Công nông tái xuất và sự bất cập của chính sách

Dù lệnh đình chỉ hoạt động của xe công nông, ba gác đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2008 song đến nay, các loại xe này vẫn ngang nhiên hoạt động.

 

Bất chấp lệnh cấm, vẫn hoạt động như mắc cửi

Qua ghi nhận của phóng viên Kênh VOV Giao thông tại địa bàn một số quận, huyện của Hà Nội và huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, thời gian gần đây, những chiếc xe công nông, xe tự chế đã bị cấm lưu hành đang tái xuất ngày càng nhiều. Vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương tới đâu?

Trong hai ngày 9 và 10/4, phóng viên VOV Giao thông đã có mặt tại quốc lộ 17 đoạn qua xã Hà Mãn và Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trung bình mỗi ngày có vài chục lượt xe công nông lưu thông qua đây.

Đặc biệt tại các công ty gạch và khu sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn, có khoảng 20 - 30 lượt xe công nông đến vận chuyển hàng trong buổi sáng và trưa hàng ngày.

Khói bụi, tiếng ồn từ những chiếc xe công nông gây ra khó chịu cho những người cùng tham gia giao thông. Không những thế, tài xế xe công nông chủ yếu là người địa phương, chưa có GPLX, thường chở hàng hóa rất cồng kềnh, che khuất tầm nhìn của cả người điều khiển phương tiện, rất dễ gây ra tai nạn.

Một người dân tại đây cho biết:“Công nông ở đây vài chục cái chạy liên tục. Cát bụi rơi vãi rồi phanh chuông không đầy đủ ảnh hưởng đến an toàn của người tham gia giao thông. Nhất là các cháu học sinh khi tan học”.

Là địa phương có nhiều làng nghề, bến bãi vật liệu xây dựng nên bất chấp lệnh cấm, xe công nông đang bùng phát, tung hoành trên đường giao thông ở nhiều tuyến đường thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Phương tiện này chủ yếu chở cát, đá cho các gia đình xây dựng nhà ở; hoặc chở nguyên vật liệu, sản phẩm cho người dân làng nghề.

Dù đã bị cấm hơn 10 năm nhưng đến nay công nông vẫn ngang nhiên hoạt động. Ảnh: VOVNhiều người dân tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức cho biết, xe công nông có giá vận chuyển rẻ, luồn lách được vào mọi ngõ ngách đường ngõ, nên được sử dụng nhiều.

Mặc dù biết xe công nông đã bị cấm nhưng vì công ăn, việc làm người dân tại nhiều vùng nông thôn hiện nay vẫn bất chấp nguy hiểm và vi phạm pháp luật để hoạt động xe công nông. Đây có lẽ là lý do khiến tình trạng xe công nông bùng phát trở lại.

Trao đổi cùng phóng viên, ông Nguyễn Trọng Tấn, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, từ năm 2013, việc thu hồi và hỗ trợ xe công nông cho người dân trên địa bàn đã triển khai. Những xe trong diện loại bỏ sẽ được hỗ trợ chi phí để chuyển đổi ngành nghề.

Bên cạnh đó, tất cả phương tiện không đảm bảo kỹ thuật bị cấm lưu thông trên đường. Tuy nhiên thời gian gần đây loại phương tiện này ở các làng nghề đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Ông Nguyễn Trọng Tấn thừa nhận, việc xóa bỏ xe công nông hiện nay là rất khó khăn:“Huyện đã xử lý tập trung, nhưng cứ sau một thời gian lại phát sinh. Cái chính là nhu cầu hiện nay khi mà đường ngõ xóm thì các phương tiện khác khó đi vào được, chỉ có xe công nông đi vào. Đường nông thôn mà xóa bỏ hoàn toàn là rất khó”.

Không riêng huyện Hoài Đức mà tại một số khu vực dân cư địa bàn quận Nam Từ Liêm, huyện Thanh Trì và vùng ven Hà Nội, công nông cũng xuất hiện khá nhiều và chủ yếu phục vụ vận chuyển vật liệu xây dựng. Theo trung tá Vũ Văn Tiến, Đội trưởng đội CSGT số 10 (CA TP. Hà Nội), về nguyên tắc, tất cả các xe công nông hoạt động đều vi phạm pháp luật, cần phải xử lý.

Tuy nhiên, trong quá trình xử lý các xe công nông, lực lượng chức năng thường xuyên “vấp” phải không ít khó khăn, như lái xe không chịu hợp tác, quay đầu xe bỏ chạy. Trung tá Vũ Văn Tiến cho rằng, vấn đề này cần được giải quyết từ gốc, nghĩa là từ công tác quản lý, giám sát tại địa phương. “Quan điểm của lực lượng thực thi nhiệm vụ này là cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở, cần nắm bắt số lượng xe ở cấp cơ sở để công an các cấp, huyện trực tiếp vào xử lý. Chứ lực lượng CSGT bắt và xử lý chỉ là phần ngọn” - Trung tá Tiến cho biết.

Để tăng cường quản lý và ngăn chặn các vi phạm của xe công nông, theo Luật sư Nguyễn Danh Huế, Đoàn luật sư TP Hà Nội cần đánh giá đúng thực trạng và vai trò của phương tiện này tại các vùng nông thôn.

Những công năng của phương tiện này là không thể phủ nhận, và chính quyền địa phương cần có giải pháp phù hợp để quản lý, kiểm soát phương tiện này. Luật sư Nguyễn Danh Huế nêu ý kiến:“Pháp luật hiện nay đã quy định đầy đủ, các trách nhiệm đảm bảo ATGT tại địa phương thì chính quyền phải có trách nhiệm, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu với việc xử lý các vi phạm, như là để cho xe công nông hoạt động trên địa bàn huyện, xã thì phải có người chịu trách nhiệm”.

 Cần có những chính sách đi kèm

Dù lệnh đình chỉ hoạt động của xe công nông, ba gác đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2008, tức là hơn 10 năm, song cho đến nay, xe ba gác vẫn hoạt động ở thành thị, công nông vẫn đi lại như mắc cửi ở nông thôn bất chấp lệnh cấm.

Sự tồn tại của bất cứ hoạt động dân sinh nào bên ngoài khuôn khổ luật pháp cũng có những lý do của nó, và trên hết đó là biểu hiện cụ thể của sự bất cập chính sách.

Sự tồn tại của công nông, ba gác, bất chấp luật pháp có hai nguyên nhân căn bản. Đầu tiên là yếu tố phù hợp với đời sống dân sinh, là lựa chọn tốt trong phân khúc vận tải hàng hóa quy mô nhỏ của thị trường. Yếu tố tiếp theo là đối tượng sử dụng các phương tiện này, với mức độ chấp nhận vi phạm pháp luật của họ.

Xe tự chế chở đồ cồng kềnh là hiểm họa đối với các phương tiện giao thông khác. Ảnh: VOVgiaothongXe ba gác ở đô thị và công nông ở nông thôn giống nhau ở yếu tố đầu tiên. Nếu như xe ba gác là lựa chọn đáp ứng tốt nhất các tiêu chí vận tải đô thị như gọn gàng, có thể đi vào các ngõ ngách nhỏ, chở được hàng hóa cồng kềnh, và giá rẻ thì công nông cũng được người dân nông thôn lựa chọn vì những lý do tương tự.

Ở yếu tố thứ hai, là người sử dụng thì hai phương tiện này cũng là lựa chọn tối ưu nhất. Nếu như xe ba gác ở đô thị là công việc mưu sinh tốt nhất của người tàn tật, thương binh, thì công nông ở nông thôn cũng là lựa chọn đầu tư tốt nhất của của những người làm dịch vụ nông nghiệp.

10 năm, đó là thời gian quá dài để cho một chính sách đi vào cuộc sống. Nhưng chính sách cấm xe tự chế như công nông và ba gác vẫn gần như vô tác dụng. Đó là vì việc cấm các loại phương tiện này không hề đi kèm với những điều kiện kỹ thuật cho chính sách, đó là khả năng thay thế.

Với xe ba gác, cho đến thời điểm này thì sự thay thế gần như không có bởi các loại xe tương tự chủ yếu nhập từ Trung Quốc vẫn gặp khó khăn trong việc đăng ký, đăng kiểm, và khả năng lưu hành, trong khi giá thành đắt hơn nhiều so với xe tự chế. Với công nông thì sự thay thế có thể là xe tải nhỏ. Song, giá thành quá cao so với khả năng đầu tư của người nông dân, đặc biệt là khi dùng ô tô, các khoản phí đăng kiểm, bảo trì đường bộ... quá nhiều trong khi người nông dân chỉ vận hành chủ yếu trên đường nông thôn.

Sự mất an toàn của các loại phương tiện tự chế như công nông, ba gác... là điều không cần phải bàn cãi. Chủ trương đình chỉ hoạt động của các phương tiện này là cần thiết. Song ban hành chính sách đối với một loại phương tiện mưu sinh của người dân không phải chỉ đơn thuần ban một lệnh cấm là xong.

Chủ trương loại bỏ xe tự chế đã có hiệu lực hơn 10 năm. Song, cho đến thời điểm hiện tại, những tác động trực tiếp từ chủ trương này vẫn chưa được giải quyết. Nếu không có những chính sách đi kèm giúp người dân chuyển đổi phương tiện mưu sinh và phục vụ nhu cầu của xã hội một cách phù hợp thì hậu quả sẽ là sự nhờn luật triền miên.

Trung Tuyến-Nguyễn Yên/VOVgiaothong

 

Bình luận

    Chưa có bình luận