiều dài khoảng 50m, chiều ngang khoảng 10m, chiều sâu khoảng 1,5m. Địa phương không nắm được việc thi công, không biết thời điểm thi công, thi công họ cũng không báo địa phương. Nếu địa phương biết thì đã cương quyết di dời vì khu vực này vốn là nền đất rất ổn định, nền đá tảng, không thể sạt lở được”.

Sau khi xảy ra thảm họa, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã làm việc với chủ đầu tư. Trong lúc đại diện UBND phường Vĩnh Hòa khẳng định doanh nghiệp này đào đắp khối lượng đất đá lớn lên đến hàng trăm mét khối, xây dựng hồ bơi vô cực thì ông Trần Văn Thọ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa bảo không có hồ bơi? Theo ông Thọ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở là doanh nghiệp thi công mương thoát nước, lượng nước từ mương đổ xuống làm sạt lở dự án, sau đó gây sạt lở khu dân cư. Ông Trần Văn Thọ khẳng định, dự án này thi công xây dựng hạ tầng khi không có giấy phép xây dựng.

Khởi tố vụ án “quả bom nước”?

Những năm gần đây, tại TP. Nha Trang liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở đất, làm chết nhiều người. Khu vực sạt lở là những khu dân cư ven núi, nạn nhân hầu hết là những người có hoàn cảnh khó khăn. Cuối năm 2016, tại thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang xảy ra sạt lở núi làm 4 người chết, 7 người bị thương. Ngày 18/11 vừa qua, cũng tại địa phương này lại xảy ra sạt lở ở 2 thôn khác, làm 10 người chết và mất tích. Ông Bùi Cao Pháp, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho rằng, nguyên nhân thảm họa vừa qua có việc xây dựng tràn lan ở các sườn núi nhưng chính quyền cơ sở lực bất tòng tâm. Toàn xã Phước Đồng có hơn 1.000 căn nhà nằm sát vách núi rất nguy hiểm.

TP. Nha Trang đang trong quá trình đô thị hóa nhanh. Người dân nghèo bị đẩy dạt ra khỏi nội thành, chưa có chỗ ở ổn định. Nhiều người nghèo đành mua bán đất rừng, san nền, xây dựng nhà cửa trái phép. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương, trước hết là UBND các xã, phường chưa làm tròn trách nhiệm quản lý khi để xảy ra tình trạng nhà cửa mọc lên trái phép, không theo quy hoạch khu dân cư. Ông Lê Hữu Thọ, Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Người dân xây dựng trái phép ở đó thời gian đã rất lâu, chính quyền không quản lý. Về vấn đề này, thành phố tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, làm thế nào để giải quyết hài hòa, bà con sống được bằng nghề biển mà có chỗ ở cho hợp lý”.

Khí hậu ngày càng cực đoan. Những khu dân cư ở các vùng xung yếu nguy hiểm cần được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Thế nhưng, ở TP. Nha Trang, công tác này đang bị buông lỏng. Hàng ngàn người dân phải sống trong thấp thỏm, bất an. Mặt khác, do đô thị phát triển nóng, nhu cầu đất ở tăng cao, tỉnh Khánh Hòa đã giao nhiều khu đất trên các sườn đồi để các doanh nghiệp phân lô, xây dựng dự án nhà ở mà thiếu kiểm tra, buông lỏng công tác quản lý. Tình trạng đào bới, cạo trạo đồi núi đã và đang uy hiếp sự an toàn các khu dân cư ven chân núi.

Ngay sau khi xảy ra sạt lở núi kinh hoàng, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT dẫn đầu Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã đến tận nơi thăm hỏi, chia sẻ nỗi đau với gia đình nạn nhân. Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, việc quy hoạch phát triển đô thị tại TP. Nha Trang đã bộc lộc nhiều bất cập. “Đối với những thành phố như thế này, việc chúng ta đào bới các khu vực đồi núi để làm mặt bằng, để xây dựng cần phải rất cân nhắc, nếu không nó sẽ tạo ra điều kiện để tình trạng sạt lở núi ngày càng diễn ra nhiều hơn”.

Thảm họa bất ngờ ập xuống người dân TP. Nha Trang chỉ sau vài giờ mưa lớn lộ ra những khoảng trống “chết người” về trách nhiệm của các ngành chức năng và chính quyền địa phương. Hồ chứa như “quả bom nước” xây dựng không phép treo trên đầu người dân đã "vỡ tung", nhấn chìm tính mạng và tài sản hàng chục người dân nơi đây mà chưa thấy ai lên tiếng nhận trách nhiệm? Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ sạt lở gây chết người và xem xét khởi tố vụ án nếu đủ căn cứ pháp lý./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận