Tham vấn học đường: Không chỉ là giáo viên kiêm nhiệm

Việc chăm lo sức khỏe tâm lý học đường cho học sinh ngay tại nhà trường là yêu cầu bức thiết trong các trường học hiện nay.

 

Khoảng trống trong tham vấn học đường

Vụ việc đau lòng xảy ra gần đây nhất là vào ngày 15/4, một nữ học sinh lớp 12 trường THPT Thuận Thành số 2 (Bắc Ninh) nhảy cầu tự tử sau khi bị hiếp dâm. Nhiều người cho rằng, nếu mô hình tham vấn học đường (TVHĐ) ở trường được làm tốt, sau khi vụ việc xảy ra, nữ học sinh ấy tìm được sự chia sẻ, nhận được những tư vấn cần thiết của thầy cô hay của những tư vấn viên thì có lẽ vụ việc đau lòng ấy đã không xảy ra.

Hay vụ việc đang lùm xùm xảy ra giữa Thủ đô là một thầy giáo ở quận Hoàng Mai bị phụ huynh tố dâm ô với học sinh. Điều đáng nói là sự việc được phát hiện khi phụ huynh tình cờ đọc được tin nhắn của con với bạn, chứ không phải là học sinh tố cáo thầy qua phòng TVHĐ. Điều này cho thấy, TVHĐ ở ngôi trường này đang bị bỏ trống.

Những năm gần đây, một số mô hình TVHĐ được triển khai thử nghiệm ở Hà Nội, ví dụ “Trung tâm tư vấn tâm lý” tại trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng, hay “Trung tâm Tham vấn học đường” tại trường THPT Trần Hưng Đạo và tại trường THPT bán công Nguyễn Tất Thành, hoạt động của hai “Phòng tâm lý học đường” tại trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trường THPT song ngữ liên cấp Wellspring, trường THCS Ngô Sỹ Liên

Em D, học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) giãi bày, có thời gian em gần như bị stress do mâu thuẫn với bạn cùng trường. Em chán nản không muốn đến trường và đã nghĩ đến chuyện chuyển trường. Suy nghĩ mãi, cuối cùng em tìm đến phòng tham vấn tâm lý học đường của nhà trường. Cô Lan Anh, chuyên viên tâm lý đã ngồi cả tiếng đồng hồ lắng nghe những chia sẻ của em và đưa ra những lời khuyên hữu ích. Em từng bước áp dụng những giải pháp mà cô đưa ra và dần dần tình hình được cải thiện. Sau này em mới biết chuyên viên tham vấn của trường đã gọi bạn đang có mâu thuẫn với em lên nói chuyện, do đó giữa chúng em đã không xảy ra va chạm. Em thấy phòng tham vấn tâm lý thực sự rất hữu ích với học sinh, bởi không phải chuyện nào chúng em cũng chia sẻ được với gia đình”.

Tại TP.HCM, đáng chú ý là từ năm học 2009-2010 đã thí điểm triển khai “Mô hình Tư vấn tâm lý trường học” theo Đề án của Sở GD&ĐT TP.HCM. Thực hiện đề án này, UBND TP.HCM cho phép triển khai “phê duyệt cho trường THCS, THPT hạng I được 1 biên chế giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý học đường” .

Những mô hình TVHĐ tại các trường học đang dần phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế đòi hòi mô hình TVHĐ phải được triển khai ở tất cả các trường học với đủ số lượng và chất lượng của giáo viên tư vấn hay cán bộ TVHĐ.

Các số liệu khảo sát của Bộ GD-ĐT tại Hà Nội và Hải Dương cho thấy, khoảng 80% các em học sinh có những vướng mắc cần chia sẻ và mong muốn có một không gian riêng tư ở trong trường để nói ra và tìm giải pháp cho những vấn đề của bản thân. Nghiên cứu dịch tễ trên 7 tỉnh phía Bắc của cán bộ Trường đại học Giáo dục cũng cho thấy khoảng 20% các em học sinh có tổn thương sức khỏe tâm thần tới mức phải can thiệp trị liệu.

Đẩy mạnh chương trình can thiệp tâm lý cá nhân

Từ năm 2011, chương trình RECAP tại Mỹ (chương trình phòng ngừa - can thiệp trên học đường) được triển khai thử nghiệm ở một số trường học tại Việt Nam mang trên mới là Nối Kết. Nối Kết đẩy mạnh chương trình can thiệp tâm lý cá nhân để hỗ trợ những học sinh có nguy cơ và có nguy cơ cao với các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Thạc sĩ Nguyễn Cao Minh, Viện Tâm lý học chia sẻ, kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, các vấn đề sức khỏe tâm thần ở học sinh ngày càng trở nên nghiêm trọng. Điều đó đặt ra một nhu cầu cấp thiết: can thiệp hỗ trợ cho học sinh để các em có thể phát triển lành mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần. Trong bối cảnh đó, các chương trình can thiệp học đường là một cách thức hiệu quả để hỗ trợ các em. Nối Kết là một trong những chương trình can thiệp sức khỏe tâm thần dựa vào trường học được đánh giá khá tốt. Để hỗ trợ học sinh, cần có nhiều nghiên cứu, đánh giá để có các chương trình can thiệp học đường tương tự như vậy.

Học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng đang trò chuyện với cán bộ tham vấn

Theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, hạn chế lớn trong thực tiễn triển khai công tác TVHĐ thời gian qua chính là nguồn nhân lực có đủ trình độ và kỹ năng. Hiện nay hầu hết các nhà trường chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tham vấn tâm lý. Đội ngũ làm công tác tham vấn tâm lý trong nhà trường chủ yếu là giảng viên một số chuyên ngành như Luật, Tâm lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân, thậm chí Lịch sử và Địa lí hay cán bộ chuyên trách tại các phòng ban như phòng Công tác HSSV, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên. Mặc dù hằng năm, đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm công tác TVHĐ được tập huấn nâng cao trình độ nhưng nội dung tài liệu tập huấn còn chưa chuẩn hóa, cán bộ tập huấn không phải là chuyên gia TVHĐ có nhiều kinh nghiệm thực tế nên chất lượng các buổi tập huấn chưa cao. Nhận rõ điều này, Trường Đại học Giáo dục đã có chương trình đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực TVHĐ. Nhà trường cũng đang triển khai xây dựng bộ tài liệu tập huấn theo Khung chương trình bồi dưỡng năng lực TVHĐ cho giáo viên phổ thông và sẵn sàng tham gia tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên.

Bộ GD-ĐT khẩn trương thành lập một Ban chỉ đạo và sớm đưa ra một chiến lược đào tạo nhân lực TVHĐ, trong đó lấy trọng tâm là tổ chức hệ thống TVHĐ chuyên nghiệp; Tổ chức nghiên cứu mô hình Văn phòng TVHĐ đa nhiệm theo cụm trường để thay thế mô hình “Giáo viên kiêm nhiệm”. Các cơ sở đào tạo giáo viên cần chủ động chuyển hướng tuyển sinh và đào tạo các ngành sư phạm truyền thống sang đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ các lĩnh vực TVHĐ” -  PGS.TS Đặng Hoàng Minh, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN.

Theo bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý vùng dự án Hà Nội, Tổ chức plan international, TVHĐ là dịch vụ cần thiết và hữu ích trong hệ thống bảo vệ trẻ em và mô hình trường học an toàn. Để phòng tham vấn tồn tại thì vai trò của giáo viên chủ nhiệm là quan trọng trong việc cung cấp thông tin ban đầu và kết nối/hỗ trợ. Theo bà Lan để làm tốt vai trò của mình, cán bộ tham vấn cần chủ động tiếp cận học sinh thông qua hoạt động tham vấn nhóm tại lớp hoặc cung cấp thông tin toàn trường trong sinh hoạt dưới cờ. Những cán bộ này phải thường xuyên có sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia hay kết nối với những trung tâm tư vấn chuyên nghiệp.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận