Sau khi được thông tin về vụ 8 học sinh bị đuối nước tại khu vực bến Thịnh Minh, phường Thịnh Lang, TP. Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về trẻ em đã ra văn bản đề nghị các bộ, ngành, và chính quyền địa phương cần quan tâm hỗ trợ, trang bị cơ sở vật chất để dạy bơi cho trẻ em tại địa phương; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về nội dung này.
Xin ông chia sẻ tâm trạng của mình đầu tiên khi có mặt tại khu phố nơi có 8 em nhỏ bị đuối nước ở thành phố Hòa Bình?
Chúng tôi được biết tin rất sốc và đau xót, trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương phải làm nhiều hơn nữa để con em chúng ta có môi trường sống an toàn, lành mạnh làm sao không còn chứng kiến cảnh tang thương như thế này. Khi mà xuống một xóm yên bình nhưng thực sự là ngày không yên bình, trong một khu dân cư mà có 8 cháu bị đuối nước, bạn học với nhau. Chứng kiến khung cảnh tang thương thì chúng ta không muốn lặp lại nữa.
Thưa ông, qua sự việc này, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương, nhà trường về đảm bảo an toàn cho học sinh như thế nào?
Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục đào tạo, Bộ Thể thảo Văn hóa, chúng tôi cần tăng cường các biện pháp để phòng ngừa giảm thiểu tai nạn thương tích nói chung và tai nạn đuối nước nói riêng và Ủy ban đã có công văn khẩn gửi các địa phương trên cả nước. Vụ việc đuối nước rất đau lòng khi mà tử vong 8 cháu. Các cháu được nghỉ học, rồi đá bóng và đi bơi dẫn đến tử vòng thì trước hết chúng ta tăng cường công tác truyền thông. Tôi rất mong muốn các trường học hàng ngày, hàng tuần có tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ thường xuyên nhắc nhở học sinh không được chơi và ra bơi ở những vùng nước nguy hiểm không có biển cảnh báo. Gia đình cũng thường xuyên nhắc nhở con em hằng ngày hằng giờ, nhất là giám sát của gia đình cần thường xuyên để mắt đến nhiều hơn biết con mình đang ở đâu, chơi gì.
Thành phố Hòa Bình chạy dọc theo sông Đà có nhiều vùng nước xoáy nguy hiểm, tôi kiến nghị tỉnh và thành phố rà soát lại các vùng nguy hiểm cần có sự giám sát và cắm biển cảnh báo không chỉ trẻ em mà người dân có ý thức không xuống vùng nước xoáy hoặc vùng nước lạ. Hiện nay, trung ương đã hỗ trợ tỉnh Hòa Bình triển khai chương trình dạy bơi và đào tạo kỹ năng, tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa đầu tư nguồn lực để có những điểm dạy bơi và kỹ năng thì chắc chắn chúng ta triển khai được như thế và sự quan tâm của chính quyền, gia đình, nhà trường thì các vụ tai nạn sẽ giảm.
Với đặc thù là tỉnh miền núi có khu dân cư ven sông suối, ông cảnh báo gì với người dân và trẻ nhỏ để tránh xảy ra vụ đuối nước nghiêm trọng tương tự trong thời gian tới?
Những vùng có sông, độ dốc cao, nước xoáy nguy hiểm như sông Đà, thì chúng ta cần lưu ý bằng tất cả biện pháp cảnh báo, cảnh giới và đặc biệt là thường xuyên nhắc nhở giám sát các cháu. Đây là biện pháp quan trọng vì một mình vai trò chính quyền địa phương không làm được mà phải tuyên truyền rộng rãi do trách nhiệm của nhà trường, gia đình. Chính quyền địa phương các cấp quan tâm nhiều hơn nữa, đặc biệt là đầu tư mở các địa điểm dạy bơi trong mùa hè huấn luyện các kỹ năng an toàn cho các cháu. Bởi tôi biết trong các cháu vừa tử vong thì còn một số cháu chưa biết kỹ năng đảm bảo an toàn môi trường nước. Vì trong số các cháu có đi tập bơi ở bể nhưng rõ ràng biết chơi là chưa đủ. Do vậy cần đào tạo kỹ năng an toàn cho các cháu nhà ở gần khu vực ven sông suối càng sơm càng tốt.
Xin cảm ơn ông!
Huy Nam - Sơn Lâm/VOV1