Ai cũng biết, nuôi con bằng sữa mẹ là bảo đảm dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ, tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ bệnh tật cho cả mẹ và con, từ đó giúp giảm chi phí y tế cho gia đình và xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19.
Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ mang lại lợi ích cho bà mẹ và trẻ em, mà còn rất có lợi đối với người sử dụng lao động. Khi lao động nữ có thể duy trì cho con bú khi đi làm, họ sẽ thấy an tâm, tập trung cho công việc, và cam kết với nơi mình làm việc. Tỷ lệ giữ chân lao động ở doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và nghỉ thai sản tốt là 94%, gần gấp đôi tỷ lệ của tất cả các doanh nghiệp nói chung (59%).
Lao động nữ làm việc tại doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và nghỉ thai sản tốt cảm thấy hài lòng, gắn kết với doanh nghiệp cao hơn gấp 3 lần, từ đó năng suất lao động cao hơn 5. Bên cạnh đó, nuôi con bằng sữa mẹ còn góp phần giảm thời gian nghỉ trông con ốm của lao động nữ.
Một khảo sát khác gần đây tại 20 doanh nghiệp và 1.000 lao động nữ ở 10 tỉnh thành cũng cho thấy: gần 100% người lao động tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy hài lòng và gắn bó hơn khi làm việc tại doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tốt và ủng hộ quy định “Mỗi doanh nghiệp nên có tối thiểu một phòng vắt, trữ sữa”. Chi phí trung bình cho việc thiết lập 1 phòng vắt, trữ sữa chỉ khoảng 15 đến 20 triệu đồng; 95% đại diện doanh nghiệp tham gia khảo sát đồng ý rằng doanh nghiệp hoàn toàn có thể chi trả được.
Nuôi con bằng sữa mẹ cũng chính là một cách thức để đạt được bình đẳng giới tốt hơn. Cho con bú mẹ hoàn toàn và thường xuyên được chứng minh là làm giảm khả năng mang thai, giúp phụ nữ kế hoạch hóa gia đình một cách an toàn. Nhờ tránh có thai ngoài kế hoạch và giãn khoảng cách giữa hai lần sinh con, phụ nữ có thể học tập và làm việc chủ động hơn; có thu nhập ổn định và cao hơn.
Thực hành được WHO, UNICEF và các tổ chức quốc tế công nhận là hiệu quả nhất về mặt sức khỏe và chi phí để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em chính là nuôi con bằng sữa mẹ.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang xây dựng Nghị định quy định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới để sửa đổi, bổ sung Nghị định 85/2015/NĐ-CP. Bà Đỗ Hồng Vân - Phó Trưởng ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động chia sẻ: “Sau 5 năm Nghị định 85 ra đời với quy định khuyến khích thiết lập phòng vắt trữ sữa tại nơi làm việc chỉ làm tăng từ 70 lên 500 cơ quan, doanh nghiệp có phòng vắt sữa. Đã đến lúc đưa quy định này thành bắt buộc, chúng tôi ủng hộ phương án 2 của dự thảo Nghị định sửa đổi”.
Theo bà Phan Thị Hồng Linh, Phó Giám đốc Alive & Thrive Khu vực Đông Nam Á, mạng lưới các tổ chức xã hội Vì Dinh dưỡng Việt Nam gồm 13 tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước cũng kiến nghị Chính phủ cần quy định bắt buộc. Nếu tất cả các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ thiết lập phòng vắt trữ sữa, ước tính có 4,9 triệu lao động nữ và khoảng 140.000 trẻ được hưởng lợi mỗi năm./.
PV