Dự báo 2 áp thấp nhiệt đới chưa có khả năng hình thành bão

Dự kiến trong vòng 2 ngày tới, hai áp thấp nhiệt đới chưa có khả năng hình thành bão.

 

Tại cuộc họp ứng phó áp thấp nhiệt đới diễn ra sáng 3/9 ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, công tác dự báo phải kịp thời, chi tiết để đáp ứng việc điều hành và thông tin kịp thời đến người dân chủ động phòng tránh.

Diễn biến phức tạp của 2 áp thấp nhiệt đới kèm mưa lớn, gió mạnh trên biển, đất liền là những hình thế thời tiết được đưa ra phân tích tại cuộc họp. Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự kiến trong vòng 2 ngày tới 2 áp thấp nhiệt đới chưa có khả năng hình thành bão. Tuy nhiên, trong những ngày tiếp theo với bão đang xuất hiện ở vùng biển Philippines rất có thể tổ hợp này sẽ kết hợp thành bão.
Theo dự báo hiện nay, các địa phương cần đặc biệt lưu ý mưa lớn của áp thấp nhiệt đới vừa đổ bộ vào đất liền.

Họp Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới sáng 3/9 (Ảnh: báo Nhân dân).

“Trọng tâm trong trường hợp này là chính là lượng mưa. Trọng điểm mưa đã xảy ra từ ngày 1/9 và tiếp tục diễn biến trong những ngày tới, các tỉnh từ Hà Tĩnh đễn Thừa Thiên Huế cần đặc biệt đề phòng. Trung tâm của áp thấp nhiệt đới vừa đổ bộ nhiều khả năng quay trở ra phía biển và di chuyển chậm hoàn lưu của nó vẫn bao trùm cả khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Càng ra xa hơn vùng xoáy thuận này còn mở rộng thêm ở phía Nam.

Cường độ mưa xảy ra từ Đà Nẵng xuống Quảng Ngãi không bằng được khu vực từ Hà Tĩnh - Thừa Thiên Huế. Kể cả lượng mưa ước tính từ nay đến hết đợt này (6/9), khu vực này có thể lên đến 500 đến 600mm”, ông Đức Cường nói.

Thông tin về tình hình tàu thuyền, Đại tá Trần Văn Đình, Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết: 111 tàu với 814 lao động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã nắm được thông tin về áp thấp nhiệt đới và đang di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm. Bộ đội Biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đang duy trì 7 nghìn 760 cán bộ chiến sĩ, với 281 phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.

Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai yêu cầu các điạ phương theo dõi sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới, kịp thời thông tin đến người dân và chính quyền địa phương để chủ động ứng phó. Công tác dự báo hiện nay phải sát với thực tiễn để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hiện nay và những ngày tới. Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là tập trung kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu tại bến; đảm bảo an toàn người trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản và khách du lịch trên trên các đảo.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, các địa phương ven biển cần bám sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới để kịp thời ban hành lệnh cấm biển. Đặc biệt lưu ý việc đảm bảo an toàn cho học sinh trong ngày khai giảng năm học mới. Áp thấp nhiệt đới có mưa lớn kèm theo, các địa phương rà soát các khu vực có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; vùng trũng, thấp; đảm bảo an toàn các hồ chứa nhất là các hồ thủy điện, thủy lợi nhỏ. Đồng thời duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng sơ tán dân và xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.

“Toàn bộ vùng nguy hiểm từ vĩ độ 13 trở lên rất chú ý phải nhắc đi nhắc lại. Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia phải dự báo sát tình hình, thông báo toàn tuyến biển từ vĩ độ 13 hoạt động kinh tế nói chung, trong đó đặc biệt là hoạt động về khai thác thủy sản, dự báo chi tiết để cảnh báo kịp thời.

Ngoài hoạt động thủy sản cũng cần lưu ý các tàu khách, tàu hậu cần, tàu vận tải rất nhiều. Các lực lượng bao gồm Bộ đội biên phòng, kiểm ngư phối hợp chính quyền địa phương theo dõi sát diễn biến áp thấp nhiệt đới, kiểm đếm đảm bảo an toàn tàu thuyền đảm bảo an toàn về người và phương tiện”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết./.

Minh Long/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận