![Ông Phạm Thanh Quang - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội](http://content.baotnvn.vn/userfiles/user/vungoc/pham%20quang%20thanh.jpg)
- Năm 2025 có nhiều dấu mốc quan trọng với đất nước. Vì vậy, sau kỳ nghỉ Tết, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã ra quân sản xuất như thế nào để thực hiện các mục tiêu mới, thưa ông?
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối để bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, là năm diễn ra đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI, cùng với nhiều sự kiện trọng đại của Đảng, của đất nước...
Sau kỳ nghỉ Tết, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã ra quân sản xuất đầu năm với khí thế đầy quyết tâm để thực hiện các mục tiêu mới của năm 2025. Theo tổng hợp từ các cấp công đoàn Thủ đô, từ mùng 6 Tết Nguyên đán, trên địa bàn thành phố có 91,68% doanh nghiệp đã mở xưởng sản xuất (riêng các khu công nghiệp & khu chế xuất Hà Nội có 356/365 doanh nghiệp mở xưởng sản xuất, đạt 97,53%).
![Ông Phạm Quang Thanh thăm và chúc tết người lao động nhân dịp đầu năm.](http://content.baotnvn.vn/userfiles/user/vungoc/z6292469679331_661e9d758b3dae0f581b7cde15e865bc.jpg)
Tại nhiều doanh nghiệp lớn, không khí sản xuất diễn ra khẩn trương từ khu vực văn phòng đến các dây chuyền sản xuất. Ví dụ như tại Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam (Khu công nghiệp Nội Bài), hơn 4.000 công nhân lao động quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết với tinh thần, quyết tâm cao, thi đua nâng cao kỹ năng, tay nghề, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc.
- Hiện thành phố Hà Nội có bao nhiêu khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động? Ông đánh giá như thế nào về lực lượng lao động sau Tết trở lại làm việc so với mọi năm?
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 10 khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động thu hút 728 dự án thứ phát, trong đó có 307 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn đăng ký trên 7,2 tỷ USD; 421 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký gần 45.000 tỷ đồng. Tổng số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội có khoảng 167.000 người (trong đó lao động nước ngoài khoảng 1.270 người).
Thời gian trước, trong và sau Tết, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thủ đô ổn định, không xảy ra đình công, ngừng việc tập thể. Sau Tết, nhiều công nhân, người lao động từ ngoại tỉnh đã trở lại Hà Nội, khẩn trương vào việc ngay từ những giờ đầu, ngày đầu của năm mới. Trên địa bàn thành phố, ngay trong ngày mùng 6 Tết, đã có 95,18% số công nhân lao động trở lại làm việc, còn tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội có 96% công nhân quay trở lại làm việc. Đây là số công nhân lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp đã mở cửa sản xuất. Tính đến thời điểm ngày 07/2 (mùng 10 tháng Giêng) đã có 99,54% công nhân lao động quay trở lại các doanh nghiệp, nhà máy làm việc.
Chúng tôi tin tưởng rằng cơ bản tất cả công nhân lao động trở lại làm việc với tinh thần phấn khởi vì dịp Tết vừa qua đã nhận được sự quan tâm, chăm lo của tổ chức Công đoàn với phương châm không để đoàn viên, người lao động nào không có Tết, các cấp Công đoàn đã tổ chức đồng loạt các hoạt động chăm lo nhằm động viên doanh nghiệp cũng như người lao động để tạo sự gắn bó.
![](http://content.baotnvn.vn/userfiles/user/vungoc/z6292470627177_88097bedf6d00a72eab1f9f4caa4d35d.jpg)
Với mục tiêu “Tất cả đoàn viên, công nhân lao động đều có Tết”, thời gian qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tập trung mọi nguồn lực tổ chức các hoạt động chăm lo thiết thực cho đoàn viên, công nhân lao động vui xuân, đón tết, hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó. Liên đoàn Lao động thành phố đã kịp thời hỗ trợ đột xuất cho 57 đoàn viên, người lao động Công ty TNHH Durian - thuộc Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội bị mất việc.
- Năm 2025 là năm vươn mình với sự phát huy thế mạnh của kỷ nguyên số, xin ông cho biết, Liên đoàn Lao động thành phố có những giải pháp gì để người lao động yên tâm công tác và ngày càng thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao?
LĐLĐ thành phố xác định cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình mới trong sự phát triển mạnh mẽ của kỷ nguyên số. Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong hoạt động Công đoàn mà điểm cốt lõi là xác định quan điểm cấp trên phục vụ cấp dưới, tổ chức công đoàn phục vụ đoàn viên, người lao động. Để góp phần làm tốt các hoạt động này, LĐLĐ thành phố sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, áp dụng nền tảng số trong công tác chỉ đạo, điều hành các cấp Công đoàn và các hoạt động hỗ trợ người lao động thông qua ứng dụng công nghệ số,...
Đối với việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều chủ trương, chính sách được thể chế hóa thành luật và bước đầu đã được ban hành, áp dụng. Đặc biệt từ ngày 01/01/2025, Luật Thủ đô có hiệu lực, tại điều 16 của Luật Thủ đô quy định rõ việc “Thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Điều này được đánh giá là nguồn lực vô cùng quan trọng cho Hà Nội để tăng tốc phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một trong những khâu trọng tâm của Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2021-2025. Theo đó, Hà Nội đặc biệt quan tâm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao như nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, công nghệ cao, nhân lực ngành văn hoá, du lịch...
![](http://content.baotnvn.vn/userfiles/user/vungoc/z6292470306367_fee053243bee54f0e88dc8883cf3e1fb.jpg)
Thời gian tới, LĐLĐ thành phố tiếp tục tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút và trọng dụng nhân tài, trọng dụng sinh viên tốt nghiệp thủ khoa, tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành… Bên cạnh đó, Hà Nội còn đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng của quốc gia, vươn lên tầm khu vực và quốc tế thông qua các cuộc thi tay nghề, thi thợ giỏi và tổ chức các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”…
Song song với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, tổ chức công đoàn Thủ đô tập trung nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền tư tưởng chỉ đạo, định hướng của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tinh gọn tổ chức; đẩy mạnh các hoạt động thi đua thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, năng suất lao động, hiệu quả công tác; từ đó góp phần hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (2021 - 2026); đồng thời, góp phần xây dựng hệ thống chính trị “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”.
- Xin cảm ơn ông!
Ánh Phương (thực hiện)