Cần truy đến cùng trách nhiệm của những người liên quan

Liên quan đến việc hơn 200 trẻ Bắc Ninh dương tính với sán lợn, nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.

 

Hơn 200 trẻ Bắc Ninh dương tính với sán lợn

Số trẻ ở Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn có thể còn tăng cao bởi nhiều trường hợp xét nghiệm vẫn đang chờ kết quả.

Tính đến 21h ngày 17/3, kết quả xét nghiệm số trẻ từ Bắc Ninh đến khám tại hai Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương đã có 209 trẻ dương tính với sán lợn.

BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, do phát hiện nhiều trường hợp dương tính chéo với nhiều loại kí sinh trùng khác nên ngoài sán lợn, trẻ được xét nghiệm thêm sán chó, sán lá gan.

Cuối ngày 18/3, trên 300 mẫu xét nghiệm sẽ tiếp tục cho kết quả.

Sáng ngày 18, học sinh 19 trường mầm non huyện Thuận Thành đã được Sở Y tế lấy mẫu tại chỗ và gửi đến bệnh viện ở Hà Nội xét nghiệm.

Như vậy, tính đến hiện tại có 2.000 trẻ, từ 1 - 10 tuổi tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đưa con đi xét nghiệm tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và viện Sốt rét - Ký sinh trùng và côn trùng Trung ương.

Trước đó, ngày 14/2 và ngày 20/2, khi chế biến thịt lợn tại bếp ăn bán trú tại Trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh), các cô nuôi phát hiện trong thịt lợn có hiện tượng những hạch, tật màu trắng dấu hiệu giống như bệnh sán gạo.

Ngày 5/3/2019, phụ huynh vào bếp ăn của trường để kiểm tra thực phẩm và cho rằng, thực phẩm là gà đông lạnh nát, bở, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lo lắng cho con sáng 15/3, khoảng 400 cháu bé của trường mầm non Thanh Khương - Bắc Ninh đã được bố mẹ đưa đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để xét nghiệm.

Từ việc nhiều trẻ ở Thuận Thành (Bắc Ninh) dương tính với sán dây lợn, chiều 15/3, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có cuộc họp khẩn chủ trì cuộc họp liên quan đến nghi vấn cung cấp thịt "bẩn", nhiễm sán vào bếp ăn tại Trường Mầm non xã Thanh Khương.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu Sở Y tế căn cứ vào các xét nghiệm, báo cáo chính thức đến các cơ quan chức năng liên quan; hướng dẫn, tuyên truyền cho nhân dân về việc phòng chống sán lợn; tổ chức xét nghiệm với các học sinh tại trường mầm non Thanh Khương.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị Công an tỉnh khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn cho trường học. Làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc cung cấp, phát tán thông tin không đúng sự thật gây hoang mang dư luận.

Nhận xét về sự việc này, Đại biểu Quốc hội - nhà giáo, PGS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, đó chính là tội ác và cần phải truy đến cùng trách nhiệm của những người liên quan.

Sán lợn có nguy hiểm?

Theo các chuyên gia y tế, nhiễm sán lợn có 2 loại, gồm: ấu trùng sán lợn và sán trưởng thành. Với thể bệnh ấu trùng sán lợn, người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn, sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại một số cơ quan trong cơ thể.

Nếu nhiễm ấu trùng sán lợn, bệnh nhân có thể bị co giật, động kinh. Các bác sĩ cho rằng, trẻ nhỏ bị ấu trùng sán lợn tấn công lên não sẽ gây ảnh hưởng đến việc học tập như giảm chú ý, mất tập trung, co giật. Nếu trẻ mắc bệnh sán dây trưởng thành, trẻ sẽ có biểu hiện đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ, cảm giác khó chịu, bứt rứt.

Bộ Y tế cho biết, hiện có ít nhất 55 tỉnh, thành có trường hợp bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn. Đối với trẻ nhỏ, việc trẻ nghịch, chơi ở môi trường không đảm bảo vệ sinh cũng là nguy cơ cao gây nhiễm giun sán ở trẻ. Theo các bác sĩ, Việt Nam là đất nước nhiệt đới, việc nhiễm ký sinh trùng giun sán là không tránh khỏi. Bệnh sán lợn khá phổ biến ở các tỉnh đồng bằng bắc bộ và một số tỉnh trung du.

Các bác sĩ cũng cho rằng, sán lợn không phải là bệnh cấp tính và hoàn toàn có thể điều trị khỏi được. GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, phụ huynh không nên quá lo lắng khi các cháu có kết quả dương tính với nhiễm sán lợn. Theo GS Kính, việc điều trị sán lợn cũng rất đơn giản theo phác đồ của Bộ Y tế.

Ngày 17/3, vẫn có hàng trăm trẻ đến xét nghiệm sán lợn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW và Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng TW.

“Sán lợn có thể lây do nhiễm các ký sinh trùng trong đất, trong nước (ăn các rau thủy sinh không rửa sạch, không nấu chín) hoặc lây từ các thực phẩm không được nấu chín. Dù vậy, đây không phải là bệnh cấp tính do đó các phụ huynh hết sức bình tĩnh. Khi nghi ngờ con có giun sán nên đưa đến các bệnh viện khám.”- GS Kính cho biết.

Theo phác đồ điều trị hiện nay, để tiêu diệt sán trưởng thành chỉ mất 1 ngày, tiêu diệt hết trứng sán mất 2 tuần. Do đó các trường hợp dương tính sẽ được bác sĩ tư vấn, quay lại để nhận thuốc điều trị. Nếu uống đủ trong 15 ngày sẽ sạch sán.

Bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn. Việc điều trị bệnh ấu trùng sán lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi.

Lê Thu tổng hợp

 

Bình luận

    Chưa có bình luận