Quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện

Với mức đóng linh hoạt, chỉ cần từ 150 nghìn đồng mỗi tháng, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng nhiều quyền lợi khi nghỉ hưu.

 

Tiết kiệm 150 nghìn đồng/tháng, về già được hưởng lương hưu

Việc tăng cường phối hợp với các ban, ngành trong công tác tuyên truyền, vận động nên chính sách BHXH tự nguyện càng được nhiều người biết đến. Hiểu được lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện, người dân đã tích cực tham gia.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, 38 tuổi mở cửa hàng bán thuốc tân dược ở phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, thu nhập mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng. Khi chưa hiểu đầy đủ về chính sách BHXH tự nguyện, anh Tuấn nghĩ rằng với thu nhập này không thể tham gia BHXH.

Thế nhưng khi được nhân viên BHXH tư vấn có thể tham gia với nhiều mức đóng khác nhau, linh hoạt về phương thức đóng, anh đã quyết định đăng ký tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng hơn 500 nghìn đồng/tháng tương ứng với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng.

Từ đầu năm đến nay, cả nước có thêm khoảng 134.000 người tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người tham gia lên 405.000 người (ảnh: KT)“Trước đây tôi cứ nghĩ phải vào công ty thì mới được đóng bảo hiểm. Cách đây 3, 4 năm tôi được biết làm tự do cũng đóng được nên tôi tham gia. Trước mắt tôi chỉ tham gia mức đó thôi, sau này có điều kiện tôi sẽ đóng mức cao hơn. Còn hiện tại, tôi đóng mức này thì về già vẫn đủ ăn”, anh Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.

Cùng suy nghĩ như anh Tuấn, chị Trần Thị Quyên ở huyện Gia Bình cũng đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng 2,5 triệu/năm, tương đương 250 đồng/tháng. Chị Quyên cho biết, trước đây làm công nhân may trong khu công nghiệp, nhưng do sức khỏe yếu, chị xin nghỉ sau khi đã đóng BHXH bắt buộc 10 năm. Sau 2 năm ngắt quãng không đóng BHXH, chị tiếp tục đóng BHXH tự nguyện, để đảm bảo khi đủ 20 năm chị Quyên sẽ được nhận lương hưu.

“Tôi tìm hiểu về chính sách BHXH rồi đóng tiếp chứ không phải sau khi nghỉ công ty mới tham gia. Tôi thấy chính sách này hữu ích vì khi về già tôi sẽ có lương hưu. Dù ít nhiều, với mức lương hưu nhận được tôi có thể mua được đồng gạo, đồng rau và không phải phụ thuộc vào con cháu”, chị Trần Thị Quyên cho hay.

Đây là 2 trong số rất nhiều người dân đã thay đổi nhận thức về chính sách BHXH tự nguyện khi hiểu về lợi ích của chính sách này. Hiện mạng lưới đại lý thu rộng khắp các tỉnh, thành phố đã phối hợp với Bưu điện thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền cho những đối tượng ở độ tuổi từ 15 đến 40, trực tiếp tuyên truyền, tư vấn cho người dân.

Ông Hoàng Văn Hiển, Phó Giám đốc BHXH thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh giải thích, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng một số quyền lợi hữu ích khi về hưu, thủ tục tham gia đơn giản, phương thức đóng linh hoạt… Đối tượng tham gia là công dân từ đủ 15 tuổi trở lên (không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc).

Hàng tháng, người tham gia BHXH tự nguyện đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn, với nhiều phương thức đóng, gồm: 1 tháng/lần, 3 tháng/lần, 6 tháng/lần, 12 tháng/lần, đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần, đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH bắt buộc đã đủ điều kiện để hưởng lương hưu nhưng còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Cần phát triển nhiều đối tượng tham gia

Ông Hoàng Văn Hiển cho biết, đây là chính sách an sinh xã hội, giúp người dân khi về già được hương lương hưu kèm theo chế độ tử tuất và BHYT. Tuy nhiên, nhiều người chưa hiểu nên cần “rà từng ngõ, gõ từng nhà”, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đặc biệt là thôn, xóm, tổ dân phố để người dân hiểu được chính sách an sinh xã hội của Nhà nước và tự nguyện tham gia.

“Chúng tôi nhiều khi phải đi cả buổi tối, đi cả ngày thứ 7, chủ nhật, đi rất xa. Tư vấn trực tiếp cho người dân và họ phải hài lòng, khi người ta đến thì hướng dẫn điền thông tin cẩn thận chứ không được để người dân phải đi lại nhiều lần, không để người dân phải tự tìm hiểu bởi họ rất ngại đi lại”, ông Hoàng Văn Hiển cho hay.

Nhằm mở rộng và phát triển đối tượng, từ 1/1/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, trong đó hỗ trợ 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác.

Ông Mai Văn Thắng, Phó trưởng Ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện xuống từng địa phương với các giải pháp phù hợp từng vùng miền, từ đầu năm đến nay, cả nước có thêm khoảng 134.000 người tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người tham gia lên 405.000 người. Trước đó, đến hết năm 2018, sau 10 năm triển khai chính sách BHXH tự nguyện, số người tham gia chỉ là 271.000 người. Ước tính hết năm nay, số người tham gia BHXH tự nguyện sẽ vượt mốc 450.000 người.

“Chúng tôi cố gắng cải cách để ít nhất mỗi thôn, bản mở một đại lý thu BHXH, giúp người dân tiện đóng tiền cũng như tiện cho việc vận động người dân tham gia BHXH. Đại lý thu đa dạng gồm cả nhân viên bưu điện, cán bộ đại lý thu ở xã phường, các tổ chức đoàn thể làm đại lý, hoặc người đến trực tiếp cơ quan BHXH. Người dân có quyền lựa chọn các phương thức đóng linh hoạt, phù hợp và thuận tiện nhất”, ông Mai Văn Thắng nhấn mạnh.

Có thể thấy, bằng những giải pháp linh hoạt cùng việc tuyên truyền, tư vấn nhiệt tình, người dân đã hiểu hơn về lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện. Số người tham gia trong năm 2019 được đánh giá tương đương với mức phát triển trong 14 năm qua.

Kim Thanh/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận