Ngưng đọng cùng 'Không thời gian' - Triển lãm đặc biệt của các nghệ sĩ tự kỷ

Tòhe đã mang đến 'Không thời gian' một thế giới kỳ bí và mới lạ của những nghệ sĩ nhí có hội chứng tự kỷ.

 

Lần thứ hai tổ chức triển lãm trong năm 2019, Tòhe đã mang đến “Không thời gian” một thế giới kỳ bí và mới lạ của những nghệ sĩ nhí mắc hội chứng tự kỷ trong lớp học nghệ thuật đặc biệt của Tòhe Fun.

Ngưng đọng, sâu lắng và cũng thật hồn nhiên, trong trẻo, đó chính là những cảm xúc của khán giả khi tham dự triển lãm “Không thời gian” do Doanh nghiệp xã hội Tòhe tổ chức.

Ngay khi bước vào không gian triển lãm, khán giả sẽ bắt gặp một bức tranh khổng lồ được đặt ở chính giữa gian ngoài. Nếu bạn là một khách hàng thân thiết của Tòhe thì sẽ không khó để nhận ra đấy là tác phẩm của nghệ sĩ Văn Minh Đức. Tranh vẽ của Đức từ lâu đã được ứng dụng lên các sản phẩm của Tòhe và được khán giả yêu thích bởi những mảng màu kín đặc, rực rỡ và đầy năng lượng như chính con người cậu.

Tác phẩm “Âm thanh của sắc màu” của Văn Minh Đức.

Bên cạnh những bức tranh của Văn Minh Đức còn là 10 bộ tác phẩm khác nhau được chuẩn bị trong khoảng thời gian từ 2 tháng đến 2 năm của các nghệ sĩ Hà Đình Chí (Nem), Phạm Bình Minh, Lee Nguyễn Sae Hae, Hoàng Phúc Đạt, Phạm Khôi Nguyên, Nguyễn Minh Sơn, Hoàng Dũng và tác phẩm của các bạn nhỏ đến từ trung tâm Totto-chan.

Đến với triển lãm lần này, Phạm Bình Minh - cậu bé hiếu động nhất của Tòhe Fun đã mang đến một thế giới động vật làm từ giấy bồi và các hình vẽ cắt dán từ giấy màu và giấy bóng kính. Bằng đôi bàn tay khéo léo và sự kiên trì bền bỉ, Bình Minh đã biến những tờ giấy báo cũ thành những con vật sinh động như loài hươu với chiếc sừng được tỉa tót tỉ mỉ, con trâu với nước da nâu đen bóng mượt. Những bức tượng giấy bồi là cầu nối giúp Bình Minh được bộc lộ bản thân. Vũ trụ của em là một vũ trụ tràn đầy năng lượng tích cực, ngọt ngào, vui tươi.

Chị Kiều Thị Thúy Quỳnh - mẹ của Phạm Bình Minh cho rằng, thông qua những tác phẩm được trưng bày ở “Không thời gian”, xã hội có thể nâng cao nhận thức về người tự kỷ và khám phá ra họ cũng là những người đặc biệt. “Triển lãm này là thông điệp và hy vọng cho các bậc cha mẹ có cùng hoàn cảnh như tôi, giúp họ có thể khám phá khả năng của con mình. Tòhe đã sử dụng được những cái mà các bạn khuyết tật nói chung và các bạn tự kỷ nói riêng làm ra để ứng dụng vào những sản phẩm. Chứng mình rằng người tự kỷ hoàn toàn có khả năng lao động, đóng góp cho cộng đồng”, chị Thúy Quỳnh bày tỏ.

Tác phẩm “Hình khối” của Phạm Bình Minh.

Các tác phẩm trong “Không thời gian” xoay quanh hai chủ đề chính: Tình yêu và vùng an toàn được sắp đặt dưới chuỗi hoạt động tương tác, âm thanh, ánh sáng… và các trải nghiệm giác quan thú vị khác. Đi sâu vào không gian triển lãm, khán giả sẽ bị thu hút bởi những bức tranh sắp đặt in trên vải canvas của cậu bé Hà Đình Chí (Nem).

Hàng chục những bức tranh nhỏ được ghép thành một bức tranh lớn, Nem đa số vẽ những tòa đô thị và các nhân vật hoạt hình trong trí tưởng tượng của em. Mỗi khi cầm bút, Nem lại mải mê sáng tạo và mượt mà với những nét vẽ không ngừng nghỉ. Dù chỉ mới 14 tuổi nhưng Nem đã sở hữu hàng nghìn bức tranh nét trên khổ giấy các loại từ giấy một mặt tại nhà hàng ăn, vở học sinh, giấy vẽ xịn và hàng chục tranh bột màu lẫn acrylic.

Tác phẩm “Thế giới hoang dã” của Nguyễn Minh Sơn.

Ở triển lãm “Không thời gian” không chỉ có những bức tranh được vẽ trên giấy, vải canvas hay những bức tượng của Phạm Bình Minh mà còn có cả một bộ áo giáp được làm từ bìa các - tông của Hoàng Phúc Đạt, con đường được tạo nên từ những mảnh sáp màu vụn của Trần Hoàng Dũng, cuốn từ điển khổng lồ chất chứa thế giới tâm hồn của Lee Nguyễn Sae Hae.

Sae Hae là học viên nhỏ tuổi nhất trong lớp học nghệ thuật đặc biệt của Tòhe Fun, việc kể chuyện bằng tranh giúp em giải tỏa năng lượng và các suy nghĩ của mình, bày ra thế giới đầy ắp những ngôn ngữ và nhân vật một cách nhiệt tình, mê say và nhanh chóng. Cuốn từ điển kia mặc dù thật khổng lồ nhưng dường như nó chẳng đủ với em, Sae Hae lấp đầy từng trang nhật ký bằng những cảm xúc riêng biệt. Ngắm nhìn tác phẩm của em, khán giả sẽ nhận ra một đặc điểm thú vị: từ khủng long, cỏ cây, đến các loài vật và cả những vật vô tri vô giác, tất cả đều đang mỉm cười. Cuốn nhật ký đong đầy nụ cười hồn nhiên của cậu bé 8 tuổi sẽ là một liều vitamin bổ sung năng lượng vui vẻ cho người lớn chúng ta.

Tác phẩm “Phác thảo” của Nem.

Trong số các nghệ sĩ có tác phẩm trưng bày ở triển lãm, Nguyễn Minh Sơn - 8 tuổi là nghệ sĩ nhỏ tuổi nhất. Ngay từ lúc 2 tuổi rưỡi, Minh Sơn đã có thể tự biểu hiện ngôn ngữ qua hình vẽ. Vậy nên, những bức tranh của em khi đặt cạnh những tác phẩm của các anh chị lớn hơn không có quá nhiều chênh lệch. Tác phẩm “Thế giới hoang dã” của em bao gồm nhiều bức tranh khác nhau, tái hiện thế giới muôn màu của các loài vật trên cạn và dưới nước. Mặc dù chỉ đơn thuần là những nét bút bi trên khổ giấy A0 nhưng khán giả vẫn sẽ cảm nhận được một tâm hồn phiêu du, phóng khoáng và hồn nhiên của cậu bé.

Tác phẩm “Nhật ký” của Lee Nguyễn Sae Hae.

Giống như những hành tinh song song, vũ trụ của người tự kỷ vẫn luôn song hành cùng vũ trụ của chúng ta. Họ có những quỹ đạo, màu sắc, đặc tính và giới hạn rất riêng mà chúng ta phải thật kiên nhẫn và bình tĩnh mới có thể bước vào để khám phá và hiểu họ. “Không thời gian” đã bắc một nhịp cầu giúp khán giả có thể đến gần hơn với vũ trụ thuần khiết đó. “Khi đến với triển lãm, các bạn đừng xem đồng hồ vì “Không thời gian” là nơi thời gian không thể tác động lên tinh thần hồn nhiên của những nghệ sĩ bé, chỉ còn tình yêu là không ngừng chảy mãi”, chị Phan Thanh Vân - giám đốc truyền thông của Tòhe chia sẻ.

Triển lãm mở cửa tự do từ 9h00 đến 22h00 hằng ngày đến hết 4/8 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.

Hương Giang/VOV6

 

Bình luận

    Chưa có bình luận