Trước nhu cầu ngày càng tăng của người dân về khẩu trang y tế và nước rửa tay sát khuẩn, trong ngày 2 - 3/2, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về một số quầy thuốc tại “chợ” thuốc Hapulico (số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội) “liên kết” không nhập, không bán khẩu trang cho người dân, kèm theo bức ảnh chụp biển thông báo “Không bán khẩu trang và nước rửa tay. Miễn hỏi” sau khi bị xử phạt về hành vi “thổi” giá khẩu trang. Thông tin này khiến dư luận hết sức bức xúc bởi sự thiếu lương tâm, đạo đức nghiêm trọng của người kinh doanh khi cả nước đang cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Để có thông tin đa chiều về sự việc này, chiều 3/2, chúng tôi đã có mặt tại “chợ” thuốc Hapulico. Khung cảnh mua bán tại “chợ” thuốc Hapulico vẫn diễn ra hết sức tấp nập và náo nhiệt. Tuy nhiên, tại khá nhiều quầy thuốc ở đây vẫn để tấm biển “Không bán khẩu trang và nước rửa tay”.
Nhiều khách hàng đến chợ thuốc để tìm mua khẩu trang, nước rửa tay nhưng đều nhận được cái lắc đầu hoặc ngó lơ lạnh lùng của nhân viên hàng thuốc ở đây. Ghé vào quầy thuốc số 118 hỏi mua khẩu trang thì chúng tôi chỉ nhận được cái chỉ tay vào tấm biển “Không bán khẩu trang”. Khi chúng tôi hỏi hết hàng hay tại sao không bán thì nhân viên quầy thuốc không nói câu nào.
Trao đổi với phóng viên về việc có hay không việc “chợ” thuốc Hapulico liên kết không nhập khẩu trang, ông Nguyễn Chiến Thắng, phụ trách Trung tâm phân phối dược phẩm và thiết bị y tế Hapu (hay còn gọi là “chợ” thuốc Hapulico) khẳng định, không có tình trạng các quầy thuốc “liên kết” không nhập, không bán khẩu trang cho người dân như thông tin trên mạng xã hội. Ngay sáng 3/2, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội, Công an quận Thanh Xuân và Ban quản lý đã phối hợp kiểm tra thông tin đăng tải trên mạng xã hội. Ban đầu, qua rà soát chủ quầy, nhân viên bán hàng cũng như khách gửi xe không thấy có tên như các tài khoản facebook đăng tải. Hiện, lực lượng chức năng đang tiếp tục làm rõ sự việc.
Ông Thắng giải thích, hiện nay, Trung tâm thuốc Hapulico có 250 quầy thuốc tuy nhiên trong đó có 190 quầy tân dược, 5 quầy thực phẩm chức năng và chỉ có 10 quầy kinh doanh thiết bị y tế. Như vậy, chỉ có 10 quầy bán khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn. Mấy ngày vừa qua, do số lượng người tìm đến “chợ” thuốc mua khẩu trang, nước sát khuẩn quá đông gây quá tải nên nhiều quầy thuốc khác đã phải treo biển “Không bán khẩu trang và nước rửa tay” để người dân biết và không hỏi chứ không có tình trạng các quầy thuốc cố tình “liên kết” không bán khẩu trang, nước sát khuẩn sau khi bị xử phạt về hành vi bán hàng không niêm yết giá.
Còn chị Đoàn Thị Hồng Hạnh, chủ quầy thuốc số 543 của Công ty TNHH dược phẩm France Việt Nam thì chia sẻ: “Tôi phải treo tấm biển “Không bán khẩu trang” vì mấy ngày vừa qua người dân đến quầy hỏi quá nhiều, ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng của chúng tôi. Trong khi đó, quầy thuốc của chúng tôi không kinh doanh thiết bị y tế, không bán khẩu trang và các sản phẩm khác như nước rửa tay…”.
Trước những thông tin trên mạng xã hội về việc một số quầy thuốc tại “chợ” thuốc Hapulico kêu gọi liên kết không nhập, không bán khẩu trang, nước rửa tay, chiều muộn ngày 3/2, trao đổi với PV, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, lực lượng QLTT đã nắm bắt được thông tin và đang phối hợp với các lực lượng chức năng có thẩm quyền xác minh, làm rõ thông tin và xử lý theo đúng pháp luật. “Chúng tôi đang phối hợp với công an kinh tế để kiểm tra. Trong trường hợp phát hiện trong kho vẫn còn hàng nhưng nhà thuốc treo biển không bán là cố tình găm hàng và sẽ bị xử theo quy định pháp luật”, ông Kiên nói.
Ngày 3/2, Tổng cục QLTT đã thành lập tổ thường trực phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra do ông Trần Hữu Linh làm tổ trưởng. Tổ thường trực có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch trên phạm vi cả nước, bao gồm: công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý và đặc biệt là trang thiết bị y tế dùng để bảo vệ sức khỏe phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá hàng hóa do dịch bệnh của virus Corona. |
Ngày 3/2, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, khẩu trang không nằm trong diện mặt hàng bình ổn giá hoặc Nhà nước định giá. Tuy nhiên, hành động cố tình găm hàng, đầu cơ hàng không bán cũng có thể bị xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Nếu lực lượng chức năng phát hiện thấy các cửa hàng thuốc, vật tư y tế còn khẩu trang, nước rửa tay khô mà không bán, thương nhân sẽ bị phạt nặng. "Chúng tôi sẽ kiểm tra những trường hợp cố tình như vậy"- ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh./.
Hiệp Hương