Từ tháng 1/2019, Sở GD- ĐT Hà Nội chính thức phát động chương trình sữa học đường tại Hà Nội.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng khẳng định việc uống sữa học đường hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, phụ huynh đăng ký cho con tham gia. Sở GD-ĐT Hà Nội hoàn toàn không ép chỉ tiêu với các trường. Song trên thực tế, tại một số trường tiểu học trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) vẫn có tình trạng nhà trường ra những thông báo khó hiểu nhằm ép buộc phụ huynh phải đăng ký cho con uống sữa học đường.
Một phụ huynh cho biết, mới đây, anh nhận được thông báo từ cô giáo chủ nhiệm lớp con trai với nội dung: “Năm nay sữa học đường sẽ phát cùng quà chiều nên bạn nào không tham gia uống sữa học đường sẽ đồng thời cắt cơm bán trú”.
Theo vị phụ huynh này, vì không hợp khẩu vị, nên con anh không thích uống sữa học đường. Năm học trước gia đình anh không đăng ký cho con uống sữa học đường mà gửi sữa riêng cho con. “Tôi thấy việc gộp tiền bán trú và tiền sữa học đường là không hợp lý, vì tinh thần sữa học đường là hoàn toàn tự nguyện, học sinh có thể tham gia hoặc không. Hiện nay các con đi học cả ngày, bố mẹ lại đều đi làm, nên không thể không cho con ăn bán trú, nhưng nay vì con không uống được sữa học đường mà không được ăn bán trú thì phụ huynh phải làm sao”, vị phụ huynh thắc mắc.
Không gửi tin nhắn trực tiếp, nhưng trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Hội) lại gửi đến phụ huynh thông báo gộp tiền sữa học đường vào tiền ăn của bán trú là 31.000 đồng/học sinh/ngày. Trong đó, tiền ăn là 28.046 đồng và tiền sữa học đường là 2.954 đồng.
Đặc biệt, trong phiếu đăng ký về việc ăn bán trú và uống sữa học đường năm học 2019-2020 của trường Tiểu học Trung Yên đưa ra 2 phương án cho phụ huynh đăng ký: Thứ nhất là "Đồng ý cho con ăn bán trú tại trường. Thứ 2 là không cho con ăn bán trú nhưng uống sữa học đường".
Phần cuối của phiếu đăng ký có phần ý kiến khác.
Chị N.T.H phụ huynh tại trường cho biết, nhiều khi con không thích uống sữa học đường, nhưng nếu không uống, không phải chỉ điền vào phiếu, mà còn bị cô giáo gọi riêng lên để nói chuyện, phải giải thích rõ lý do vì sao không uống. Nhiều khi cũng vì muốn ủng hộ nhà trường, không muốn mất điểm trong mắt cô giáo nên vẫn đăng ký cho xong, còn bản thân con không muốn uống.
Phụ huynh này cũng cho rằng, việc thông báo như trong phiếu của nhà trường không rõ ràng. Nếu nhà trường có thêm phương án thứ 3 là đồng ý cho con ăn bán trú tại trường nhưng không uống sữa học đường sẽ hợp lý và thuyết phục phụ huynh hơn. Còn cách thông báo kia sẽ được hiểu, con có thể không ăn bán trú nhưng vẫn uống sữa học đường, còn nếu con đồng ý ăn cơm bán trú thì đã bao gồm sữa học đường, tức 2 khoản tiền này đã được gộp vào với nhau thay vì tách riêng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay nhiều trường tại Hà Nội cũng có mức tiền ăn bán trú là 28.000 đồng. Song tại trường Tiểu học Trung Yên lại lẻ ra 46 đồng, chưa biết khẩu phần ăn có gì khác khi thêm 46 đồng, nhưng lại vừa khít khi gộp chung với sữa học đường là 2.954 đồng.
Một số phụ huynh không khỏi băn khoăn rằng liệu đây có phải phương án cài cắm của trường để phụ huynh đăng ký sữa học đường cho con?
Sở GD-ĐT quy định không được gộp
Được biết, tỷ lệ đăng ký sữa học đường tại quận Cầu Giấy năm học 2018-2019 thấp hơn nhiều so với những quận huyện khác của thành phố.
Phòng GD- ĐT quận Cầu Giấy cũng đưa ra văn bản số 968/UBND-GD-ĐT-TCKH ngày 12/8/2019 của UBND quận Cầu Giấy.
Trong phần hướng dẫn các khoản thu của Phòng GD-ĐT cũng gộp giữa tiền ăn bán trú và tiền sữa học đường vào làm một.
Trong khi đó, ngày 28/8/2018, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng lại ký văn bản số 3613/SGDĐT- GDMN, trong đó có nội dung liên quan đến Sữa học đường, Giám đốc Sở chỉ đạo tiền sữa không được tính gộp vào tiền ăn hàng ngày của trẻ.
Cách làm của quận Cầu Giấy đang khiến không ít phụ huynh có những băn khoăn rằng phải chăng Quận đang dồn áp lực tăng chỉ tiêu đăng ký tham gia lên các trường, khiến các trường dồn áp lực lên cha mẹ học sinh để tăng tỷ lệ tham gia sữa học đường?/.
N.T/VOV.VN