Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em 2020: Tác động của đại dịch tới trẻ em

Tỷ lệ lao động trẻ em trên thế giới bắt đầu tăng trở lại những năm gần đây và tăng nhanh từ sau khi dịch Covid-19 xảy ra.

 

Ngày 12/6 hàng năm được lấy làm Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về cuộc sống của những lao động trẻ em trên khắp thế giới. Diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến nghiêm trọng, Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em năm nay tập trung vào ảnh hưởng của dịch bệnh đối với lao động trẻ em.

 Dịch Covid-19 và những cú sốc kinh tế cũng như thị trường lao động đã và đang tác động nặng nề tới cuộc sống của hàng triệu người trên khắp thế giới. Trẻ em là đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng. Theo một thống kê của Liên hợp quốc trên thế giới có 152 triệu lao động trẻ em, trong đó 72 triệu em phải làm những công việc nguy hiểm. Năm 2000, tỷ lệ lao động trẻ em đã giảm 94%. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động trẻ em trên thế giới bắt đầu tăng trở lại những năm gần đây và tăng nhanh từ sau khi dịch Covid-19 xảy ra.

Trẻ em lao động sớm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tiềm năng phát triển... (Ảnh minh họa: internet)

Nghèo đói cùng cực đã buộc nhiều gia đình phải cho con em mình đi làm sớm để phụ giúp gia đình. Tại các quốc gia ít phát triển, cứ 4 trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 17, có 1 trẻ em phải lao động từ sớm. Châu Phi, được xem là khu vực có tỷ lệ lao động trẻ em cao nhất thế giới (72 triệu em). Châu Á và khu vực Thái Bình Dương xếp thứ 2.

Đáng báo động là tình trạng lao động trẻ em bị xâm hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần. Tại Pakistan, mới đây xảy ra trường hợp một bé gái 8 tuổi làm giúp việc cho gia đình bị chủ nhà hành hạ đến chết đã gây làn sóng phẫn nộ trong xã hội nước này buộc Chính phủ Pakistan phải đề xuất thay đổi luật quy định về lao động trẻ em. Trong một dòng trạng thái đăng tải trên trang Twitter cá nhân hôm 3/6 vừa qua, Bộ trưởng Nhân quyền Pakistan Shireen Mazari đã đề xuất sửa đổi luật lao động đưa nghề giúp việc trở thành loại hình công việc nguy hiểm đối với trẻ em. Điều này đồng nghĩa với việc, trẻ em không được phép làm giúp việc cho gia đình tại Pakistan.

Nhân ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mới đây kêu gọi thế giới hành động mạnh mẽ xóa bỏ lao động trẻ em cũng như giảm thiểu tác động của đại dịch tới các em. “Các nhà lãnh đạo thế giới cần làm hết sức để giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 tới trẻ em, để đảm bảo không em nào bị bỏ lại phía sau. Chúng tôi khuyến cáo Chính phủ các nước hỗ trợ tài chính cho các gia đình có thu nhập thấp, cũng như giảm thiểu nguy cơ bị gián đoạn về chăm sóc y tế và an sinh xã hội đối với các em. Cần ưu tiên trẻ em dễ bị tổn thương trong các cuộc xung đột, trẻ em bị tàn tật… Tôi kêu gọi bảo vệ trẻ em và mang lại những gì tốt đẹp cho các em”, ông Antonio Guterres nhấn mạnh./.

Hồng Nhung/VOV1

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận