Bước chuyển mình sau 10 năm xây dựng nông thôn mới

Với mục tiêu xây dựng người dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng chương trình xây dựng NTM đã nhận được sự hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân.

 

“Nhiều người không tin chúng ta có thể đạt được mục tiêu nêu trên, bạn bè quốc tế cũng không tin. Nhưng chúng ta vẫn kiên định mục tiêu thực hiện chương trình này. Chúng ta đã huy động được sức mạnh to lớn, toàn diện và lịch sử để chuyển biến vùng nông thôn” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Đánh dấu cột mốc phát triển

Nông nghiệp nông thôn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam. Xây dựng nông thôn mới là nền tảng để phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp, giải quyết căn bản các vấn đề của nông dân. Cách đây gần 60 năm, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3 năm 1960, xây dựng nông thôn mới (NTM) đã được Đảng đưa vào đường lối phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trải qua nhiều nỗ lực và những thí điểm đổi mới, từ cơ chế “Khoán 100”, cho đến “Khoán 10”, “cởi trói” cho nông nghiệp và nhấn mạnh các giải pháp xây dựng NTM, đến năm 2008 nước ta mới có đường lối phát triển toàn diện rõ ràng cụ thể về nông nghiệp, nông dân nông thôn trong mối quan hệ tổng thể và mật thiết. Đánh dấu cột mốc này là sự kiện Ban Chấp hành Trung ương khóa X  thông qua Nghị quyết số 26 ngày 05/8/2008 tại Hội Nghị lần thứ 7 về nông nghiệp, nông dân nông thôn.

Chương trình MTQG xây dựng NTM ngày càng khởi sắc

Để triển khai các mục tiêu xây dựng nông thôn mới của Nghị quyết, Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 được triển khai. Đây là chương trình mới với cách tiếp cận mới, lần đầu tiên triển khai đồng loạt trên phạm vi cả nước với gần 9.000 xã, 670 huyện và 63 tỉnh, thành phố, trong mọi bình diện cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Tại Hội thảo khoa học công nghệ quốc gia về lý luận và thực tiễn xây dựng NTM ở Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Tiến sĩ, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đánh giá: “Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2010 và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trở thành “đôi cánh” giúp nông nghiệp nông thôn Việt Nam cất cánh cùng tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng của đất nước”.

Với mục tiêu xây dựng người dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng chương trình đã nhận được sự hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân. Tính chung trong cả 9 năm qua, cả nước đã huy động được hơn 2.400.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 110 tỷ USD). Trong đó, ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ trực tiếp cho chương trình là gần 320.000 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động từ người dân và cộng đồng chiếm khoảng 8,2% trong cơ cấu tổng nguồn vốn nhưng tăng 1,2 lần so với giai đoạn 1, chủ yếu là do người dân tự nguyện đóng góp để xây dựng NTM trên địa bàn.

Đặc biệt, trên cả nước có nhiều gia đình tự nguyện viết đơn xin thoát ra khỏi hộ nghèo. Đáng quý hơn, đây là những gia đình sinh sống tại vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống như Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) có 100 hộ, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) có 104 hộ, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) có hơn 100 hộ, huyện Con Cuông (Nghệ An) có 60 hộ, huyện Quan Sơn (Thanh Hoá) có 120 hộ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG - cho biết: “Để triển khai thành công chương trình và nhiệm vụ xây dựng NTM trên cả nước theo Nghị quyết 26, đề án đã lựa chọn 11 xã điểm trên cả nước.Những kết quả đạt được là cơ sở để Đảng, Nhà nước và Chính phủ đề ra hàng loạt các văn bản chỉ đạo sau này. Chương trình xây dựng NTM đã trải qua 10 năm kể từ khi thí điểm, đáp ứng tâm tư, tình cảm của người nông dân, trở thành phong trào có tính lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân”.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình xây dựng NTM vẫn còn tồn tại, hạn chế. Theo các chuyên gia, Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2019 đang chuẩn bị khép lại những thành tựu và hạn chế cần được tổng kết, rút kinh nghiệm làm cơ sở mở ra giai đoạn mới phát triển toàn diện bền vững hơn.

Theo Ban chủ nhiệm Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM, đầu tư cho khu vực khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau còn nhiều bất cập. Cụ thể, kết quả phân tích những chuyển biến ở nông thôn đã phản ánh rõ sự chênh lệch về chất lượng cuộc sống cũng như kết quả xây dựng NTM giữa các xã, nhất là vùng BắcTrung bộ. Có 70% trong tổng số 1.000 xã chưa đạt NTM của khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ thôn chưa đạt chuẩn NTM là của Bắc Trung bộ. Nơi đây thường xuyên xảy ra thiên tai nên đầu tư cho cơ sở hạ tầng có thể phải làm lại từ đầu. Vì thế, với khu vực này điều cần quan tâm không phải là tiêu chí về NTM, mà tập trung nguồn lực vào việc cải thiện trực tiếp chất lượng cuộc sống của người dân như điện, nước, vệ sinh..., tạo thu nhập ổn định và sinh kế bền vững như tổ chức sản xuất, đào tạo, tín dụng, kết nối thị trường...

Về những hạn chế, tồn tại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đó là một số lãnh đạo cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa chỉ đạo sâu sát, chưa phân bổ nguồn lực cho sự phát triển cân bằng, nguồn lực từ ngân sách chiếm tỷ lệ cò nhỏ, chưa tạo nên nhân tố thúc đẩy, đặc biệt là những vùng khó khăn. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu phát triển sản xuất chưa có kết quả đồng bộ với phát triển kết cấu hạ tầng, xảy ra khiếu kiện trong dân, sự oan ức của người dân một số nơi chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. Đừng coi thường những đốm lửa nhỏ, có thể cháy cả một cánh rừng lớn.

Thủ tướng cho biết thêm, có hiện tượng phai nhạt văn hóa, tình làng nghĩa xóm, trong khi đó tình trạng nghiện hút, trộm cắp vẫn xảy ra ở một số địa phương. “Ở nông thôn còn nhiều rác quá, nhất là rác thải nhựa, nguồn nước bị ô nhiễm”, do đó thời gian tới chúng ta phải làm quyết liệt hơn, sâu sát hơn, vì những việc dễ chúng ta đã làm rồi. Phải phát huy kinh nghiệm và thuận lợi của 10 năm qua để đề ra phương hướng nhiệm vụ xây dựng NTM trong thời gian tiếp theo. Phải tận dụng tối đa cơ hội để phát triển, phải sáng tạo để biến nguy cơ thành thuận lợi.

Bên cạnh đó, các địa phương phải đi tiên phong để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, xây dựng vùng nông thôn xanh, sạch đẹp, giàu bản sắc và đáng sống. Đặc biệt, xây dựng NTM không chỉ ở đồng bằng, mà cả ở miền núi, xã đảo, vùng sâu, vùng xa để người dân được hưởng lợi. Trong 5 năm tới, nhóm đã hoàn thành xây dựng NTM trong giai đoạn 2010 - 2020 cần phải đề ra mục tiêu cao hơn để không ngừng xây dựng những miền quê đáng sống.

Muốn làm được điều đó, phải chọn những cán bộ tâm huyết, có tài, có đức để tham mưu cho Ban chỉ đạo xây dựng Chương trình MTQG xây dựng NTM; không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được bởi xây dựng NTM không có điểm kết thúc./.

Đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm. Có 63 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đã có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân cả nước đạt 15,32 tiêu chí/xã, hoàn thành vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020). Có 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận