Độc đáo món vêch của người Ê Đê

Từng là món ăn chỉ dành cho giới thượng lưu nay món vêch của người Ê Đê (Đắk Lắk) đã trở nên quen thuộc trong bữa cơm của người dân.

 

Vêch - món ngon của giới thượng lưu

Vêch là phần đầu ruột non của các loài động vật ăn cỏ như: thỏ, dê, nai, hoẵng săn bắt được hay trâu, bò chăn thả trong rừng, chúng chỉ ăn cỏ và lá cây rừng nên ruột rất sạch.

Ông Y Thim Byă, ở buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột, người am hiểu về văn hóa Ê Đê cho biết, người Ê Đê sống theo cộng đồng, dòng tộc. Mỗi khi có lễ hội quan trọng hay dịp đặc biệt, những gia đình, dòng tộc giàu có thường mổ thịt trâu, bò để cúng các thần và thiết đãi buôn làng. Khi đó, họ thường lấy vêch để chế biến món ăn dành riêng cho những người có vai vế trong gia đình hoặc những người quan trọng trong lễ cúng.

Cách nấu vêch cũng lắm công phu. Công đoạn giết bò, mổ lấy vêch được thực hiện thật nhanh để không gây xáo trộn các thành phần bên trong nội tạng. Người có kinh nghiệm nhất sẽ chọn một đoạn ruột non liền kề với bao tử bò, dùng lạt buộc chặt hai đầu rồi mới cắt ra để riêng. Đoạn ruột này được chần qua nước sôi, bóp lấy phần dịch tiêu hóa bên trong pha với nước, lọc, lắng rồi cô đặc, tẩm ướp gia vị. Những phần nội tạng khác cùng với da, đuôi, thịt bạc nhạc, mép bò... được luộc sơ, cắt miếng rồi nấu cùng loại gia vị đặc biệt vừa chế biến từ vêch và nhiều gia vị khác như ớt, củ nén, sả, riềng, tiêu rừng, hạt cây rừng để làm đậm đà thêm hương vị món ăn.

Còn theo ông Y Blih Mlô, ở buôn Tring 2, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, mỗi khi trong buôn có đám ma, gia đình có điều kiện mổ trâu, bò để làm đám, phần vêch sẽ được lấy để nấu cùng với môn nước hoặc cà đắng để mời bà con. Môn nước hoặc cà đắng được cắt nhỏ, nấu trong chiếc nồi đồng lớn bỏ thêm gia vị, ớt xanh, củ nén, lá ngò gai, thân lõi chuối non, đu đủ xanh để cả vỏ… Bình thường môn nước rất ngứa và cà có vị đắng, nhưng khi nấu chung với vêch, vị đắng, cảm giác ngứa sẽ mất, nồi canh có vị thơm thơm, béo ngậy.

          Giải nhất Liên hoan ẩm thực đất phương Nam

Ngày nay, món vêch vẫn là một trong những món ăn quen thuộc của người Ê Đê, dù có đôi chút cải biến cho phù hợp với điều kiện của từng gia đình. Nhạc sĩ Y Phôn Ksơr, ở thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, người Ê Đê mỗi lần mổ bò thường chọn lấy phần vêch, buộc lạt hai đầu rồi gác trên giàn bếp cho khô. Mỗi khi dùng, họ cắt một đoạn vêch nấu với cà đắng, với măng le hay canh môn rừng. Vêch giống như một thứ gia vị tạo hương vị đặc biệt cho mọi món ăn, chứ không riêng gì những món nấu từ nội tạng bò và được sử dụng thường xuyên trong bữa cơm hằng ngày.

Vếch được nấu chín

Điểm đặc biệt khi nấu món vêch là dù nấu với nguyên liệu gì, người Ê Đê cũng không dùng dầu ăn. Nguyên liệu được bỏ vào nồi, châm thêm ít nước rồi đặt lên bếp nấu liu riu và nêm nếm theo hương vị yêu thích của gia chủ, có thể nấu cho đến khi nước cạn để có nồi vêch đặc hay để nước xâm xấp tùy theo sở thích.

Theo nhạc sĩ Y Phôn Ksơr, vêch bò nên được ướp từ tối hôm trước cho gia vị lên men, khi nấu chỉ nửa tiếng là xong. Những món ăn nấu cùng vêch sẽ có vị hơi đắng, ngọt hậu, hòa quyện cùng mùi thơm của cỏ, của dịch vị trong ruột bò rất đặc trưng. Món vêch đạt yêu cầu sẽ tổng hòa các vị đắng, cay, thơm, bùi, béo, dùng kèm thân chuối xắt mỏng, đọt cóc chua, lá sung..., bất cứ ai được thưởng thức đều nhớ mãi.

Damsan Tourist và Công ty truyền thông sự kiện Pro đang lập hồ sơ đề nghị đưa món vêch vào danh sách “Top 100 món ngon, đặc sản tiêu biểu của Việt Nam”. Điều này sẽ góp phần đưa món vêch vượt qua giới hạn của nếp nhà dài buôn làng, trở thành sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch địa phương” - ông Lê Hoàng Cơ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư - Du lịch Đam San

Cũng chính bởi hương vị đặc biệt này, ông Lê Hoàng Cơ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư - Du lịch Đam San (Damsan Tourist) đã đưa món ăn này đi dự Liên hoan ẩm thực đất phương Nam lần thứ 8 năm 2018, tổ chức ở TP.HCM. Ông Cơ cho biết, trước Liên hoan, Damsan Tourist cùng với Công ty Truyền thông Sự kiện Pro đã làm một đoạn phim ngắn giới thiệu về món ăn này và phát trên youtube. Đầu bếp chính được giao trọng trách chế biến món này tại hội thi là bà H’Điu Êban, ở buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột. Với sự cố vấn của nhạc sĩ Y Phôn Ksơr, bà H’Điu đã dùng hạt macca thay cho hạt “dlik”- một loại trái ngọt béo của rừng, nay gần như đã tuyệt chủng.

Cùng với đó, Damsan Tourist còn tổ chức biểu diễn cồng chiêng và giới thiệu văn hóa Tây Nguyên ngay trước gian ẩm thực, tạo nên một không gian đậm chất văn hóa, làm bật lên cái hồn Tây Nguyên của món ăn. Ban giám khảo và thực khách mọi miền khi nghe giới thiệu và nếm thử món ăn chỉ dành cho giới thượng lưu thời xưa đều bị mê hoặc. Kết quả là vêch xuất sắc giành giải nhất giữa muôn vàn món ngon các miền được giới thiệu tại Liên hoan.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận