Trong không khí rộn ràng đầu năm mới, trên công trường dự án điện gió ở xã Dliê Yang, hàng trăm công nhân cùng các kỹ sư thi công dự án đang “chạy đua với thời gian”, tranh thủ điều kiện thời tiết ấm áp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục để đưa công trình hòa vào lưới điện Quốc gia theo đúng kế hoạch.
Công trình điện gió đầu tiên ở Tây Nguyên
Chiều muộn, những trận gió mang theo hơi lạnh đầu xuân, càng thổi rít trên những triền đồi cao gần 900m ở thôn 4, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, nhưng gần 70 công nhân cùng hàng chục kỹ sư thực hiện Dự án điện gió Tây Nguyên vẫn khẩn trương với công việc. Các trụ móng được thi công, cắm sâu vào lòng đất; các trụ thép khổng lồ dần vươn cao; nhiều cột đã hoàn thiện việc gắn tuabin cùng cánh gió, trông như những bông hoa kỳ vĩ nở giữa trời xuân...
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Chỉ huy trưởng Dự án điện gió Tây Nguyên, việc thi công dự án hầu như được tiến hành trên đồi cao, với các thiết bị siêu trường siêu trọng, nên các công nhân, kỹ sư gặp không ít khó khăn, thách thức. Nếu để sang mùa mưa, phải vận chuyển thiết bị và thi công trên đất bazan lầy thụt, công việc sẽ khó khăn gấp nhiều lần. Chính vì vậy, tranh thủ thời tiết mùa khô thuận lợi, ngay khi kết thúc kỳ nghỉ Tết, các tổ thi công của đơn vị đã tập trung làm tăng ca để sớm hoàn thành công việc. “Chúng tôi huy động máy móc, tăng ca thi công, tập trung nhân lực để thực hiện thi công dự án, sớm đưa vào vận hành thử, sau đó bàn giao cho chủ đầu tư đúng thời gian quy định" - ông Hữu Dũng cho biết.
Dự án điện gió ở huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk là công trình điện gió đầu tiên ở Tây Nguyên, do Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng gió HBRE làm chủ đầu tư; triển khai làm 3 giai đoạn (từ năm 2017 - 2022) tổng công suất 436MW, vốn đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng. Đến thời điểm này, giai đoạn 1 của dự án đang thi công vượt tiến độ và đã hoàn thành trên 70% các hạng mục gồm: nhà làm việc, trạm biến áp 110kV, 3 tuabin, 12 trụ cánh quạt và hệ thống đường dây đấu nối 22kV và 110kV.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó giám đốc Công ty cổ phần HBRE, dự án này được sử dụng công nghệ hiện đại của thế giới. Các máy móc, cột gió, cánh quạt, tuabin... đều được nhập từ các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... nên việc vận chuyển về nước rất tốn thời gian. Tuy nhiên hiện tất cả máy móc, thiết bị đã nhập đủ và đang khẩn trương được lắp đặt. “Tổng công suất của dự án là 28,8 MW và theo tiến độ thi công trong tháng 3 năm 2019 chúng tôi sẽ phát thử 5 tổ máy cung cấp điện thương mại; đến tháng 6/2019, 12 tổ máy sẽ đi vào sản xuất điện để hòa vào lưới điện Quốc gia. Còn đối với giai đoạn 2, và giai đoạn 3, chúng tôi sẽ tiếp tục lập hồ sơ bổ sung quy hoạch lên UBND tỉnh; rồi thi công lắp đặt để đến năm 2022 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án” - ông Hiệp chia sẻ.
Ưu tiên các dự án năng lượng tái tạo
Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây nguyên nói chung, được nhận định là rất phù hợp để phát triển điện gió, với sức gió đo được luôn phổ biến từ 7 đến 7,5m/giây. Với tốc độ này, khi hoàn thành, các dự án có thể hoạt động đạt công suất 100%.
Ông Nguyễn Hải Ninh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk thông tin, toàn tỉnh hiện có 5 dự án điện gió được phê duyệt và 9 dự án đang trong quá trình khảo sát với tổng công suất khoảng 1.800 MW, tổng mức đầu tư lên đến gần 70 nghìn tỷ đồng. Theo ông Ninh, điện gió là một trong những giải pháp cần thiết cho việc phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch tại Việt Nam nên địa phương cũng đang ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
"Chúng tôi đang có 4 dự án khác đang dự kiến tiến hành khởi công trong năm 2019 này với tổng công suất khoảng 400 MW; ngoài ra, chúng tôi còn cho 9 nhà đầu tư đang tiến hành khảo sát với tổng công suất trên 1.300 MW. Đối với các dự án năng lượng tái tạo, chúng tôi luôn ưu tiên và tạo điều kiện thực hiện các thủ tục nhanh gọn để các nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án" - ông Ninh nói.
Mùa xuân là mùa nhiều nắng, nhiều gió nhất ở Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên. Từ chỗ cái nắng, cái gió không mang tên, nay nguồn tài nguyên vô tận này đã được định danh một cách thiết thực thành điện gió điện mặt trời. Tiềm năng lớn đang được khơi dòng, giúp Tây Nguyên từ nay có thêm những vụ mùa thu nắng, gặt gió, khởi đầu cho những mùa xuân tràn đầy năng lượng.