Để môi trường và kinh tế phát triển song hành

Làm gì để không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, là mối quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước tại Vĩnh Phúc.

 

Một trong những thách thức lớn đối với các địa phương có điều kiện thu hút đầu tư là giải bài toán hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Làm gì để không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, là mối quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước tại Vĩnh Phúc.

 

Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng

Vĩnh Phúc là tỉnh có diện tích đất hẹp nhưng lại có tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng sản phẩm (GRDP) tăng 8,52% so với cùng kỳ năm 2018. Nửa năm đầu, Vĩnh Phúc đã vượt xa chỉ tiêu thu hút đầu tư FDI và xấp xỉ đạt mục tiêu của cả năm 2019.

Kinh tế càng phát triển thì thách thức bảo vệ môi trường càng lớn. Bởi vậy, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND và các sở, ngành của Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, nỗ lực hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của tăng trưởng kinh tế đến môi trường.

Tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch 729 để triển khai chỉ thị 25 của Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề môi trường cấp bách. Trên cơ sở đó sàng lọc nhiều dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường sau quá trình thẩm định, đánh giá tác động môi trường. Kiên quyết đóng cửa và từng bước xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường các bãi chôn lấp rác tạm khu công nghiệp Khai Quang (thành phố Vĩnh Yên), bãi rác phường Xuân Hòa (thành phố Phúc Yên); tiến tới đóng bãi và xử lý ô nhiễm, cải tạo phục hồi môi trường tại các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt ở các xã, thị trấn.

Cùng với đó, Vĩnh Phúc xây dựng và triển khai có hiệu quả chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; Từng bước di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư ra các khu, CCN, làng nghề đã được quy hoạch.

 

Đảm bảo chất lượng môi trường ngay tại khu vực phát triển kinh tế

Đây là mục tiêu được ngành TNMT Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng với những biện pháp giải quyết các vấn đề môi trường tại khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), làng nghề và khu vực nông thôn. Các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn được quy hoạch vào các KCN, CCN, không cấp phép tràn lan bên ngoài. Các chủ đầu tư KCN, CCN đều phải đầu tư hạ tầng thu gom và xử lý nước thải và các hạng mục bảo vệ môi trường.

Vĩnh Phúc được Chính phủ phê duyệt 18 KCN và 6 CCN, đến nay đã có 11 KCN hoạt động. Các KCN đã đi vào hoạt động đều có hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Theo Quy chuẩn Việt Nam 40 về nước thải công nghiệp và Quy chuẩn Việt Nam 14 về nước thải sinh hoạt thì tất cả nước được xả thải ra môi trường đều phải đạt tiêu chuẩn 1B, nhưng Vĩnh Phúc là một trong số rất ít tỉnh đạt 1A.

Nhiều doanh nghiệp đã tái sử dụng nước thải, tiết kiệm được khoảng 50% chi phí nước sản xuất. Theo ông Nguyễn Bá Hiến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Vĩnh Phúc, cùng với biện pháp tuyên truyền, vận động, Vĩnh Phúc cũng tiến hành xử phạt nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Theo đánh giá của ngành TNMT, đây là một biện pháp hiệu quả, bởi nếu bị phạt, các doanh nghiệp sẽ mất cơ hội tham gia chuỗi sản xuất của những tập đoàn lớn.

Vĩnh Phúc từng bước hoàn thiện hạ tầng thu gom, xử lý nước thải tại các khu, CCN, làng nghề trên địa bàn tỉnh, trước mắt ưu tiên tập trung giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sản xuất sắt thép tại Cụm Kinh tế - Xã hội Hợp Thịnh huyện Tam Dương và xã Đồng Văn huyện Yên Lạc; khuyến khích xã hội hóa đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN, làng nghề.

Vĩnh Phúc đã giải quyết bài toán hài hòa giữa phát triển kinh tế và BVMT

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong bảo vệ môi trường

Năm 2018, tổng lượng chất thải rắn (CTR) công nghiệp toàn tỉnh phát sinh khoảng 165.000 tấn. Các cơ sở đã thực hiện việc phân loại để tái sử dụng hoặc ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý theo quy định, tỷ lệ thu gom, xử lý đạt khoảng trên 90%. Chất thải rắn từ hoạt động sản xuất nông nghiệp phát sinh với khối lượng lớn, chủ yếu được tái sử dụng làm thức ăn gia súc, ủ phân hữu cơ hoặc đốt, thải bỏ trên đồng ruộng. Đối với CTR từ hoạt động xây dựng, khai thác khoáng sản chủ yếu được tận dụng để san lấp mặt bằng hoặc đổ thải tại các địa điểm đã được quy hoạch theo Quyết định số 2465/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Ngoài việc đầu tư các lò đốt và xây dựng các bãi chôn lấp rác thải, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã thí điểm hỗ trợ triển khai một số mô hình phân loại rác để sản xuất phân hữu cơ, tuy nhiên hiệu quả hoạt động còn hạn chế nên không được triển khai nhân rộng.

Ngành TNMT tỉnh đã rà soát, hoàn thiện hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt các cấp; xây dựng kế hoạch và từng bước triển khai có hiệu quả phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm được làm từ nhựa, thay thế bằng các sản phẩm, bao bì dễ phân hủy, thân thiện môi trường; Thông qua tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có ý thức xử lý vấn đề môi trường ngay từ khi bắt đầu các hoạt động kinh tế; hoàn thiện bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quản quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải và kiềm chế gia tăng ô nhiễm môi trường; cải tạo, phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào bảo vệ môi trường; nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống ứng cứu sự cố môi trường.

 

BOX: Chỉ đạo tại cuộc họp Chính phủ tháng 6/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, không chỉ lo kinh tế, lo tăng trưởng mà phải lo cả bảo vệ môi trường, bảo đảm tam giác phát triển: kinh tế - xã hội - môi trường. Đây cũng là mục tiêu mà tỉnh Vĩnh Phúc đang hướng đến.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận