Nghệ thuật gấp giấy Origami - sự thăng hoa của sáng tạo

Origami là một loại nghệ thuật gấp giấy có xuất xứ từ xứ sở 'Mặt trời mọc'. Chữ Origami được bắt nguồn từ hai chữ là "Oru" là gấp và "Kami" là giấy. Origami ra đời từ năm 1880 và phát triển không chỉ ở Nhật Bản mà còn phổ biến trên toàn thế giới.

 

Sáng tạo không giới hạn

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử Nhật Bản, nghệ thuật xếp gấp giấy bắt nguồn từ Trung Quốc khoảng thế kỷ thứ 1 hay thứ 2. Sau đó, nghệ thuật này đã lan sang Nhật vào thế kỷ thứ 6. Dưới sự sáng tạo của xứ sở hoa anh đào, nghệ thuật gấp giấy Origami ngày càng phát triển và gắn liền với văn hóa truyền thống của người Nhật Bản.

Ngày nay, nghệ thuật gấp giấy Origami không những được chào đón nồng nhiệt ở Nhật Bản mà còn lan rộng ra toàn thế giới. Ban đầu gấp giấy Origamichỉ được xem như trò chơi giải trí. Chỉ cần sử dụng những mảnh giấy nhỏ đã có thể biến hóa thành những hình dạng khác nhau, có thể là một con vật, bông hoa, hay đồ vật nào đó...

Song qua thời gian cùng với sự sáng tạo, gấp giấy Origami đã trở nên đa dạng phong phú về hình thức thể hiện. Nếu như bắt đầu chỉ là những con vật, đồ vật có hình thù đơn giản thì ngày nay gấp giấy Origami đã sáng tạo ra những hình thù hay những hình ảnh con vật có sự phức tạp hơn.

Origami không chỉ là một trò chơi tiêu khiển giải trí hay đồ trang trí thông thường mà đã trở thành một loại hình nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo độc đáo. Từ đó người chơi có thể kích thích sự sáng tạo của mình để tạo ra những sản phẩm đẹp đẽ.

Conjoined Spot Monkey-Grasshopper-  Đỗ Anh Tú

Để có được một tác phẩm Origami đẹp mắt, đòi hỏi người chơi phải có tinh thần tập trung cao độ, sự tỉ mỉ và chính xác tới từng nếp gấp, từng chi tiết xếp ghép. Bên cạnh đó, Origami còn đòi hỏi người chơi phải có trí tưởng tưởng phong phú, kiến thức tạo hình khối, cũng như kiến thức về hình học không gian. Cùng khả năng tư duy hình ảnh trừu tượng… Một tác phẩm càng khó càng kỳ công. Đây cũng là thước đo để đánh giá về tinh thần kiên nhẫn và tính thẩm mỹ của người thực hiện.

Từ những tờ giấy đơn giản, nhỏ bé nhưng sau khi qua tay của nghệ nhân, chúng sẽ trở thành nhiều hình thù khác nhau từ đơn giản đến phức tạp khiến nhiều người phải thốt lên vì khâm phục. Gấp giấy Origami là một minh chứng cho sự sáng tạo không giới hạn của con người.

King Ghidorah do chính Trần Trọng Tín sáng tác

Bạn tưởng tượng gì, tôi đều gấp được…

Origami hiện đại thay đổi rất nhiều, ngày càng phát triển với nhiều hình dáng đặc biệt khác nhau. Có rất nhiều cao thủ Origami sáng tác được những tác phẩm có độ khó và tạo ra nhiều hình mẫu phức tạp. Phương châm của những người chơi Origami ngày nay là: “Bạn tưởng tượng gì, tôi đều gấp được”.

Anh Trần Văn Hùng, một kiến trúc sư chơi Origami chia sẻ, anh biết đến Origami thông qua một video trên Youtube và ngay lập tức anh đã yêu thích. Sau một thời gian mày mò, tự học, những sản phẩm đầu tiên của anh đã ra đời. “Mặc dù mình là kiến trúc sư, mình cũng có trí tưởng tượng tốt, tuy nhiên mình nhận thấy sáng tác Origami không hề đơn giản chút nào”, anh Hùng cho biết.

FOX_level1 do Hùng Cường sáng tác

Anh Trần Trọng Tín ở Thành phố Hồ Chí Minh là người đã có 7 năm trong nghề cho hay, chơi Origami đòi hỏi tính kiên nhẫn rất cao. Với anh, Origami như một bài test khả năng của chính mình khiến bản thân ngày càng hoàn thiện hơn về sự sáng tạo cũng như tính kiên nhẫn.

Bell Flower- Đỗ Anh Tú

Từng học thạc sĩ kỹ thuật điện tử Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng Nguyễn Hùng Cường đã bỏ hết để theo đam mê Origami. 10 tuổi anh đã bắt đầu sáng tạo ra mẫu Origami của riêng mình. Yêu thích sự kì diệu của việc biến đổi một tờ giấy nên những sáng tác của Cường đa phần đi theo hướng phức tạp, sử dụng kiểu gấp lạ khiến người xem bị cuốn hút bởi sự bất ngờ và phối màu tinh tế.

Những tác phẩm Origami của anh từng được các trang báo như Huffington Post, ABC News, Thisiscolossal... của Mỹ giới thiệu và khen ngợi. Đặc biệt, tác phẩm Khỉ đột của anh đã được nghệ nhân Origami nổi tiếng thế giới Robert J.Lang đánh giá là 1 trong 2 tác phẩm mà ông yêu thích nhất tại triển lãm của Hội Origami Mỹ (OUSA).

Butterfly_Hùng Cường

Anh Cường chia sẻ, để tạo ra một sản phẩm Origami ngoài sự sáng tạo cần rất nhiều tính kiên nhẫn. Trong đó, công đoạn thiết kế, gấp nháp tốn rất nhiều thời gian và cũng là công đoạn khó nhất. Anh cho biết, mỗi mẫu gấp mới sẽ phải trải qua khoảng 20 - 30 bản nháp mới có thể hoàn thành.

Để có một sản phẩm mới ra mắt, anh thường mất 1 - 2 tháng để hoàn thiện. Có nhiều cách khác nhau để tạo ra một mẫu Origami mới, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự kiên trì và thực hành thật nhiều. Khi tạo ra một mẫu nào đó, anh thường chỉ dừng lại khi không thể làm cho nó tốt hơn.

Mỗi mẫu Origami của Cường đều là một tuyệt tác hàm chứa rất nhiều nỗ lực. Khi sáng tạo xong một mẫu gấp mới, anh phải lưu lại trong máy tính, với những công thức, bản vẽ thiết kế. Bởi Origami gần như không thể lặp lại, mỗi lần gấp sẽ ra một bản khác biệt với tất cả các mẫu khác.

Với anh, nghệ thuật là một hành trình, không phải là đích đến, hành trình chúng ta làm ra một sản phẩm tinh hoa nhất chính là lúc nghệ thuật đỉnh cao nhất. “Tôi luôn luôn trăn trở làm sao để nâng tầm bản thân mình hơn nữa, đồng thời mở rộng cộng đồng những người trẻ đam mê Origami ở Việt Nam”, anh Cường nói./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận