Mặt nạ giấy bồi, 'hồn cốt' của Tết Trung thu

Ở Hà Nội hiện chỉ có vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa và Đặng Hương Lan còn giữ nghề truyền thống làm mặt nạ giấy bồi.

 

Trung Thu về, phố Hàng Mã vài vài con phố xung quanh rực rỡ sắc màu bởi cơ man nào là đồ chơi. Lọt thỏm giữa những cửa hàng bán các đồ chơi như súng ống, mặt nạ nhựa, đèn lồng…quầy bán mặt nạ giấy bồi nằm khép mình, khiêm tốn, bình dị, cổ xưa vốn như tên gọi của nó.

Vài năm trở lại đây, các bậc làm cha, mẹ cũng đã hướng con trẻ đến với các món đồ chơi truyền thống nhiều hơn. Dịp Tết Trung thu, các em được tự tay nặn tò he, làm đèn ông sao, đèn kéo quân, hay như được tự vẽ mặt nạ giấy bồi. Cũng chính vì quay về cội nguồn văn hóa của người dân khiến cho những người làm đồ chơi truyền thống phần nào được an ủi, yên tâm giữ nghề.

Ở Hà Nội hiện chỉ có vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa và Đặng Hương Lan còn giữ nghề truyền thống làm mặt nạ giấy bồi. Căn nhà nhỏ của ông bà năm sâu hun hút trong con ngõ nhõ ở phố Hàng Than, quận Ba Đình, một phần để ở, còn một phần là nơi chứa tất cả những gì liên quan đến công việc nằm mặt nạ giấy bồi.

Vợ chồng ông Hòa, bà Lan đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề làm mặt nạ giấy bồi.

Để chuẩn bị hàng cho Tết trung thu, ông bà Hòa- Lan túc tắc làm quanh năm. Tranh thủ những hôm thời tiết đẹp, có nắng hai ông bà ngồi cần mẫn làm. Càng đến sát ngày Tết trung thu, lượng khách có nhu cầu mua mặt nạ giấy bồi một nhiều. Sáng thì bà Lan lo sắp xếp hàng chuyển cho khách, chiều hai ông bà đẩy xe ra phố hàng Lược ngồi bán. Ông Hòa được các đơn vị tổ chức sự kiện mời liên tục đến để hướng dẫn các cháu cách vẽ mặt nạ. Hai ông bà cứ quay cuồng như vậy trong suốt cả một tháng cho đến hết Tết trung thu.

Được sở hữu một chiếc mặt nạ giấy bồi chơi trong dịp Tết trung thu, con trẻ hớn hở lắm. Nhưng mấy ai biết được để làm thành một sản phẩm phải đòi hỏi người nghệ nhận tỉ mỉ bao công đoạn. Mỗi chiếc mặt nạ đều có khuôn đúc bằng xi măng. Hiện nay, hai vợ chồng bà Hòa –Lan có khoảng 30 khuôn mặt nạ khác nhau như Ông Địa, Thị Nở, mặt nạ hình trâu, ngựa, hổ, báo… Ngoài ra, ông bà còn làm thêm một số mẫu mặt nạ hiện đại đáp ứng sở thích của trẻ con thời nay như người nhện, siêu nhân…

Mặt nạ khi đã được phơi khô và chờ đến công đoạn sơn màu.

Công đoạn xé từng mảnh giấy nhỏ, dùng hồ dán bồi lên khuôn đúc có sẵn tưởng đơn giản nhưng tỉ mỉ vô cùng vì nếu không cẩn thận mặt nạ sẽ không căng, mịn. Lớp trước được dán chồng lên lớp sau, kết dính bằng một loại hồ đun chín từ bột sắn. Khoảng 5 đến 6 lớp giấy vụn sẽ làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi. Khi đã bồi đủ các lớp giấy, mặt nạ được mang phơi khô bằng ánh nắng tự nhiên chứ không được dùng máy sấy, vì dùng máy sấy sẽ làm cong và biến dạng mặt nạ. Chính vì vậy mà mỗi khi trời nắng, ông bà phải tranh thủ làm mới đủ lượng hàng phục vụ khách hàng.

Công đoạn vẽ màu lên mặt nạ đòi hỏi vô cùng tỉ mỉ, không thể vội vàng được.

Công đoạn tô sơn cũng tỉ mỉ, cần sự khéo léo. Không phải cùng một lúc mà tô hoàn thiện một chiếc mặt nạ. Lớp sơn này khô mới tiếp tục tô lớp sơn khác lên để tránh bị nhòe. Chính vì sự cầu kỳ, tỉ mẩn như vậy nên chả còn ai mặn mà với nghề làm mặt nạ giấy bồi nữa. Ngay đến con cái ông Hòa- bà Lan cũng thế. Mỗi người con đều có một công việc riêng không ai theo nghề. Nhiều khi các con cũng nhăn nhó vì thấy bố mẹ ngồi còng lưng mới xong được 1 chiếc mặt nạ. Các con cũng khuyên bố mẹ nghỉ đi, đừng làm nữa nhưng có lẽ công việc này đã trở thành thói quen, là hơi thở của chính ông bà. Nào giấy, màu, bút, hồ dán…tất cả những thứ đó một ngày không sờ đến sẽ thấy khó chịu vô cùng. Hình ảnh những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh, được phủ lên bởi nhiều màu sơn rực rỡ, tươi vui cũng khiến ông bà thấy thích thú. Rồi hình ảnh những đứa trẻ say sưa bên chiếc mặt nạ giấy bồi khiến ông bà như tiếp thêm sức lực để giữ nghề.

Khi được vẽ màu hoàn chỉnh, mặt nạ được đem phơi khô dưới ánh nắng tự nhiên.

Hỏi lý do gì giúp cho ông bà giữ và làm nghề cho đến tận bây giờ, bà Lan chia sẻ, có lẽ nghề đã ăn vào máu và cũng là cái nghiệp khiến ông bà giờ muốn nghỉ cũng không được. Hôm nào không làm lại thấy nhớ. Ngày trước, khi hai vợ chồng ông Hòa-bà Lan làm với mục đích mưu sinh để có thêm thu nhập nuôi con cái ăn học. Nhưng giờ con cái đã trưởng thành nhưng ông bà vẫn làm đều đặn. Căn nhà của ông bà tuy nhỏ nhưng trước Tết trung thu một tháng lúc nào cũng nhộn nhịp. Người đến mua, người đến chỉ để tận mắt chứng kiến công việc của ông bà và cũng có nhiều người đến để được xin học làm mặt nạ giấy bồi. Không giữ nghề, ông bà sẵn sàng chia sẻ, chỉ bảo tận tình. Bà Lan chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi rất vui vì nghề truyền thống ngày được nhiều người quan tâm. Chúng tôi duy trì vì tình yêu với nghề, nhưng nay được động viên hơn. Ai có nhu cầu học chúng tôi sẵn sàng chỉ dạy. Điều đó là tín hiệu mừng vì không sợ nghệ bị mai một. Cầm trên tay chiếc mặt nạ giấy bồi tôi nghĩ nhiều người sẽ yêu mến nó”.

Mặt nạ Thỏ ngọc

Mặt nạ Thị Nở.

Bà Lan cũng cho biết, thoạt nhìn, những chiếc mặt nạ có vẻ như chỉ là những vật dụng mua vui đêm rằm cho con trẻ. Nhưng thực chất các hình tượng trên chiếc mặt nạ lại mang những thông điệp văn hóa rất rõ ràng. Mặt nạ ông Địa tức vị Thổ thần, Thổ địa được thể hiện với hình dáng tròn vo và vui tươi như sự sung mãn đầy đủ của đất đai màu mỡ. Hình ảnh Thỏ ngọc lại là tượng trưng cho sự đẹp đẽ hài hòa – hoặc tượng trưng cho ánh trăng sáng ngời đêm rằm. Sự xuất hiện của hình tượng ông Địa với Thỏ ngọc ẩn giấu ước vọng về một mùa màng bội thu của người nông dân thời xưa.

Mặt nạ Thị Nở.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề, chưa bao giờ ông bà ngơi nghỉ. Từng chiếc mặt nạ, từng màu sơn…đã đi vào giấc ngủ. Vợ chồng ông bà sẵn sàng dành thời gian còn lại để truyền nghề cho bất cứ ai muốn học. Cả hai ông bà Hòa-Lan đều mong muốn tìm được người yêu, có tâm với nghề để có thể giữ lại một nét văn hóa truyền thống của đất kinh kỳ cho các thế hệ mai sau./.

Theo vov.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận