Xây dựng nông thôn mới - Mỗi địa phương một kinh nghiệm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: 'Rất nhiều bài học kinh nghiệm, nhiều kiến nghị đề xuất mới trong ngày hôm nay sẽ là bài học quý để chúng ta cùng tiếp thu'.

 

Tại Hội nghị Toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 – 2020 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Rất nhiều bài học kinh nghiệm, nhiều kiến nghị đề xuất mới trong ngày hôm nay sẽ là bài học quý để chúng ta cùng tiếp thu”.

Từ sáng tạo nhỏ…

Năm 2010, khi bắt đầu Chương trình Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, bình quân cả nước chỉ đạt xấp xỉ 04 tiêu chí/xã. Nhưng với sự vào cuộc triển khai đồng bộ trên 9.000 xã, 670 đơn vị cấp huyện và cả 63 tỉnh, thành phố của cả nước, sự vận dụng sáng tạo của từng địa phương, các cách làm hay điển hình tiên tiến được nhân rộng mà cả nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, rất toàn diện, nền tảng, tạo sự thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, đưa nông nghiệp - nông thôn Việt Nam lên một thế và lực mới.

Là một tỉnh ven biển thuần nông, nguồn thu ngân sách thấp nhưng Nam Định đã đạt thành tựu vượt bậc là một trong hai tỉnh đứng đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Đột phá trong xây dựng NTM tại Nam Định là công tác dồn điền đổi thửa, hình thành các cánh đồng mẫu lớn và giải phóng mặt bằng (GPMB).

Cụ thể, năm 2012, khi được giao GPMB để đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình giao thông, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Nghĩa Hưng đã có cách làm sáng tạo, đó là vận động 100% các hộ dân tự nguyện hiến đất, góp đất, tháo dỡ công trình để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.

Một con đường liên xã của huyện Nghĩa Hưng được mở rộng nhờ sự đóng góp của nhân dân

Cách làm này mang lại rất nhiều lợi ích: vừa tiết kiệm được chi phí GPMB, giảm giá thành đầu tư, vừa đẩy nhanh được tiến độ thi công, và đặc biệt là không có khiếu kiện của người dân. Bài học này sau đó đã được Nam Định nhân rộng ra toàn tỉnh. Kể từ đó đến nay, hầu hết các công trình đầu tư cải tạo, nâng cấp trên địa bàn tỉnh không phải bỏ chi phí GPMB. Nam Định gọi đây là GPMB theo cơ chế xây dựng NTM. Thông qua đó, các cấp chính quyền vận động gia đình và nhân dân hiến, đóng góp hàng ngàn hécta đất để chỉnh trang đồng ruộng, nâng cấp hạ tầng.

Ông Đoàn Hồng Phong, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, chia sẻ: “Qua tổng kết đúc rút kinh nghiệm, Nam Định cho rằng có 2 nhân tố then chốt quyết định thành công xây dựng NTM đó là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được mình vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng. Phải giải thích cho mỗi người dân nhận thấy rằng, việc đó là lợi ích của họ, họ phải làm hăng hái cho bằng được. Nếu so với câu “Dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra”, trong phương châm chỉ đạo, Nam Định đã bổ sung thêm cụm từ “Dân cần”, “Dân hưởng thụ”.

Xã Hương Trà - thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh - đạt xã NTM nâng cao với thành tựu trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu và vườn mẫu thì chuyển biến nhận thức của người dân được coi là nhiệm vụ là cốt lõi. Sau 10 năm xây dựng, NTM đã ăn sâu vào nhận thức, tư tưởng và hành động của người dân nơi đây. Để làm được điều đó theo ông Phan Thế Hòa, Chủ tịch UBND xã Hương Trà: “Xã Hương Trà phát huy vai trò của đi đầu, tiên phong trong tất cả các phong trào của cán bộ từ thôn bản cho đến cấp xã”. Nhờ thế mà xã miền núi nắng rát vào mùa hè và ngập lụt vào mùa mưa như Hương Trà không chỉ xây dựng đường khang trang, nhà sạch đẹp mà thu nhập của người dân được nâng lên rõ rệt đạt 50,26 triệu đồng/người/năm, là xã có thu nhập bình quân cao nhất của Hà Tĩnh. Sản phẩm chè Tân Hương của xã Hương Trà được coi là chủ lực trong phát triển kinh tế và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và các nước Trung Đông. Thời gian tới, chè Tân Hương tiếp tục đổi mới dây chuyền chế biến và công tác châu Âu đạt mục tiêu xuất khẩu sang thị trường EU và Đài Loan…

Các sản phẩm OCOP luôn được quan tâm phát triển tại Hương Trà

Cùng tinh thần lấy sức dân lo cho dân, tỉnh Bình Định có cách làm hay là đầu tư ngân sách để hỗ trợ bê tông hóa đường làng ngõ xóm và kênh mương. Nhờ đó khích lệ được người dân tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới. Đến nay Bình Định có 77 xã đạt xã NTM, và có huyện Hoài Nhơn và Phan Nhơn đạt huyện NTM. Tiền đóng góp của người dân trong xây dựng NTM chiếm 15% đến 17% vốn huy động. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên đáng kể từ dưới 20 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 45 triệu đồng/người. Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ: “Mỗi một km bê tông hóa tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng và toàn bộ tiền xi măng chiếm hơn ½ kinh phí xây đường còn lại người dân đóng góp”. Ông Trần Châu rất tin tưởng: “ Người dân đã không còn tâm lý e ngại như ban đầu. Bây giờ họ đã hưởng ứng nhiệt tình nên mọi khó khăn không phải là vấn đề của tỉnh”.

Huy động nguồn lực lớn

Tỉnh Nam Định, tỉnh Bình Định hay xã Hương Trà, tỉnh Hà Tĩnh chỉ là những bông hoa nhỏ trong phong trào xây dựng NTM nở rộ trên khắp cả nước trong gần 10 năm qua. Các địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai các nội dung trọng tâm, đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân nông thôn, xây dựng NTM theo hướng bền vững. Đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của các địa phương vào cuộc mạnh mẽ, tâm huyết hơn, do đó, nhiều nơi đã có tư duy, cách làm mới, huy động nguồn lực lớn và đa dạng cho xây dựng NTM.

Cụ thể, chính sách hỗ trợ xi măng và vật liệu xây dựng để dân tự làm đường của các tỉnh Thái Bình, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Nam…; chính sách hỗ trợ lãi suất, nâng mức cho vay để triển khai các chương trình, dự án xây dựng NTM của Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lâm Đồng…; chính sách hỗ trợ dồn điền, đổi thửa, mua máy nông nghiệp (Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Bình Định, Hà Nam, Thái Bình… chính sách thưởng xã về đích sớm để khuyến khích các xã làm tốt của Nam Định, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nghệ An, Thái Bình; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ đó, hơn 9 năm qua, người dân cả nước đã tự nguyện hiến hơn 45 triệu m2 đất để làm NTM, và nguồn lực huy động được bố trí 2.400.000 tỷ đồng. Bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc.

                                                                        Thanh bình miền quê Hương Trà

“Nhìn tổng quát trong 9 năm qua, chúng ta thấy tự hào. Chúng ta đã huy động được sức mạnh to lớn, toàn diện và lịch sử để chuyển biến vùng nông thôn. Chúng ta cũng nhận thấy được vai trò của người dân trong phát triển đất nước là vô cùng to lớn, qua đó huy động được nguồn lực lên tới 2.400.000 tỷ đồng, tạo lập diện mạo mới cho vùng nông thôn, nhiều nơi thay đổi đến ngỡ ngàng, đẹp hơn, sạch hơn, văn minh hơn”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận