Bắt đầu tổng điều tra dân số và nhà ở toàn quốc năm 2019

Từ ngày 1/4, cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 có quy mô toàn quốc chính thức bắt đầu.

 

Tổng điều tra kéo dài trong 25 ngày

Tổng điều tra dân số và nhà ở nhằm thu thập thông tin cơ bản, phục vụ xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, làm cơ sở chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.

Tổng điều tra dân số và nhà ở lần này có nhiều điểm mới, đó là sử dụng công nghệ thông tin ở tất cả các công đoạn, áp dụng phương pháp chọn mẫu phân tầng 2 giai đoạn, nhằm đảm bảo tính đại diện đến cấp huyện và tiết kiệm kinh phí.

Quy mô lấy mẫu điều tra chỉ chiếm 9% dân số cả nước, giảm 6% so với cuộc Tổng điều tra năm 2009, nhưng tính đại diện cao hơn nên đảm bảo chính xác hơn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, lần này sẽ hạn chế tối đa viêc thu thập thông tin bằng phiếu giấy

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, lần này sẽ hạn chế tối đa viêc thu thập thông tin bằng phiếu giấy, thay vào đó là phiếu điện tử được điều tra viên thực hiện trên thiết bị cầm tay và phiếu điều tra trực tuyến trên mạng Internet.

 “Chúng tôi cung cấp mật khẩu để người dân trả lời thông tin khi tham gia điều tra trực tuyến online. Trả lời theo hình thức đó, người dân sẽ không mất thời gian tiếp đón điều tra viên và có thể trả lời vào bất cứ thời điểm nào. Đây cũng là hình thức được nhiều nước trên thế giới áp dụng” - ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Ngày 13/3/2019, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (gọi tắt là Ban chỉ đạo Trung ương) đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 và đề nghị các bộ, ngành địa phương huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị bởi kết quả của cuộc Tổng điều tra sẽ là căn cứ cơ bản để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của đất nước trong thời gian tới.

Cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 với tổng kinh phí dự toán 1.514 tỷ đồng, được thực hiện với các nội dung: thông tin chung về dân số; tình trạng di cư; trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật; tình trạng khuyết tật, hôn nhân; mức độ sinh, tử và phát triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động việc làm; thực trạng về nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.

Đối tượng của cuộc điều tra bao gồm tất cả người Việt Nam thường xuyên cư trú trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam tính đến thời điểm điều tra; người Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất cảnh ra nước ngoài trong thời hạn quy định; nhà ở của hộ dân cư...Nội dung điều tra được chia thành 2 nhóm: Đối với điều tra toàn bộ (gồm 22 câu hỏi), điều tra các thông tin về dân số và nhà ở của hộ.

Thời gian thu thập thông tin của cuộc Tổng điều tra là 25 ngày. Kết quả sơ bộ được công bố vào tháng 7 năm 2019, kết quả điều tra mẫu được công bố vào quý IV năm 2019, kết quả điều tra toàn bộ được công bố vào quý II năm 2020. Các báo cáo phân tích chuyên đề công bố vào quý IV năm 2020.

Lập BCĐ Tổng điều tra dân số và nhà ở các cấp

Theo Quyết định, thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở các cấp. Cụ thể, ở trung ương, thành phần Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương gồm: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban; 2 Phó Trưởng ban gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Phó Trưởng ban thường trực); Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm; Ủy viên là lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương.

Ở địa phương, thành phần Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp tỉnh; Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp huyện gồm: 1 Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Trưởng ban; Thủ trưởng Cơ quan Thống kê cùng cấp làm Phó Trưởng ban thường trực; đại diện lãnh đạo các cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Ngoại vụ, Xây dựng, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Dân tộc, Mặt trận Tổ quốc cùng cấp làm Ủy viên; 1 Phó Thủ trưởng cơ quan Thống kê cùng cấp làm Ủy viên thường trực.

Thành phần Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp xã gồm: 1 Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân xã làm Trưởng ban; Trưởng Công an, Mặt trận Tổ quốc, công chức về địa chính tại xã, phường làm Ủy viên; 1 công chức văn phòng - thống kê làm Ủy viên thường trực.

Đối với các tỉnh vùng cao, vùng biên giới và hải đảo, bổ sung Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các cơ quan trực thuộc tại cấp huyện và cấp xã là thành phần Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cùng cấp.

Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở từ cấp huyện đến cấp trung ương được thành lập Văn phòng giúp việc do cơ quan Thống kê cùng cấp chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện.

Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương; Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp tỉnh; Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp huyện và Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp xã tự giải thể sau 5 ngày kể từ ngày Ban Chỉ đạo Tổng điều tra trung ương công bố kết quả điều tra toàn bộ Tổng điều tra./.

(Lê Thư tổng hợp)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận