Báo Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn ông Mai Đức Chính, nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về vấn đề này.
Thưa ông, ông nhận định như thế nào về thị trường lao động nước ta sau đại dịch Covid-19?
Thị trường lao động của nước ta theo nhận định chúng tôi tới đây sẽ vô cùng khó khăn. Các nước thường nhập khẩu hàng của Việt Nam, đặc biệt là dệt may, da giày, đang phải đóng cửa vì Covid như Mỹ hoặc châu Âu. Hầu hết các đơn hàng về dệt may và da giày của Việt Nam bị giảm sút. Hai hãng thời trang lớn của Mỹ vừa tuyên bố phá sản, trong đó có một công ty là đối tác lớn của Công ty cổ phần May Sông Hồng ở Nam Định, và hãng còn lại là bạn hàng của Công ty Dệt may Thành Công ở TP.HCM. Khi họ phá sản thì ảnh hưởng rất lớn đến hai doanh nghiệp này, đồng thời cũng cho chúng ta thấy các doanh nghiệp dệt may và da giày của Việt Nam sẽ càng khan hiếm đơn hàng, nguy cơ người lao động phải tạm nghỉ hoặc mất việc làm ngày càng cao. Đây là một thực trạng bất khả kháng trên toàn cầu khi các nước đóng cửa, hàng hóa không thể giao thương.
Là người nhiều năm gắn bó với công nhân và tổ chức công đoàn, ông có đề xuất như thế nào để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động?
Tôi có làm việc với một số đơn vị và được phản ánh một thực tế là các gói hỗ trợ của Chính phủ chưa sát nên nhiều doanh nghiệp có nhu cầu về vốn không tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ này. Chính vì vậy tôi cho rằng, trong thời điểm khó khăn hiện nay, Chính phủ, tổ chức công đoàn và các bộ ngành cần quan tâm, xem lại các tiêu chí đối với doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh để đưa ra những tiêu chí sát hơn, các yêu cầu đơn giản và dễ tiếp cận hơn. Gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động đang bị người lao động kêu khó tiếp cận. Hoặc gói 16.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay để trả lương cũng hầu như chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được. Tôi nghĩ rằng, Chính phủ đã có nhiều quan tâm nhưng các cơ quan thực thi cần làm sao đưa ra chính sách sát hơn để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn duy trì sản xuất, giúp người lao động có công ăn việc làm.
Thứ hai là trong bối cảnh các chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy như thế này thì các doanh nghiệp càng phải đa dạng hóa sản phẩm. Cần nhanh chóng thay đổi phương thức, quay lại với thị trường nội địa để cố gắng duy trì hoạt động, chấp nhận sản xuất kinh doanh lợi nhuận thấp, thậm chí không có lợi nhuận để duy trì việc làm cho người lao động, giữ chân người lao động. Đồng thời trong bối cảnh này người lao động và tổ chức công đoàn cũng cần chia sẻ với doanh nghiệp. Có thể chúng ta cũng sẽ phải chấp nhận giãn việc làm hoặc giảm lương để doanh nghiệp duy trì được sản xuất kinh doanh, người lao động giữ được việc làm. Tôi đã đọc được thông tin các công nhân của Vinfast chia sẻ với doanh nghiệp bằng cách họ không nhận lương. Tất nhiên với những doanh nghiệp lâu nay làm ăn tốt, lương cao, người lao động có tích lũy thì mới có thể không nhận lương. Còn với người lao động ở những doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều khó khăn, không có tích lũy thì giải pháp hài hòa nhất là người lao động chấp nhận giãn việc, giảm lương còn chủ doanh nghiệp cố gắng giảm lợi nhuận để duy trì sản xuất kinh doanh, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ban hành Đề án “Công đoàn tham gia đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động, giai đoạn 2020-2023 và định hướng đến năm 2023”. Phấn đấu đến năm 2023, 100% công đoàn cơ sở nơi có nhu cầu đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động tiến hành thương lượng để đưa nội dung này vào thỏa ước lao động tập thể; Hằng năm, phấn đấu 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức công đoàn xây dựng kế hoạch phối hợp, liên kết với doanh nghiệp và công đoàn cơ sở đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động.
|
Vậy theo ông trong bối cảnh này tổ chức công đoàn có nên phối hợp với doanh nghiệp và các cơ quan liên quan để tranh thủ đào tạo lại cho người lao động hay không?
Tôi có theo dõi thì thấy vừa qua Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đưa ra đề án về nâng cao trình độ tay nghề của công nhân trước tình hình dịch bệnh, tôi nghĩ là Tổng Liên đoàn cũng đã khá nhanh nhạy khi ban hành đề án này. Như vậy, hậu Covid có rất nhiều vấn đề được đặt ra, ví dụ như phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng, không phụ thuộc vào một nguồn xuất khẩu; đa dạng hóa phương thức kinh doanh, khai thác lợi thế của công nghệ 4.0… Covid-19 có thể kéo dài hơn nữa chứ không phải chỉ một vài tháng, cho đến khi thế giới tìm ra vắc-xin. Bởi vậy chúng ta cần có giải pháp thay đổi nhanh để đáp ứng yêu cầu của trạng thái bình thường mới.
Xin cảm ơn ông!
Song Thư thực hiện