Hành trình về không gian hoang dã - thả thành công các loài quý hiếm về VQG Vũ Quang

Vườn Quốc gia (VQG) Vũ Quang được mệnh danh là'Ngôi nhà của động vật hoang dã'. Từ năm 2020 đến nay, VQG tiến hành tái thả về rừng 645 cá thể với 20 loài.

 

Vườn Quốc gia Vũ Quang được mệnh danh là“Ngôi nhà của động vật hoang dã”. Từ năm 2020 đến nay, Vườn Quốc gia Vũ Quang đã tiếp nhận, chăm sóc 657 cá thể động vật, tiến hành tái thả về rừng 645 cá thể với 20 loài. Trong đó, nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Hoạt động này góp phần làm phong phú thêm hệ sinh thái cũng như bảo tồn đa dạng sinh học tự nhiên ở Việt Nam.

Mục tiêu giữ gìn môi trường sống hoang dã, tái tạo cán cân sinh thái

          Vườn Quốc gia (VQG) Vũ Quang được xác định là vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực trung Trường Sơn Việt Nam. Do đó ngoài việc thực hiện chức năng nhiệm vụ chính là bảo tồn hệ sinh thái rừng, VQG Vũ Quang còn thực hiện tốt nhiệm vụ cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm. Đây là một việc làm có ý nghĩa rất thiết thực thể hiện tính nhân văn cao cả, được các cá nhân và tổ chức đánh giá cao. 

Giám đốc VQG Nguyễn Danh Kỳ, cùng các cán bộ VQG trực tiếp thả các cá thể động vật hoang dã về lại nơi chúng sinh sống, được về với núi rừng Vũ Quang

Trong năm 2023, 2 tổ tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng (gọi tắt là CPT) đã được thành lập và vận hành với sự giám sát chặt chẽ từ phía Vườn Quốc gia Vũ Quang và Ban Quản lý Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học”(gọi tắt là VFBC) tỉnh Hà Tĩnh. Trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực, trang thiết bị và kiến thức, tuy nhiên dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Ban quản lý dự án VFBC, bước đầu các tổ CPT đã đạt được những kết quả hết sức khả quan, đóng góp vào kết quả chung của toàn dự án cũng như sự hỗ trợ kịp thời cho lực lượng bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Vũ Quang nhằm thực hiện có hiệu quả hơn trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

Vườn đã tiếp nhận nhiều động vật hoang dã do người dân tự nguyện giao nộp

Thả động vật về rừng là việc làm đầy trách nhiệm của mỗi người dân

          Thời gian qua, thông qua các hoạt động tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng, bảo tồn các loài động vật nguy cấp quý hiếm, VQG Vũ Quang đã hướng tới nhiều đối tượng như cộng đồng dân cư vùng đệm, các em học sinh, sinh viên.. làm cho mọi người hiểu rõ hơn ý nghĩa tầm quan trọng của công tác cứu hộ, bảo vệ và phát triển động vật hoang dã. Vì vậy, những năm gần đây nhiều người dân đã chủ động đến giao nộp các cá thể động vật để nhờ vườn thả về tự nhiên. Sau khi tiếp nhận, hầu hết các cá thể động vật đã được chăm sóc, huấn luyện tập tính hoang dã, trước khi được thả về với môi trường tự nhiên để sinh tồn, phát triển.

VQG Vũ Quang đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu hộ, nuôi dưỡng, chăm sóc và thả về môi trường tự nhiên hàng trăm cá thể động vật hoang dã.

Bên cạnh việc làm tốt công tác cứu hộ, bảo tồn, chăm nuôi động vật hoang dã, đơn vị còn tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phân loại, bảo quản tang vật là động vật hoang dã, giúp các cơ quan chức năng trong việc xử lý các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn buôn bán động vật hoang dã, giữ gìn đa dạng sinh học, bảo vệ cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường trong khu vực đơn vị quản lý.

Niềm vui của các cán bộ, nhân viên VQG Vũ Quang khi chứng kiến các cá thể động vật hoang dã sau khi được về với môi trường tự nhiên.

Do làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng, bảo tồn các loại động vật quý hiếm trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong cộng đồng dân cư, nên thời gian gần đây, hoạt động săn bắn, buôn bán động vật hoang dã trên địa bàn đã giảm đáng kể, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường tự nhiên, nhất là các động vật quý hiếm được nâng lên rõ rệt.

Những cán bộ ở VQG Vũ Quang vẫn luôn nỗ lực vượt khó, để “hồi sinh” những loài động vật hoang dã, giúp chúng sớm hòa nhập với “cộng đồng”Những nỗ lực của dự án quản lý rừng bền vững bảo tồn đa dạng sinh học VFBC do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Vũ Quang thời gian qua đã và đang góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều loài động vật hoang dã, làm phong phú thêm hệ sinh thái cũng như bảo tồn đa dạng sinh học trong tự nhiên ởViệt Nam. Những nỗ lực của cán bộ, nhân viên VQG Vũ Quang trong việc tiếp nhận chăm sóc, tái thả độnag vật hoang dã đã làm phong phú, dày thêm hệ sinh thái động thực vật của một trung tâm đa dạng sinh học thấp nhất của Việt Nam, xứng danh là “rừng di sản ASEAN”. Và nếu được đầu tư phát triển bài bản du lịch sinh thái, trải nghiệm sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc khai thác tối đa tiềm năng lợi thế  mà thiên nhiên đã ban tặng cho Vũ Quang nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung, sẽ từng bước đưa địa phương phát triển nhanh trong tương lai, tạo việc làm thu nhập ổn định cho người dân bản địa.

Vài năm gần đây, hàng trăm cá thể động vật nguy cấp quý hiếm được người dân và các cơ quan chức năng lựa chọn Vườn Quốc gia Vũ Quang để gửi chăm sóc, theo dõi trước khi tái thả về môi trường tự nhiên: Khỉ đuôi lợn (Macaca leonina); Khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides); Khỉ mốc (Macaca assamensis); Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys); Khỉ vàng (Macaca mulatta); Cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus); Trăn gấm (Python reticulatus); Cầy vòi mốc (Paguma larvata); Cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus), Rùa hộp trán vàng (Cuora galbinifrons)…

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận