Đề xuất hạ mức nồng độ cồn cho phép đối với người điều khiển xe máy

  • 10/04/2019 03:00:00
  • Quy định người điều khiển xe máy vẫn được tham gia giao thông nếu nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở ở mức cho phép đang đe dọa đến vấn đề an toàn...
  • Xã hội > Đời sống
  • 0

Quy định người điều khiển xe máy vẫn được tham gia giao thông nếu nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở ở mức cho phép đang đe dọa đến vấn đề an toàn...

 

Theo Nghị định 46 về xử lí vi phạm giao thông đường bộ, cấm các lái xe không được điều khiển ô tô sau khi uống rượu bia, thế nhưng người điều khiển xe máy vẫn được lái xe tham gia giao thông nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn dưới 50 miligam/100 mililít máu hoặc dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Nhiều ý kiến cho rằng, lỗ hổng này đang đe dọa đến vấn đề an toàn của người tham gia giao thông.

Bày tỏ mối lo ngại về tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn khi lái xe, một người dân nêu ý kiến: “Khi uống rượu, thần kinh yếu đi đường dễ gây tai nạn”.

Phân tích về khoảng trống trong các quy định xử lý người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia, ông Trần Ngọc Sơn- Chánh văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh Lào Cai cho biết: "Đối với xe mô tô nếu uống rượu không vượt quá ngưỡng, người ta vẫn được tham gia giao thông mà không bị xử lý. Theo quan điểm của chúng tôi, đối với người điều khiển xe máy, trong hơi thở có nồng độ cồn thì không được phép điều khiển các phương tiện cơ giới nói chung, không chỉ riêng xe ô tô mà cả mô tô và xe chuyên dụng. Vì thế, Nghị định 46 cần sửa ngay".

Đồng tình với quan điểm này, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hải - Đội trưởng Đội CSGT và trật tự huyện Đông Anh cho biết, với các quy định tại Nghị định 46 hiện nay gây ra một số khó khăn trong quá trình xử lý những trường hợp vi phạm về nồng độ cồn: "Thực tế trên địa bàn chúng tôi thường xuyên xử lý những trường hợp xe gây va chạm giao thông đều có nồng độ cồn. Tuy nhiên, chúng tôi gặp khó khăn đối với xử lý trong những trường hợp này là trong quy định là trên 50mg/100ml máu thì mới được xử lý nên những trường hợp dưới nồng độ đó chúng tôi không xử lý được".

Các chuyên gia y tế cho biết, khi sử dụng rượu, bia dù ít hay nhiều đều ảnh hưởng đến hệ thần kinh, khiến người uống không đủ tính táo dẫn đến ảnh hưởng đến khả năng tự chủ, định hướng và điều khiển vận động nên điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Nghị định 46 hiện nay cũng gây ra một số khó khăn trong quá trình xử lý những trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.

Bên cạnh đó, tùy vào thể chất và sự hấp thu của từng người đối với bia rượu mà mỗi người có một ngưỡng Nếu để đến mức độ có nồng độ cồn lên tới 50miligam/100 mililit máu mới xử lý, người uống có thể rơi vào trạng thái say.

Ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, hiện nay Luật Giao thông đường bộ 2008 cho phép người điều khiển mô tô xe máy có nồng độ cồn nhất định khi điều khiển phương tiện dưới 50mg/ 100mililit máu. Do vậy, trước hết cần phải thực hiện theo đúng luật và các Nghị định của Chính phủ. Những đề xuất về điều chỉnh mức xử phạt đối với người điều khiển xe máy sẽ có thể được các cơ quan chức năng tổng hợp bổ sung vào Luật Phòng chống rượu bia và Luật đường bộ sau này./.

(Theo Hải Hà, VOV Giao thông)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận