Sáng 12/3, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc cho biết đã công bố tạm dừng Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn) soạn thảo.
Cuộc tranh luận “nảy lửa” đã diễn ra sau khi Bộ NN&PTNT công bố bản Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, trong đó đã đánh đồng giữa nước mắm truyền thống và nước chấm công nghiệp. Tại buổi giao ban báo chí Trung ương, Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, đã tạm dừng công bố dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm vừa nêu để tiếp tục xin ý kiến các tổ chức, hiệp hội... bằng văn bản hoặc đối thoại, hội thảo... Việc xin ý kiến tiếp nhằm đảm bảo sức khoẻ, quyền lợi của người tiêu dùng và không để ảnh hưởng đến các tổ chức sản xuất kinh doanh nước mắm.
Ông lý giải, một bộ tiêu chuẩn quốc gia, quy phạm thực hành sản phẩm trong một lĩnh vực nào đó sẽ liên quan đến vài bộ, ngành. Song khi đưa vào cuộc sống đều phải đảm bảo ba nguyên tắc.
Thứ nhất, phải phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam ở từng giai đoạn. Ví dụ, có giai đoạn thì chất lượng đối với sản phẩm xăng dầu không được quan tâm nhưng hiện nay lại được quản lý rất chặt chẽ. Thứ hai, mỗi bộ tiêu chuẩn phải đảm bảo sự đồng thuận của các thành phần liên quan trong xã hội. Đây là nguyên tắc không phải ngoại lệ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Thứ ba, theo ông là phải đảm bảo sự hài hoà lợi ích của các bên liên quan.
Tuy nhiên, theo ông Tạc, cơ quan này cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều khi dự thảo tiêu chuẩn với nước mắm được công bố. "Việc xây dựng một tiêu chuẩn với mỗi sản phẩm rất khó khăn. Khi nhận được những ý kiến phản ánh trái chiều cần lại xem lại bởi các “điều kiện cần” như trên không đảm bảo", Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng, “khi không đảm bảo các tiêu chuẩn đó thì phải dừng để xin ý kiến, đối thoại với các bên để làm rõ hơn cũng như để nhận sự đồng thuận”.
Ủng hộ quyết định này của Bộ KH&CN, ông Nguyễn Văn Giáo, chủ doanh nghiệp nước mắm Phú Hưng tại Phú Quốc, Kiên Giang cho biết: “Không thể giống nhau được. Nước mắm truyền thống sản xuất bằng cách kéo rút nước khi ủ cá với muối trong thời gian ít nhất là 10 tháng. Nước mắm thu được là nguyên chất, không có pha loãng, không pha nhạt muối. Trong khi đó, các nhà sản xuất nước mắm công nghiệp thường mua lại nước mắm truyền thống rồi chế biến lại, pha loãng cho nhạt muối, sau đó bổ sung thêm nhiều loại gia vị, phụ gia, hóa chất…”.
Tiến sĩ Trần Thị Dung, nguyên cán bộ Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN&PTNT) thì cho rằng, cần phân biệt nước mắm với nước chấm công nghiệp rồi hãy làm tiêu chuẩn, quy trình: “Quy trình, điều kiện để tạo ra nước mắm truyền thống và nước chấm công nghiệp là rất khác biệt. Bản chất của 2 loại này khác nhau nên tốt nhất là phải xây dựng 2 tiêu chuẩn riêng biệt cho 2 dòng sản phẩm này để không gây thiệt thòi cho nước mắm truyền thống. Khi làm được 2 tiêu chuẩn khác nhau với định nghĩa đúng bản chất của sản phẩm thì sẽ tạo công bằng trong cạnh tranh trên thị trường và người tiêu dùng được minh bạch về thông tin để lựa chọn sản phẩm. Nước mắm truyền thống không đơn giản là nước chấm đã gắn liền với văn hóa của người Việt Nam nên cần phải bảo vệ… Nếu không bảo vệ thì mai mốt chúng ta chỉ được sử dụng những thứ hương liệu nước mắm và mất đi một đặc sản của Việt Nam”.
Đại diện Bộ NN&PTNT cũng cho biết sẽ cùng Bộ KH&CN hoàn thiện dự thảo quy chuẩn này thông qua việc nhiều lần tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các bên để khi công bố đảm bảo được ba tiêu chí này.
Trước đó, sau khi dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia "Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm" được công bố, nhiều ý kiến cho rằng có hơn 50 nội dung quy định không phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm. Một số tổ chức, hiệp hội đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
PV tổng hợp