Hôm nay (11/05), học sinh cấp tiểu học và mầm non của thành phố Hà Nội quay trở lại trường sau thời gian nghỉ dài để phòng, chống dịch Covid-19. Vì các em còn nhỏ tuổi nên ý thức cá nhân về giữ vệ sinh phòng, tránh dịch vẫn luôn cần có sự giám sát, nhắc nhở của các thầy cô giáo và phụ huynh.
Hiện các nhà trường đã chuẩn bị điều kiện tốt nhất để có thể đón trẻ quay trở lại trường học. Không còn quy định giãn cách lớp học nên nhiều trường tiểu học, mầm non đã quyết định dạy học như bình thường, cho học sinh bán trú.
Phun khử trùng các không gian trong và ngoài lớp học, lau rửa đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học, dán những tấm giấy màu hình tròn, hình mũi tên đánh dấu trên sân trường để học sinh giãn cách khi chờ đo thân nhiệt, hoặc xếp hàng đi lên lớp theo đúng quy chuẩn của Bộ Y tế...
Đó là những công việc mà các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học của thành phố Hà Nội đã hoàn thành để đón học sinh quay trở lại trường trong tâm thế vừa học tập, vừa phòng dịch, đảm bảo an toàn cho học sinh. Nhiều trường cho biết, sẽ chưa tổ chức cho học sinh ăn bán trú mà chỉ học nửa ngày trong tuần học đầu tiên.
Bà Bạch Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm thông tin, nhà trường chưa cho các con học 2 buổi/ngày và cũng như chưa tiến hành cho các con ăn bán trú tại trường mà tạm thời trong 1-2 tuần đầu chúng tôi theo chỉ đạo chung của quận Hoàn Kiếm là cho con đi học một tuần 5 buổi sáng, từ thứ hai đến thứ 6 và mỗi một buổi 4 tiết.
“Với tính toán của chúng tôi dựa theo chương trình tinh giản của Bộ, với thời lượng học như thế, các con sẽ đảm bảo hoàn thành chương trình tiểu học trước ngày 30 tháng 6”, bà Huyền nói.
Không còn quy định giãn cách nên nhiều trường tiểu học, mầm non đã quyết định dạy học như bình thường. Vì vậy, bếp ăn và chỗ ngủ của học sinh đều được các nhà trường ưu tiên quan tâm nhiều hơn trong bối cảnh đi học mùa dịch.
Cô giáo Trịnh Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Đại Kim, quận Hoàng Mai và bà Phan Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường mầm non Tháng Tám, quận Hoàn Kiếm thông tin: Nhà trường vẫn thực hiện ký kết mua thực phẩm với đơn vị có uy tín, kiểm soát nguồn gốc đảm bảo tươi, sạch và giao nhận thực phẩm đúng quy trình.
Bếp của nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ được khử khuẩn, đảm bảo vệ sinh. Trước khi vào bếp, tất cả nhân viên đều được đo thân nhiệt tại bếp, và vệ sinh bằng dung dịch sát khuẩn khô.
“Nhà trường cũng sẽ chia giờ ăn của các khối lớp ra. Trường có rất nhiều phòng chức năng, vì thế một nửa lớp sẽ ăn trong phòng học, một nửa lớp ăn tại các phòng chức năng, huy động tất cả nhân viên tham gia vào giờ ăn cho trẻ, đảm bảo mỗi một ca ăn đều có 2 giáo viên và chuyên viên chăm sóc học sinh”, cô Hương nói.
Khác với cấp học THCS và THPT, học sinh của cấp tiểu học và mầm non còn nhỏ, ý thức cá nhân về giữ gìn vệ sinh phòng bệnh chưa tốt. Trong bối cảnh vừa đi học vừa phòng bệnh như hiện nay thì các chuyên gia cho rằng phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để kiểm tra sức khỏe của con hằng ngày.
Còn các trường, đặc biệt là trường có tổ chức ăn bán trú cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp vệ sinh trường lớp, bếp ăn, đồ dùng bán trú... để đảm bảo an toàn phòng bệnh cho học sinh.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: Đầu tiên cha mẹ cho các cháu đi học thì phải biết sức khỏe của các cháu, cháu phải khỏe hoàn toàn. Kế đến là việc ăn uống, thực phẩm phải từ các công ty, từ các nhà vườn, nhà chăn nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phầm, những người chế biến thức ăn của bếp ăn phải đảm bảo không bệnh tật, khỏe mạnh”.
Hiện nay, toàn bộ lớp học, đồ dùng, đồ chơi, bàn ghế, dụng cụ học tập, chăn, gối, đệm... của học sinh một lần nữa được phụ huynh cùng giáo viên trong các nhà trường làm sạch, khử khuẩn để đón học sinh quay trở lại trường học, đảm bảo an toàn phòng bệnh./.
Minh Hường/VOV1