Quảng Nam: Lần đầu tiên triển khai phun thuốc sâu bằng thiết bị bay

Thiết bị bay không người lái (drone) phun thuốc phòng trừ sâu hại lúa sẽ giúp nông dân chăm sóc mùa vụ tốt hơn, nâng cao hiệu quả trên diện tích canh tác.

 

Ngày 17/6, lần đầu tiên thiết bị bay không người lái (drone) phun thuốc phòng trừ sâu hại lúa được thử nghiệm tại thôn Vĩnh Xuân, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Công nghệ hiện đại này được triển khai trên đồng ruộng sẽ giúp nông dân chăm sóc mùa vụ tốt hơn, nâng cao hiệu quả trên diện tích canh tác.

Hàng trăm người theo dõi trình diễn thiết bị.

Từ sáng sớm, ông Ngô Văn Lộc ở thôn Kế Xuyên 1, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cùng hàng trăm nông dân đứng xếp hàng trên bờ ruộng xem thiết bị bay không người lái phun thuốc phòng trừ sâu hại lúa. Điều mà ông Lộc ấn tượng nhất đối với thiết bị này là phun thuốc đều và mịn mà không cần đến sức người. Nông dân không phải lội đồng, giẫm lên lúa, hít phải mùi thuốc trừ sâu nồng nặc như lâu nay.

Tuy vậy, điều mà ông Ngô Văn Lộc cũng như nhiều nông dân khác băn khoăn là không biết có điều khiển được thiết bị bay này theo đúng ý mình. Hơn nữa là giá thành thiết bị quá sức với người nông dân.

“Nếu người dân qua 1 lớp thực tập và có tài liệu hướng dẫn mới biết sử dụng. Nhưng, nông dân hiện nay nhiều lắm mỗi người chỉ 1 mẫu rưỡi ruộng, trong khi máy này trị giá 300 triệu, thì làm sao họ sắm nổi. Nếu hợp tác xã đứng ra mua máy, rồi cho nông dân thuê, hoặc liên kết 5 đến 10 hộ, hay vài chục hộ mua 1 cái thì có thể được”, ông Ngô Văn Lộc bày tỏ.

Việc ứng dụng thiết bị này sẽ giải phóng sức lao động cho nông dân.

Từ tháng 10 năm ngoái, thiết bị phun thuốc và phân bón tự động được Tập đoàn Lộc Trời ứng dụng trên đồng ruộng. Thiết bị này góp phần hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, nhiều chủng loại. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ này sẽ giải quyết được vấn đề thiếu lao động ở nông thôn. Ông Ngô Đức Tâm, Giám đốc khu vực miền Trung, Tập đoàn Lộc Trời cho biết, 5 năm tới, tiếp tục triển khai dịch vụ canh tác bằng máy móc hiện đại, quy trình canh tác nông sản hiệu quả cao, hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản của các hợp tác xã dựa trên tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất được nguồn gốc, cùng với các hợp tác xã tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định.

Thiết bị phun thuốc không người lái lần đầu tiên ứng dụng thử nghiệm tại Quảng Nam.

Tại khu vực miền Trung, các hợp tác xã chuyên sản xuất lúa gạo và cây ăn quả sẽ được đơn vị ưu tiên xây dựng liên kết để đem lại lợi ích lâu dài cho nông dân. Ông Ngô Đức Tâm cho biết: “Tập đoàn Lộc Trời hiện nay có lực lượng kỹ thuật “3 cùng” là: cùng ăn, cùng ở và cùng làm với bà con lên đến 1.200 nhân viên. Với lực lượng am hiểu kỹ thuật đồng ruộng rất là tốt sẽ tư vấn, hỗ trợ cho bà con, hỗ trợ các hợp tác xã liên kết với đơn vị để tổ chức sản xuất, tư vấn cho bà con sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất trên đồng ruộng của bà con”./.

Hoài Nam/VOV-miền Trung

 

Bình luận

    Chưa có bình luận