Hà Nội và TP.HCM nghiên cứu hạn chế đăng ký xe máy ở quận nội thành

Nhằm giảm ùn tắc giao thông, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang xem xét nhiều giải pháp nhằm hạn chế xe máy.

 

Hà Nội: Hạn chế đăng ký mới xe máy

Chiều 19/3, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông tin về đề án "Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030" theo nghị quyết của HĐND thành phố.

Thành phố dự kiến hạn chế đăng ký mới xe máy tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ vào năm 2020 và mở rộng sang các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân và huyện Gia Lâm, Đông Anh năm 2025. Trong giai đoạn này, Hà Nội ban hành chính sách hỗ trợ người dân thông qua việc thu mua xe máy cũ dưới 10 năm.

Để thực hiện lộ trình cấm xe máy tại các quận vào năm 2030, ngành giao thông dự kiến thí điểm cấm xe máy vào giờ cao điểm từ thứ hai đến thứ sáu, bố trí làn ưu tiên cho xe buýt tại các tuyến Nguyễn Trãi (từ giao vành đai 3 đến đường Láng) vào năm 2019-2020 và tuyến Xuân Thủy - Cầu Giấy (sau khi tuyến đường sắt đô thị 3A đi vào hoạt động, dự kiến sau 2020). Ngoài thời gian cấm, thành phố sẽ xem xét cho xe máy hoạt động trên làn ưu tiên cho xe buýt.

Một số tuyến phố khác cũng được nghiên cứu thí điểm cấm xe máy, như: Giải Phóng (đoạn từ giao vành đai 3 đến Đại Cồ Việt), đường Nguyễn Văn Cừ (từ cầu vượt Long Biên đến cầu Chương Dương), đường Lê Văn Lương (giao vành đai 3 đến đường Láng) và tuyến Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) thông tin, đề án hạn chế xe máy đưa ra hai hình thức phân vùng: Hạn chế hoạt động theo tuyến đường; hạn chế hoạt động theo khu vực. Việc tổ chức hạn chế có thể theo ngày và theo tuần.

"Thực hiện đề án là cần thiết, nhưng phức tạp và nhạy cảm, động chạm đến tâm tư, tình cảm và cuộc sống của rất nhiều người dân trong và ngoài thành phố", ông Hải nói.

Trả lời câu hỏi vì sao Hà Nội chỉ cấm xe máy mà không cấm tất cả phương tiện giao thông cá nhân, ông Viện cho hay, từ năm 2013, thành phố đã phân vùng, hạn chế sự hoạt động của ôtô tại nhiều khu vực. Gần đây, thành phố tiếp tục hạn chế sự phát triển của taxi, đặc biệt là taxi công nghệ.

"Xe máy chỉ là một trong những phương tiện bị hạn chế. Đề án nêu toàn diện, tất cả loại phương tiện giao thông đường bộ đều bị hạn chế, quản lý với những chính sách riêng. Sở đưa ra không phải để gây khó cho người dân mà để cùng bàn bạc, có lộ trình thực hiện", ông Viện khẳng định.

Sở Giao thông Vận tải đang nghiên cứu những khu vực, tuyến phố hạn chế hoạt động của xe máy và danh sách này sẽ được lấy ý kiến nhân dân, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nguyên tắc của đề án là dù hạn chế ở khu vực nào thì nơi đó phải bảo đảm đáp ứng được nhu cầu vận chuyển công cộng cho người dân.

Cảnh ùn tắc tại đường Nguyễn Trãi (Hà Nội).

TP. Hồ Chí Minh: Đề xuất cấm xe máy vào năm 2030

TP.HCM vừa đưa ra đề án "Tăng cường vận tải giao thông công cộng", trong đó có việc cấm xe máy vào trung tâm. Việc hạn chế xe máy, tiến tới cấm hẳn vào năm 2030, được thực hiện theo lộ trình cụ thể để tạo sự đồng thuận trong dân.

Lộ trình đề án cấm xe máy được chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1, từ nay tới năm 2020, hạn chế xe máy trong giờ cao điểm trên một số tuyến đường trung tâm. Giai đoạn 2, từ 2021-2025, hạn chế xe máy đi vào quận 1. Giai đoạn 3, từ 2026 - 2030, hạn chế tiến tới cấm xe máy đi vào các quận 1, 3, 5 và 10.

Từ nay đến 2020, hạn chế đậu xe máy trong khu vực trung tâm, mở rộng dần không gian đi bộ. Đồng thời, phát triển mạnh phương tiện công cộng, nhân rộng mô hình xe buýt chất lượng cao và khuyến khích người dân sử dụng.

Việc cấm xe máy sẽ thực hiện theo một lộ trình rõ ràng, khoa học và phù hợp với thực tế thì sẽ tạo được đồng thuận trong dân. Việc cấm xe máy thực hiện theo một lộ trình rõ ràng, khoa học và phù hợp với thực tế sẽ tạo được đồng thuận trong dân.

Thực hiện như thế nào để tạo sự đồng thuận?

Theo lộ trình, trong thời gian xe máy bị hạn chế, vận tải bằng xe buýt giữ vai trò chủ đạo, cho đến khi hệ thống metro, monorail được hình thành theo quy hoạch đến năm 2030.

Trước đây, cơ quan chức năng đã từng xây dựng lộ trình cấm xe máy, nhưng phải dừng lại do gặp nhiều phản ứng từ dư luận. Nguyên nhân là hạ tầng giao thông còn bất cập, hệ thống vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu, nếu cấm xe máy thì người dân không biết dùng phương tiện nào thay thế.

Nếu giải được bài toán có những phương tiện khác thay thế đề án hạn chế, tiến tới cấm xe máy sẽ tạo được đồng thuận của người dân. Thành phố có một hệ thống giao thông công cộng tiện lợi thì không ai dại gì đi xe gắn máy vì nắng mưa và nguy hiểm.

Tại các thành phố lớn trên thế giới, hệ thống tàu điện ngầm hiện đại luôn là sự lựa chọn hàng đầu của người dân khi tham gia giao thông.

Nhiều chuyên gia giao thông phân tích, tại các thành phố lớn trên thế giới, việc cấm xe máy được thực hiện bài bản nhờ phương tiện công cộng kết nối thuận lợi. Đồng thời, các thành phố này được đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, hệ thống tàu điện ngầm phát triển, hệ thống xe buýt tiện nghi và kết nối đồng bộ nên được người dân hưởng ứng. Lộ trình cấm xe máy tại Hà Nội và TP.HCM muốn được sự đồng thuận trong dân cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới.

TP.HCM và TP. Hà Nội cần tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông tiện nghi, mang lại cho người dân hệ thống giao thông công cộng hiện đại và rẻ hơn xe máy. Khi đó, người dân sẽ chủ động gác xe máy sang một bên để tham gia các phương tiện công cộng này.

Lê Thu tổng hợp

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận