Để sớm “trả lại tên” cho các liệt sĩ, theo ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục người có công, Bộ LĐTBXH, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần tăng cường về nguồn thông tin tìm kiếm, tăng cường lực lượng để tìm kiếm liệt sĩ, bởi lẽ việc tìm kiếm chỉ thực hiện được trong mùa khô.
Thưa ông, công tác tìm kiếm và quy tập liệt sĩ được triển khai như thế nào? Đối với những liệt sĩ đã quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa xác định được thông tin, giải pháp nào để trả lại tên cho các liệt sĩ?
Theo quy định việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của Bộ Quốc phòng, trên cơ sở đó Bộ Quốc phòng đã tổ chức nhiều đoàn quy tập để tiến hành tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trong nước cũng như ngoài nước và đạt nhiều kết quả khả quan.
Tuy nhiên, thông tin ngày càng ít, việc khai thác nguồn thông tin ngày càng khó khăn nên dù nỗ lực cao nhưng số lượng hài cốt liệt sĩ được tìm kiếm quy tập cũng ít dần.
Việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được thực hiện theo hai phương pháp: phương pháp thực chứng và phương pháp giám định gen. Phương pháp thực chứng dựa trên cơ sở những di vật, hiện vật còn lưu lại, như bút máy, bi đông, lược… có khắc thông tin liệt sĩ, hoặc nhưng thông tin còn lưu lại trong lọ penixilin và thường chỉ áp dụng với những trường hợp hài cốt liệt sĩ mới được tìm kiếm quy tập về. Cũng có thể dựa trên việc truy cập, đối chiếu, loại trừ khi tổng hợp thông tin trong cơ sở dữ liệu liệt sĩ, thường áp dụng đối với những trường hợp mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Đối với trường hợp không còn thông tin để có thể xác định danh tính hài cốt liệt sĩ thông qua phương pháp thực chứng, nếu mẫu sinh phẩm còn tốt và có mẫu sinh phẩm của thân nhân thì sẽ sử dụng phương pháp giám định gen. Đây là giải pháp cuối cùng vì chất lượng mẫu sinh phẩm thường rất thấp, và không nhiều liệt sĩ còn thân nhân hoặc họ hàng bên dòng mẹ để có thể giám định và đối chiếu.
Từ thực tế ông vừa nêu, có ý kiến cho rằng cần phải lập ngân hàng gen của liệt sĩ và cả những người thân đang đi tìm kiếm để làm cơ sở đối chiếu. Vậy quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
Để “trả lại tên cho anh” thì triển khai giám định gien là một giải pháp hết sức quan trọng, chính vì vậy ngân hàng gen đã được thành lập. Để ngân hàng gen hoạt động có hiệu quả thì phải có nhiều giải pháp đồng bộ khác đi kèm. Ngân hàng gen muốn hoạt động tốt thì phải đảm bảo khả năng cập nhật, liên kết và truy xuất dữ liệu, truy cập các thông tin về mẫu sinh phẩm cũng như thông tin của các đơn vị, các trung tâm giám định gen…
Ví dụ khi muốn tìm thông tin về danh tính liệt sĩ theo phương pháp giám định gen thì sẽ phải sẽ phải truy cập được thông tin về thời gian, địa điểm, đơn vị lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ, truy cập được đơn vị tiếp nhận, giám định và kết quả giám định… Và cũng tương tự như vậy đối với việc giám định mẫu sinh phẩm thân nhân của liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Giải pháp cấp bách trước mắt là phải tìm kiếm, xác định thân nhân, họ hàng liệt sĩ trong diện lấy mẫu để có thể lưu mẫu đối chiếu, bởi theo năm tháng thì những người này ngày càng ít đi, thậm chí không còn để có thể đối chiếu kết quả giám định và kết luận cùng huyết thống với liệt sĩ. Đối với hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin cũng phải đẩy mạnh việc lấy mẫu, bởi vì với thời gian càng dài thì mẫu sinh phẩm càng kém, tỷ lệ có khả năng giám định được càng thấp.
Giám định gen là giải pháp cuối cùng để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Và để triển khai tốt giải pháp này, việc đảm bảo cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, vật lực cũng đã được Nhà nước quan tâm chu đáo.
Việc giám định gen trên thực tế đã hỗ trợ được nhiều thân nhân liệt sĩ giải tỏa được nỗi niềm trăn trở nhiều năm qua, nhưng vẫn còn đó những thân nhân vẫn đau đáu khi kết quả giám định gen kết luận không cùng huyết thống, hoặc kết luận mẫu sinh phẩm không còn đủ khả năng để giám định gen.
Đối với những liệt sĩ hy sinh ở nước bạn, chúng ta cần làm gì để đẩy nhanh công tác tìm kiếm, quy tập?
Đối với những liệt sĩ đã hy sinh khi làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào, Campuchia thì chúng ta đã phối hợp tốt với chính quyền và người dân của nước bạn để tìm kiếm thông tin về nơi chôn cất các liệt sĩ một cách có hiệu quả, đảm bảo cho việc tìm kiếm đạt kết quả. Hằng năm, các cơ quan chức năng của nước ta và nước bạn đều tổ chức cuộc họp tổng kết việc triển khai tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Việt Nam ở nước ngoài và kế hoạch tìm kiếm quy hoạch trong thời gian tới để việc phối hợp được chặt chẽ hơn.
Có nhiều kỳ vọng hiệu quả áp dụng công nghệ mới trong việc giám định gen để xác minh thông tin liệt sĩ. Theo ông chúng ta cần phải làm gì để có thể đẩy nhanh công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ và xác định danh tính của các hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin?
Thứ nhất là tăng cường khai thác hơn nữa nguồn thông tin trong nhân dân cả trong nước và nước ngoài. Đẩy mạnh công tác ngoại giao, hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức trong nước và ngoài nước để được chuyển giao thông tin.
Thứ hai là tăng cường hơn nữa về đầu tư nhân lực, vật lực, trang thiết bị đối với các đội quy tập để có thể đẩy mạnh hơn nữa công tác tìm kiếm quy tập trong mùa khô là thời gian thuận lợi nhất để triển khai công tác này.
Thứ ba là đầu tư hơn nữa đối với các cơ sở, trung tâm giám định gen để tăng cường công suất và khả năng lưu trữ, giám định mẫu, đẩy nhanh thời gian xử lý mẫu sinh phẩm
Thứ tư là nhanh chóng đưa ngân hàng gen vào hoạt động một cách có hiệu quả, đồng thời với việc triển khai, nâng cấp hơn nữa các cơ sở dữ liệu về liệt sĩ và người có công.
Trân trọng cảm ơn ông./.
Tuấn Thùy thực hiện