Báo chí với trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân

Các vụ XHTD trẻ em vẫn ngày càng gia tăng. Điều đáng nói là mỗi khi vụ việc được phát giác, thông tin về đời tư nạn nhân lại là đề tài khai thác của báo chí.

 

Vô tư làm lộ thông tin về nạn nhân

Đầu năm 2020, thông tin về đường dây mua bán trinh tiết trẻ em ở Ba Vì, Hà Nội bị phát giác thu hút sự quan tâm của xã hội. Nạn nân hầu hết trong độ tuổi 14-15, trong đó có cả học sinh cấp II trên địa bà huyện Ba Vì. Đây là đối tượng yếu thế cần được bảo vệ, đặc biệt là yêu cầu về bảo mật thông tin. Thế nhưng, các bài báo viết về vụ việc này lại chủ yếu khai thác thông tin qua lời kể của các nạn nhân. Dù hình ảnh nạn nhân đã được làm nhòe mặt, không nêu rõ tên và địa chỉ nhưng có âm thanh phỏng vấn. Có phóng viên còn tìm về Trường THCS Khánh Thượng (huyện Ba Vì, Hà Nội), nơi có những học sinh là nạn nhân trong đường dây mua bán trinh tiết để tìm hiểu xem các nữ sinh trong trường có biểu hiện gì khác thường hay không.

Dù không nêu rõ tên nạn nhân, nhưng lại đưa thông tin theo kiểu khoanh vùng vụ việc thì những người dân quê sống quanh đó chẳng khó mà biết rõ danh tính nạn nhân. Đó là chưa kể việc phóng viên về trường tìm hiểu vụ việc gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý những học sinh khác. Rồi việc bắt nạn nhân nhớ lại những vụ việc đau lòng, chỉ để thỏa mãn thông tin tò mò của bạn đọc mà không phải để phục vụ công tác điều tra là điều có nên hay không, bởi mỗi khi phải nhớ lại kí ức đau lòng sẽ ảnh hưởng không tốt tới tâm lý nạn nhân. 

Không chỉ vụ việc về đường dây mua bán trinh tiết trẻ em ở Ba Vì bị khai thác thông tin theo kiểu này mà nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em cũng được báo chí khai thác thông tin theo kiểu tìm hiểu vụ việc qua lời kể nạn nhân và gia đình nạn nhân.

Tại talkshow: "Mua dâm trẻ vị thành niên: Góc nhìn truyền thông báo chí” do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức, nhà báo Lê Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TT&TT cho rằng, người làm báo hiện nay đang bị xung đột giữa một bên là câu view, bán báo đi liền với nguồn thu nhập một bên là đạo đức của người làm báo, trách nhiệm với xã hội. Và không ít nhà báo đã xem nhẹ trách nhiệm của người làm báo với xã hội.

Theo ông Nghiêm, theo quy định của pháp luật, đời tư của các nạn nhân, đặc biệt là trẻ em dưới 16 tuổi, trong những vụ án xâm hại tình dục, cần được bảo vệ đặc biệt. Thế nhưng, báo chí vì chạy theo sự hiếu kỳ của người đọc, người xem lại tập trung khai thác thông tin về những đối tượng cần được bảo vệ. Cách khai thác thông tin kiểu này định hướng cho con người ta hướng tới những điều không lành mạnh, đó là tính tò mò, tọc mạch muốn tìm hiểu đời tư của những nạn nhân này ra làm sao, có gì bí ẩn hay lạ lùng… Để xảy ra điều này là do một số nhà báo và cơ quan báo chí còn chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật cũng như chưa nâng cao đạo đức, trách nhiệm của người làm báo.

Luật sư Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Công ty luật Fanci cho biết, nếu hiểu theo đúng tinh thần của Bộ luật Dân sự, người đại diện, cho dù là bố mẹ, cũng không được phép cung cấp thông tin về nạn nhân nếu việc cung cấp thông tin ấy gây bất lợi cho người được đại diện. Vì thế, trong các vụ XHTD trẻ em, việc cung cấp thông tin về nạn nhân từ bố mẹ hay một cơ quan, một hội nào đó về cơ bản là sai luật.

Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Cỏ thể câu view theo hướng lành mạnh

Cô giáo Phạm Thái Lê, Trường THPT Mari Curie cho rằng, thay vì câu view theo kiểu tập trung khai thác thông tin về nạn nhân, tại sao báo chí không khai thác thông tin theo kiểu đưa ra những giải pháp trong những tình huống cụ thể, ví như trong đường dây mua bán trinh tiết trẻ em ở Ba Vì thì các em cần làm gì để khỏi sa vào “bẫy” của đường dây này, làm thế nào để trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết để có thể tránh được những cạm bẫy? Những thông tin theo kiểu này nếu biết cách đưa thì lượng view chắc chắn cũng không hề giảm mà báo chí cũng thực hiện được trách nhiệm xã hội.

Bà Vân Anh, Giám đốc CSAGA cho rằng, việc khai thác thông tin như báo chí hiện nay ảnh hưởng không tốt tới xã hội bởi nó kích thích sự tò mò của con người chứ không bồi dưỡng tính nhân văn. Trong những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, thay vì hướng người đọc tọc mạch về đời tư nạn nhân, báo chí nên tăng cường giáo dục kiến thức và kỹ năng cho trẻ. Tuy nhiên, cách đưa những thông tin hữu ích như thế nào để tăng view thì cơ quan báo chí cần thảo luận để tìm ra cách làm truyền thông mới. “Các nhà báo khi viết về nạn nhân bị xâm hại tình dục là các em nhỏ thì nên đặt mình vào vị trí của các em hay coi các em như con cháu trong nhà. Nếu làm như thế, chưa nói đến quy định, đạo đức người làm báo, chưa nói đến các quy định của pháp luật thì họ cũng sẽ đưa thông tin một cách cẩn trọng hơn, tránh làm tổn thương nạn nhân” - bà Vân Anh nêu ý kiến.

Theo nhà báo Lê Nghiêm, các cơ quan nhà nước như cơ quan điều tra, công an, trường học… phải thực hiện nghiêm ngặt trong việc bảo vệ thông tin về đời tư cá nhân. “Cần cụ thể các quy định của pháp luật, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong việc bảo vệ thông tin cá nhân” - nhà báo Lê Nghiêm nhấn mạnh./. 

“Cần tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho phóng viên. Hiện, người làm báo đã có bộ quy tắc đạo đức nhưng còn sơ sài, cần được xây dựng chi tiết để áp dụng vào các cơ quan báo chí” - nhà báo Lê Nghiêm.

Minh Thư

 

Bình luận

    Chưa có bình luận