Không lo thiếu hàng, sốt giá trong thời gian dịch

Nhiều người dân đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ tại các siêu thị do lo ngại về dịch bệnh Corona. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hiện không có  tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

 

Không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá

Gần đây, nhiều người dân thủ đô lo sợ dịch bệnh do virus Corona gây ra, nên đã chủ động đi siêu thị sắm các thực phẩm khô, rau, củ, quả, chuẩn bị đồ ăn cho cả tuần. Điều này dẫn đến lượng tiêu thụ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả của người dân tăng lên đáng kể. Nhiều khách hàng mua sắm tại một số siêu thị cho biết, trước dịch bệnh nCoV đang diễn biến phức tạp, gia đình hạn chế ra ngoài ăn, nên tranh thủ vào siêu thị mua rau, củ, quả với giá rẻ, tươi hơn và dự trữ được lâu hơn. Riêng rau, quả, mua nhiều để gia đình ăn tăng cường sức đề kháng như cần tây, táo, cam… Tuy nhiên theo khảo sát của phóng viên, tại siêu thị Big C Thăng Long trong sáng ngày 5/2, các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khá dồi dào. Không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ do lo ngại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

Siêu thị Co.opmart

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail cho biết, trước tình hình dịch bệnh, để đảm bảo hàng hoá thiết yếu cung cấp cho người tiêu dùng, hệ thống siêu thị BigC đã tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường, chấp nhận những rủi ro cao khi nhu cầu mua sắm giảm. Trong giai đoạn hàng nông sản chưa xuất khẩu sang Trung Quốc, Big C dự kiến sẽ mở chiến dịch tiêu thụ 1.200 tấn thanh long; 2.000-3.000 tấn dưa hấu trên toàn hệ thống.

Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc điều hành siêu thị Big C miền Bắc cho biết, thời điểm này, phần lớn người dân đến đây đều mua rau, củ, quả và đồ khô. Lượng người mua hàng tại Big C tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Quầy rau, củ, quả liên tục bổ sung trên các quầy kệ hàng. Do đã chủ động được nguồn cung, nên tại hệ thống siêu thị Big C Thăng Long và hệ thống siêu thị Big C trên toàn quốc không xảy ra tình trạng khan hàng hay hết hàng.

Tại siêu thị Saigon Coop, sức mua cũng tăng từ 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại hệ thống siêu thị Vinmart cũng tăng 30-50% lượng hàng cung ứng cho thị trường.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) cho biết, hệ thống siêu thị Sai gon Coop đã tăng 50% lượng hàng cung ứng cho hệ thống, người tiêu dùng luôn mua được giá tốt nhất, bình ổn khi mua sắm, nguồn cung ứng không bị ảnh hưởng, siêu thị lúc nào cũng đủ nguồn cung cho người tiêu dùng. Ngoài ra, để hạn chế đông người, siêu thị Co.opmart Hà Đông bắt đầu triển khai bán hàng qua mạng và đưa tận nơi ở khu vực nội thành với đơn hàng từ 200 nghìn đồng trở lên. Với phương án này sẽ giúp các hộ dân mua sắm tiêu dùng sẽ thuận tiện hơn, giảm đi lại trong thời gian dịch bệnh.

Siêu thị Co.opmart

Ngày 5/2/2020, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã xuống làm việc và kiểm tra nguồn hàng thực phẩm thiết yếu tại một số hệ thống siêu thị lớn (Big C, Sai gon Coop, Vinmart), qua thực tế kiểm tra cho thấy nguồn hàng thực phẩm thiết yếu của các siêu thị hiện được bày bán khá dồi dào, giá ổn định như trước Tết. Qua báo cáo của các doanh nghiệp cho thấy, hiện các doanh nghiệp cũng dự báo được nhu cầu của người dân đối với hàng hóa của hệ thống bán lẻ hiện đại sẽ tăng trong giai đoạn dịch bệnh nên các siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tăng thêm này.

Bên cạnh việc cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống của người dân, các siêu thị cũng đã và đang làm việc với các nhà cung cấp khẩu trang (cả khẩu trang y tế và khẩu trang vải), nước sát khuẩn để tăng mạnh lượng cung cho thị trường.

Để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản xuất khẩu đang bị ùn ứ do việc tạm đóng các cửa khẩu phụ, đường mòn lối mở, hiện các siêu thị này cũng đang làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng bán và mở các đợt bán hàng cao điểm cho các mặt hàng như thanh long, dưa hấu trong hệ thống của mình (Big C dự kiến sẽ mở chiến dịch tiêu thụ 1.200 tấn thanh long; 2.000-3.000 tấn dưa hấu trên toàn hệ thống).

Nhiều giải pháp ứng phó 

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, qua khảo sát thấy các hệ thống siêu thị có sự chuẩn bị rất tốt, trong đó Vinmart, Big C, Saigon Coop đã tăng lượng hàng về kho tăng gấp 3, trong khi yêu cầu của Vụ thị trường trong nước trong dịp Tết chỉ tăng 10-15%. Với lượng tăng hàng hóa như vậy đảm bảo cho người dân yên tâm trong mùa dịch bệnh, vẫn đáp ứng đủ những mặt hàng thiết yếu, cần thiết trong cuộc sống hàng ngày và công tác phòng dịch.

Trong trường hợp dịch nCoV diễn biến xấu nhất, Bộ Công Thương đã xây dựng nhiều kịch bản khác nhau để đáp ứng từng cấp độ của dịch bệnh. Do vậy, trong trường hợp xấu nhất, Bộ Công Thương vẫn có thể chủ động ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường.

Siêu thị Vinmart

Bà Lê Thị Việt Nga cho biết thêm, hiện Vụ Thị trường trong nước đã làm việc với các hệ thống phân phối lớn trong việc tăng cường các hệ thống về kho, các hệ thống cũng cam kết không những đủ hàng mà còn giữ mặt hàng bình ổn, tăng cường hệ thống phân phối. Để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong bối cảnh dịch viên đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp có kế hoạch bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống, báo cáo phương án cung ứng hàng hóa (theo biểu mẫu gửi kèm) về Bộ Công Thương trước ngày 08 tháng 02 năm 2020;  Đẩy mạnh việc đàm phán với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch bệnh lây lan (như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn…) để đáp ứng nhu cầu của người dân với giá hợp lý; Kết nối hỗ trợ tiêu thụ qua hệ thống phân phối của mình đối với các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong tiêu thụ do việc hạn chế xuất khẩu sang các nước lân cận trong điều kiện dịch bệnh nCoV đang có nguy cơ lây lan rộng;  Phối hợp các cơ quan chức năng của địa phương đôn đốc, chỉ đạo, rà soát, tổng hợp các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn chủ động và tăng khả năng cung ứng các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, không để thiếu hàng, bán hàng không đúng giá niêm yết trong hệ thống; xây dựng kịch bản và các phương án ứng phó với dịch bệnh.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận