Tiền Giang: Nhức nhối 'tín dụng đen'

Lợi dụng nhu cầu cần vốn của người dân, nhiều tổ chức, cá nhân tại tỉnh Tiền Giang đã cho vay lãi suất cao, hay còn gọi là 'tín dụng đen'.

Cho vay với lãi suất từ 30-40%/tháng

Thống kê của Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh hiện có 8 công ty với 31 đối tượng chuyên hoạt động tín dụng đen với danh nghĩa công ty tư vấn tài chính; có gần 200 đối tượng có biểu hiện cho vay nặng lãi. Năm ngoái, cơ quan công an đã xử lý hình sự 2 đối tượng cầm đầu, lập hồ sơ quản lý gần 90 đối tượng và buộc 134 đối tượng cam kết không hoạt động tín dụng đen. Ngoài ra, các ngành chức năng trong tỉnh còn kiểm tra 5 nhóm với gần 30 đối tượng có biểu hiện cho vay nặng lãi với lãi suất từ 20-30%; khởi tố hình sự 2 vụ gây thương tích có liên quan đến việc vay nặng lãi không hoàn trả lãi và vốn cho chủ nợ.

Qua tố giác của quần chúng nhân dân, ngày 22/5/2018, Phòng cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Tiền Giang và Công an huyện Chợ Gạo tiến hành kiểm tra nhà của bà Trần Thi Kim Hà, tại xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo đã phát hiện 6 đối tượng đang thuê căn nhà này ở để tổ chức cho vay với lãi suất từ 30-40%/tháng. Hay ngày 13/7/2018, công an thị xã Gò Công khám xét 2 căn nhà cho thuê nghi vấn có dấu hiệu cho vay nặng lãi tại phường 2 và phường 5. Tại đây, cơ quan công an phát hiện quả tang 7 đối tượng từ các nơi khác đến hoạt động cho vay nặng lãi. Vào ngày 23/10/2018, Công an TP.Mỹ Tho bất ngờ kiểm tra hành chính một căn nhà ở ấp 3, xã Trung An, cũng phát hiện 4 đối tượng ngụ thành phố Hải Phòng đang ở để thực hiện việc cho vay trả góp không cần thế chấp tài sản với lãi suất cao. Còn rất nhiều vụ “tín dụng đen” khác, người dân không dám tố giác mà ngậm đắng, nuốt cay để trả nợ.

Nâng cao nhận thức cho người dân

Các đối tượng cho vay thường rải, dán tờ rơi ở những nơi công cộng, các vùng nông thôn. Người dân muốn vay tiền chỉ cần giấy CMND hay bằng lái xe, sổ hộ khẩu mà không cần thế chấp tài sản. Do cần vốn để làm ăn hay tiêu xài, đã có nhiều người dân phải “vay nóng” rồi sau đó è trả nợ. Nếu người vay không có khả năng trả lãi và vốn, các đối tượng cho vay "ra tay" hành hung, đánh đập người gây thương tích… Từng chứng kiến nhiều gia đình “tan nhà nát cửa" vì vay nặng lãi, ông Phạm Văn Hà, người dân ấp Tây, xã Nhị Bình, huyện Châu Thành phản ánh: “Người dân trong ấp rất bức xúc trước tình trạng cho vay nặng lãi. Nhiều người kinh tế khó khăn, ít hiểu biết, thấy vay “tín dụng đen” dễ dàng là vay mà không nghĩ đến lãi suất cao. Muốn ngăn chặn hoạt động tín dụng đen phải nâng cao nhận thức cho bà con, phải có các đoàn thể đi tuyên truyền để người dân biết được những cái hại của “tín dụng đen””.

Qua tìm hiểu của phóng viên VOV, đa số người chấp nhận vay “tín dụng đen” là do túng quẫn không vay mượn được từ ngân hàng hay người thân. Một số thanh niên nghiện cờ bạc, các chất ma túy… cũng chấp nhận vay lãi suất cao mà không cần biết đến nguồn trả. Ông Huỳnh Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Long Bình Điền nhận định: “Tín dụng đen" đang khá phổ biến trên địa bàn huyện, xã. Có những gia đình đã“tan nhà nát cửa” vì vay “tín dụng đen”. Giải pháp đưa ra là các đoàn thể phải tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân cũng như đoàn viên, hội viên của mình muốn vay tiền thì tìm  đến các ngân hàng chính thống của Nhà nước.
Tại tỉnh Tiền Giang đã từng xảy ra một số vụ “thanh trừng nhau” giữa chủ nợ và người vay khi xảy ra mâu thuẫn. Nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần, phải bán hết tài sản để có tiền trả cho chủ nợ. Theo cơ quan công an, công tác điều tra, xử lý các băng nhóm cho vay nặng lãi rất khó khăn bởi người vay “tín dụng đen” sợ bị trả thù nên không trình báo với cơ quan chức năng, đến khi xảy ra xô xát, gây thương tích, mới khai báo; việc chứng minh hành vi cho vay nặng lãi cũng không đơn giản; một số đối tượng khi cơ quan công an phát hiện cho vay nặng lãi đã bỏ trốn đi nơi khác nên khó xử lý...

“Tín dụng đen” là hoạt động vi phạm pháp luật, kém nhân văn, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn đẩy người vay vào cảnh khốn cùng, là mầm mống dẫn đến tội phạm. Việc nhiều tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi đang hoạt động ở tỉnh Tiền Giang phải được ngăn chặn và bài xử lý để nhằm đảm bảo cuộc sống yên bình, hạnh phúc trong nhân dân./.

 

BOX: “Thời gian tới, chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về vay và cho vay, tác hại của “tín dụng đen”. UBND các cấp cần tập trung nắm tình hình cho vay, quản lý chặt dịch vụ cầm đồ ở địa phương, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm hoạt động này từ khi mới phát sinh. Lực lượng công an tiếp tục thực hiện đấu tranh chuyên đề, đẩy mạnh, vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác các loại “tín dụng đen”, các hiện tượng huy động vốn với số tiền lớn” -  Đại tá Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang

Bình luận

    Chưa có bình luận