Câu chuyện này được Báo TNVN đề cập trong cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Viết Chức - nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam.
Người Việt thường được nhắc tới với nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Vậy theo ông, giá trị cốt lõi của người Việt nằm ở đâu?
Người Việt có vô vàn những giá trị truyền thống, nổi bật là những giá trị cốt lõi như: tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết và tính nhân văn, nhân ái.
Việt Nam từng phải gánh chịu những cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc. Vì thế, tinh thần yêu nước của người Việt Nam mang tính đặc thù, là một tinh thần bền bỉ, sáng tạo, gắn kết cộng đồng và chiến thắng. Người Việt yêu nước, đồng thời cũng tôn trọng độc lập, tự do của các nước; tình yêu nước gắn liền với yêu chuộng hòa bình, công lý, tôn trọng sự thật, có tinh thần quốc tế và chống chiến tranh. Tinh thần yêu nước này tạo nên sức mạnh vô địch của Việt Nam bởi dựa trên nền tảng chân chính.
Điều khác biệt nữa trong tinh thần yêu nước của người Việt là lúc bình thường thì dường như không có biểu hiện gì. Thế nhưng khi có đất nước bị xâm lăng thì tinh thần yêu nước ấy đã gắn kết cộng đồng, tạo thành sức mạnh nhấn chìm mọi kẻ thù xâm lược. Điều này, hàng ngàn năm lịch sử đã minh chứng. Tinh thần yêu nước ấy đã giúp người Việt thoát khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa bành trướng đại Hán và giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh với thực dân, đế quốc.
Tính nhân văn và khoan dung của người Việt đã trở thành một đặc tính của dân tộc. Ngay cả với kẻ xâm lược, khi chúng đã nhận ra sai lầm, ăn năn hối lỗi thì ta sẵn sàng cấp thuyền, lương thực cho rút về nước. Chúng ta sẵn lòng hòa hảo, khiêm nhường, mở rộng cánh cửa để làm bạn với tất cả các nước vì nền hòa bình và sự phát triển chung của thế giới.
Giá trị cốt lõi của người Việt Nam còn bao gồm cả ý chí tự lập, tự cường, bền bỉ, cần cù, sáng tạo, dám hy sinh.
Trong thời điểm hiện nay, những giá trị cốt lõi đó được thể hiện như thế nào, thưa ông?
Biểu thị lòng yêu nước hiện nay chính là trong các công việc hằng ngày, trong lao động sản xuất và nghiên cứu khoa học, tận tâm để đất nước phát triển, dân tộc ấm no, hạnh phúc. Việt Nam đang là một trong những quốc gia có thành tích ngoạn mục trong xóa đói giảm nghèo và đã được thế giới công nhận. Đó là nhờ sự kết tinh hài hòa những giá trị cốt lõi của người Việt để biến đó thành sức mạnh Việt Nam, dựng xây đất nước, đưa đất nước từ nghèo khó đến ấm no, nhanh chóng thay da đổi thịt như hôm nay. Đó là bước tiến rất lớn.
Sự cần cù, sáng tạo, bao dung và chữ tín đều được thể hiện trong sản xuất, kinh doanh. Trong thời hội nhập, với tinh thần hòa đồng, khát khao hòa bình, muốn làm bạn với tất cả các nước, Việt Nam đã trở thành một người bạn, một đối tác đáng tin cậy của thế giới. Hiện nay, Việt Nam tham gia hầu hết các tổ chức tiến bộ của quốc tế và có quan hệ ngoại giao với tất cả các nước và vùng lãnh thổ. Điều đó thể hiện chúng ta đang phát huy cao độ phẩm chất, giá trị cốt lõi của con người, dân tộc Việt Nam.
Nhiều năm nay, những việc làm thiện nguyện nối dài từ Bắc vào Nam đã lan tỏa tình yêu thương cộng đồng khắp cả nước. Ông nghĩ thế nào về điều này?
Theo tôi, đây là một xu hướng lành mạnh, tốt đẹp thể hiện giá trị cốt lõi của con người Việt Nam, đó là tính cộng đồng, tính nhân văn, tinh thần tương thân tương ái. Những việc làm tốt đẹp này cần được nhân lên để làm mờ đi, tẩy rửa những thái độ, hành xử thiếu văn hóa, phi văn hóa trong xã hội, khỏa lấp những gam màu chưa được sáng trong xã hội hiện tại.
Thời gian qua, nhiều người sẵn sàng từ bỏ danh vị, công việc ổn định với mức thu nhập tốt để bắt đầu những công việc thân thiện với môi trường. Theo ông, xu thế này nói lên điều gì về người Việt?
Đó chính là tính thích ứng với đời sống của người Việt, sự chuyển biến tư duy một cách rất tự nhiên. Họ đem tri thức, hiểu biết của mình về nơi có thể sáng tạo; khẳng định giá trị của bản thân bằng chính việc làm của mình. Điều này thể hiện tinh thần tự lực tự cường và đưa giá trị cốt lõi cần cù, sáng tạo vào hoạt động thực tế.
Nước ta có tỷ lệ người khởi nghiệp cao và nhiều người đã thành công. Cần lắm sự khích lệ, động viên dù họ thành công hay thất bại. Những người thành công cũng không vội tự mãn mà phải kiên trì, biết tiếp thu tinh hoa thế giới và thích nghi với điều kiện hiện nay để đạt được những thành quả tốt hơn.
Vậy ông đánh giá thế nào về tính thích nghi và hội nhập của người Việt?
Đây vốn không phải thế mạnh của người Việt. Thế nhưng gần đây, lớp trẻ đa phần có chí hướng vượt lên, không để tụt hậu. Họ cởi mở, tiếp thu nhiều giá trị khác nhau của nhân loại để khởi nghiệp. Chính vì thế, giá trị thích nghi và hội nhập đã được họ phát huy, biến đó thành một lợi thế, nguồn lực để đóng góp vào tư duy sáng tạo toàn cầu, sự phát triển của đất nước.
Văn hóa gia đình là một trong những giá trị của văn hóa và con người Việt Nam. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, theo ông, giá trị này nên được hiểu thế nào cho phù hợp?
Trong bối cảnh hiện nay, văn hóa gia đình càng phải được coi là một giá trị cốt lõi của dân tộc Việt Nam. Nếu phát huy được giá trị này, chúng ta mới có thể vững vàng bước vào cuộc hội nhập mà vẫn giữ được bản sắc riêng của đất nước.
Nếu nhìn bên ngoài thì giá trị gia đình như đang có biểu hiện bị suy giảm, mai một. Số gia đình tan vỡ, vợ chồng ly hôn tăng cao; người trong cùng gia đình ít gần gũi, thậm chí xa cách nhau; Tết đến, nhiều người đi du lịch chứ không ở nhà ăn Tết... Thế nhưng so với hơn 90 triệu dân Việt thì những hiện tượng ấy chỉ là cá biệt. Và cũng không nên lấy chuẩn mực của gia đình thời xưa để soi chiếu vào gia đình hiện đại. Giá trị cốt lõi của văn hóa gia đình cần phải giữ là sống sao cho dù không ở cùng mái nhà nhưng vẫn tình cảm, thương yêu, gắn bó và có trách nhiệm với nhau. Tôi vẫn có niềm tin gia đình nằm trên trục văn hóa nhà - làng - nước, nó có sức mạnh cố kết cộng đồng, để dân tộc ta trường tồn.
Theo ông, cần làm gì để giá trị cốt lõi của người Việt được gìn giữ và phát huy?
Các giá trị của người Việt là kết quả hun đúc nghìn năm dựng nước và giữ nước. Các chuẩn mực giá trị văn hóa con người Việt Nam rất được Đảng và Nhà nước quan tâm. Tuy vậy, điều cốt yếu vẫn là tự mỗi người phải gìn giữ, phát huy giá trị cốt lõi của người Việt, có ý thức bổ sung những giá trị mới như văn minh, hiện đại, bản lĩnh cá nhân, góp phần tạo nên một cốt cách của người Việt Nam ngày càng hoàn thiện.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Vũ thực hiện