Bản án của xã hội
Liên quan đến vụ việc cô gái bị người đàn ông sàm sỡ trong thang máy chung cư, chiều 18/3, một lãnh đạo Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, đơn vị đã áp dụng biện pháp xử phạt đối với Đ.M.H (31 tuổi, quê Hải Phòng) với mức phạt 200.000 đồng theo điểm a, khoản 1, điều 5, Nghị định 167 của Chính phủ quy định xử phạt về hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Đồng thời, Công an quận Thanh Xuân cũng tiến hành lập biên bản yêu cầu Đ.M.H cam kết không tái phạm.
Không đồng tình với cách xử phạt của công an, cộng đồng mạng ồ ạt chia sẻ “hình ảnh của thằng mất dạy” cho mọi người biết mặt mà tránh.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy bày tỏ là phụ nữ lại có con gái, chị cảm thấy bất an trước hình phạt dành cho người đàn ông trong thang máy. Nếu việc xử lý không có tính răn đe thì hành vi này có thể lặp lại ở bất cứ đâu. “Chúng ta dạy con các cách tự bảo vệ mình, kể cả cho con đi học võ, nhưng nếu pháp luật không nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này thì dù có được học võ chúng tôi cũng cảm thấy bất an mỗi khi phải ra ngoài đường”.
TS. Khuất Thu Hồng, Trưởng mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVnet) cho rằng, hành động của thanh niên trong thang máy gọi đúng bản chất là tấn công tình dục, vì thế mức phạt 200.000 đồng thật mỉa mai, hoàn toàn không đúng với mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Cộng đồng phẫn nộ vì hình phạt không thỏa đáng khi danh dự, phẩm hạnh của phụ nữ không được pháp luật coi trọng một cách thích đáng.
Theo luật sư Nguyễn Văn Tú, hành vi của người đàn ông đối với cô gái trong thang máy không chỉ là quấy rối bởi, quấy rối chỉ dừng ở mức độ tác động đến tư tưởng. Còn người đàn ông này vừa quấy rối vừa có hành vi xâm lấn cơ thể thì phải bị xử lý nặng hơn. Lý giải vì sao cộng đồng mạng lại sôi sục trước mức xử phạt này, luật sư Nguyễn Văn Tú cho rằng, xã hội nào cũng có những chuẩn mực về đạo đức. Vì vậy, ngoài bản án của Nhà nước thì người có hành vi sai trái còn chịu bản án của xã hội. Với việc chia sẻ hình ảnh trên facebook, người đàn ông trong thang máy đang bị cộng đồng xử phạt gần như cách ly với xã hội. Nếu anh ta bị pháp luật xử phạt đúng tội thì sẽ không bị cộng đồng áp dụng mức phạt nặng như thế.
Luật sư Nguyễn Văn Tú so sánh, người bị bắt vì ăn trộm tài sản trị giá 2 triệu đồng là bị phạt tù, trong khi kẻ xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm người khác lại chỉ bị phạt 200.000 đồng. Điều này cho thấy, các nhà làm luật vẫn coi trọng những thứ về vật chất dễ cân đong đo đếm, còn danh dự, nhân phẩm con người là phạm trù khó cân đong đo đếm nên họ ngại đụng chạm.
Đã có kiến nghị thư lên Quốc hội
Không chỉ vụ việc cô gái trong thang máy không được xử lý thỏa đáng mà những vụ việc khác xảy ra trong thời gian gần đây như vụ cháu bé 9 tuổi bị xâm hại ở Chương Mỹ (Hà Nội); vụ thầy giáo sờ đùi, sờ mông học sinh ở Bắc Giang… cho thấy pháp luật còn nhiều kẽ hở, khoảng trống đối với hành vi xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm trẻ em, phu nữ. Vì quy định luật pháp chưa trở thành công cụ giúp lực lượng thực thi pháp luật xử lý vụ việc một cách thỏa đáng, đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em, GBVnet cùng một số tổ chức và cá nhân đã có một kiến nghị thư gửi lên Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội.
Kiến nghị thư chỉ rõ những vụ bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em không được xử lý một cách thỏa đáng, nguyên nhân căn bản là thiếu công cụ pháp luật và sự thiếu hiểu biết của người thực thi pháp luật cũng như công chúng khiến những hành vi vi phạm quyền con người, quyền an toàn về thân thể con người, quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm con người còn tồn tại. Điều này dẫn đến tâm lý hoang mang sợ hãi của người dân và họ đã có phản ứng tiêu cực như đối với người đàn ông tấn công tình dục ở thang máy.
Từ đó GBVnet có mấy kiến nghị. Thứ nhất cần bổ sung quy định pháp luật liên quan tới tội danh này, cả Bộ luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Thứ hai là cần nâng cao nhận thức và hiểu biết cho lực lượng thực thi pháp luật, họ phải hiểu được những vi phạm về tình dục như thế nào được coi là tội phạm, có hiểu biết về mối liên hệ giữa tội phạm tình dục và quyền con người, danh dự nhân phẩm của công dân… Thứ ba là phải tăng cường giáo dục người về giới tính, về vấn đề tình dục. Giải pháp thứ ba được xem là giải pháp căn cơ, lâu dài. Nhận thức, hiểu biết của người dân mới là quan trọng để họ điều chỉnh hành vi để không xảy ra những vụ việc tương tự.
Nói đến vấn đề nâng cao nhận thức của người dân, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), cho biết, CSAGA liên kết với các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ… để thúc đẩy sự hiểu biết chung của xã hội trong việc bảo vệ an toàn cho trẻ em và phụ nữ. “Chúng tôi mong muốn hệ thống pháp luật đủ mạnh, công bằng, văn minh để bảo vệ được tất cả mọi người, để ai cũng cảm thấy an toàn và không ai cảm thấy cô đơn hay bất lực trong việc tự bảo vệ mình”.
Vụ việc cô gái bị tấn công trong thang máy đã được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với UBND TP.Hà Nội chỉ đạo, kiểm tra việc xử lý đối tượng có hành vi “sàm sỡ” nữ sinh. “Trường hợp quy định pháp luật chưa đủ nghiêm khắc để răn đe, ngăn chặn các hành vi tương tự, Bộ Công an khẩn trương đề xuất, bổ sung cho phù hợp và báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước ngày 15/4”.
|
Theo đánh giá của luật sư Nguyễn Văn Tú, hệ thống pháp luật Việt Nam xử phạt tội xâm phạm tự do tình dục đang thiếu đến mức có thể coi như không có. Để xử phạt những hành vi như vậy, Bộ luật Hình sự phải có một chương riêng với hơn chục điều khoản mới thỏa đáng; còn về xử phạt hành chính thì cần có một nghị định riêng. Vì thế, các nhà làm luật cần sớm xây dựng hệ thống quy định pháp luật về mảng này. Khi xây dựng luật, họ cần phải tham khảo, kết hợp với những nhà hoạt động về giới, với khoa học pháp lý…; đồng thời có thể tham khảo kinh nghiệm từ nước ngoài để có những khái niệm cơ bản đưa vào xây dựng luật khung. Sau 2-3 năm thực thi thì tổng kết hoàn thiện và chỉnh sửa. “Hình phạt đưa ra làm sao đúng tội danh, để tất cả người dân được pháp luật bảo vệ, còn người bị phạt được giáo dục, biết sợ, đồng thời có tác dụng ngăn chặn.