Ninh Thuận đang khát

Để đảm bảo nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số đang là bài toán khó đối với chính quyền tỉnh Ninh Thuận.

 

Hạn hán tại tỉnh Ninh Thuận đang hết sức nghiêm trọng. Hàng chục nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt và có nguy cơ thiếu đói, hàng chục nghìn hecta đất nông nghiệp phải ngừng sản xuất do thiếu nước.

Nắng nóng như đổ lửa liên tục dội xuống vùng đất tỉnh Ninh Thuận. Theo dự báo, mùa khô năm nay ở tỉnh này sẽ còn kéo dài tới giữa tháng 9. Hiện lượng nước tại 21 hồ chứa nước trong tỉnh Ninh Thuận chỉ còn hơn 23 triệu mét khối, chiếm khoảng 12% dung tích thiết kế.

Cánh đồng xã Phước Nam, huyện Thuận Nam đã bỏ hoang.

Hạn hán đã khiến hơn 15.360 ha đất sản xuất vụ Hè Thu 2020 phải ngừng sản xuất. Do nhiều diện tích phải ngừng sản xuất dẫn đến khoảng 72.000 người có nguy cơ thiếu đói, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Nắng hạn cũng đã khiến cho nguy cơ cháy rừng ở Ninh Thuận luôn trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm và có hơn 63 ha rừng đã bị cháy.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết: "Ảnh hưởng biến đổi khí hậu trong những năm gần đây là vô cùng khắc nghiệt. Quá trình hạn hán năm 2020, ngay từ đầu năm mức độ thiệt hại, diện tích phải ngừng sản xuất ở tỉnh Ninh Thuận, vụ Đông Xuân 2019- 2020 là 7.873 ha và vụ Hè Thu 2020 hơn 15.000 ha. Tổng thiệt hại là 1.066 tỷ đồng".

Vợ chồng anh Katơ Thiến đang bơm nước cứu hoa màu.

Từ năm 2013 đến nay, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số các huyện Thuận Nam, Bác Ái, Thuận Bắc của tỉnh Ninh Thuận luôn bấp bênh do khô hạn quanh năm, sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Hàng nghìn hecta đất sản xuất ở địa phương bị bỏ hoang. Đến thời điểm này, huyện Thuận Nam có gần 59 ha diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn. Hơn 80.000 con gia súc đang có nguy cơ thiếu nước, thiếu thức ăn, thể trạng kém dễ dẫn đến phát sinh các loại dịch bệnh. Trong đó, có 29.000 con cừu, bò của bà con Chăm ở xã Phước Nam.
Chị Thập Thị Thoảng ở thôn Văn Lâm 3 đang chăm hơn 40 con cừu và hơn 10 con bò của gia đình tại cánh đồng xã Phước Nam, huyện Thuận Nam cho biết, sau hạn hán khốc liệt năm 2015, 2016, đây là lần thứ 3 trong đời chị chứng kiến lại sự khốc liệt này. Hạn hán khiến nhiều nguồn nước kiệt quệ. Đàn gia súc của gia đình chị Thoảng suy yếu từng ngày do thiếu nước, thiếu thức ăn.

"Nhà tôi có 6 sào ruộng ngay hồ Suối Lớn nhưng không có nước để sản xuất, bỏ hoang cũng 2,3 năm nay. Đàn bò, cừu cũng thiếu nước uống, thiếu thức ăn. Giờ mưa chưa có, chúng tôi cố làm ăn nhưng khó khăn lắm", chị Thập Thị Thoảng lo lắng.

Không chỉ thiếu nước cho cây trồng, vật nuôi, ngay cả người dân, trong đó có bà con người Chăm, Raglai ở tỉnh Ninh Thuận cũng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Trong tháng 5 vừa qua, cả hệ thống chính trị và lực lượng quân đội cũng phải vào cuộc để ứng cứu nước sạch cho khoảng 1.500 hộ với hơn 7.000 khẩu thiếu nước sinh hoạt.

Hồ Sông Biêu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận ở mực nước chết.

Trước tình hình hạn hán xảy ra nghiêm trọng và kéo dài trên địa bàn, UBND tỉnh Ninh Thuận đã công bố cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán xảy ra từ ngày 15/5/2020 trên toàn tỉnh.

Mặc dù, tỉnh đã sớm chỉ đạo, chủ động xây dựng kịch bản để ứng phó với tình trạng hạn hán; hướng dẫn người dân đào ao, khoan giếng tích nước, áp dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm; giảm diện tích canh tác lúa để chuyển sang trồng hoa màu, cây trồng cạn, giống cây trồng ngắn ngày tiêu hao ít nước… nhưng mùa khô vẫn thiếu nước trầm trọng. Vợ chồng anh Katơ Thiến, nông dân người Raglai ở thôn Đồng Dày, xã Phước Trung, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận đã phải đầu tư máy bơm, đưa nước từ dưới lòng suối gần nhà về cứu hoa màu trồng trên đất đồi dốc.

"Nhà tôi nuôi 15 con cừu và 10 con bò nhưng chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì không có nước cho chúng uống. Vừa rồi tôi phải mua rơm tạm trữ khoảng 4 triệu đồng và đầu tư máy bơm nước trồng cỏ cho bò ăn", anh Katơ Thiến chia sẻ.

Để khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước về lâu dài thì giải pháp căn cơ nhất vẫn là xây dựng hồ chứa nước, mở rộng các tuyến kênh mương nội đồng, kênh mương hạ tầng… Mặt khác, ngoài việc đầu tư mạnh mẽ các công trình thuỷ lợi trọng điểm, Ninh Thuận cần nghiên cứu hợp tác xây dựng đường dẫn nước tưới từ các tỉnh ngoài về các hồ chứa dự phòng, tăng cường trồng rừng để vừa giữ nguồn nước ngầm, vừa hạn chế tốc độ bốc hơi nước tưới.

Tuy nhiên, để hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi thì bài toán về vốn ở tỉnh Ninh Thuận thật sự nan giải. Đơn cử công trình thủy lợi Tân Mỹ ở xã Phước Hòa, huyện Bác Ái với dung tích hơn 200 triệu mét khối, tổng vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ có vai trò giải quyết vấn đề thiếu nước của khu vực phía Bắc tỉnh Ninh Thuận, là vùng bị hạn nhất tỉnh với diện tích 6.800 ha. Thế nhưng đã gần 10 rồi, công trình này vẫn chưa hoàn thành.

“Giải khát” cho mùa nắng hạn luôn là bài toán khó của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận. Ngoài việc sớm hoàn thiện các công trình thủy lợi, Ninh Thuận đang xây dựng những giải pháp thích nghi với môi trường, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết: "Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 05 về ứng dụng nhân rộng chuyển giao các mô hình tiến bộ khoa học vào trong nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là Nghị quyết 09 về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với biến đổi khí hậu. Thời gian qua, chúng tôi cũng đã thực hiện. Gần đây nhất là chính sách hỗ trợ về nông nghiệp và nông thôn, trong đó có hỗ trợ chuyển đổi cây trồng cạn, về tiết kiệm nước ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng cánh đồng đạt chuẩn về VietGAP".

Trong khi chờ đợi các công trình thủy lợi hoàn thiện, cùng với chính quyền địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số ở Ninh Thuận đã và đang nỗ lực áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong khai thác nguồn nước cũng như chăm sóc cây trồng, vật nuôi để vượt qua cơn khát, ổn định đời sống./.

Ái Nghiêm/VOV-TPHCM

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận