Người vui kẻ buồn
Tốt nghiệp trường Đại học Ngoại thương, chị Phương Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) xin vào làm việc tại một tổ chức quốc tế có trụ sở ở Việt Nam. Công việc của chị phải đi công tác nhiều, có khi kéo dài cả tháng nên từ khi lập gia đình và có con, chồng chị phải giảm bớt công việc để có thời gian lo cho con cái. “Thu nhập của chồng chỉ bằng 1/5 của tôi nhưng tôi luôn tôn trọng chồng. Khi mua bán những đồ vật có giá trị trong nhà, tôi để chồng quyết định. Tôi luôn biết ơn anh bởi anh đã vì gia đình mà chịu lui về làm hậu phương để tôi yên tâm công tác, chứ không phải do anh là người bất tài vô dụng. Có những hôm tôi đi làm về muộn, anh cho con ăn trước để chúng còn học bài, còn anh nhịn đói đợi tôi. Nhìn mâm cơm anh chuẩn bị cho gia đình mà tôi cảm động ứa nước mắt. Vì anh chu đáo như vậy nên mỗi lần đi công tác dài ngày, tôi thấy rất yên tâm. Tôi biết ơn ông trời đã cho tôi một người chồng tốt” - chị Lan chia sẻ.
Cũng là “trụ cột” trong gia đình nhưng chị Hoài Thu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại không cảm thấy hạnh phúc. Chồng chị vốn làm việc trong một doanh nghiệp (DN) nhà nước nhưng từ khi cơ quan cổ phần hóa, chồng chị thuộc diện lao động dôi dư nên mất việc làm. Hơn 10 năm làm trong DN Nhà nước, chồng chị quen thói an nhàn nên giờ xin việc gì anh cũng kêu vất vả, làm được thời ngắn lại xin nghỉ. Vì thế, chi tiêu trong gia đình chủ yếu do chị lo. Chị Thu buồn phiền cho biết: “Từ khi chồng nghỉ việc, tôi biết chồng tự ti nên cũng chẳng đòi hỏi anh đóng góp gì cho chi tiêu trong gia đình. Tuy nhiên, dù ở nhà rảnh rỗi nhưng việc nhà chồng chẳng giúp, đưa đón con cũng một tay tôi lo. Tôi thấy mệt mỏi vì vừa phải bươn chải kiếm tiền mà chồng lại hay chì chiết. Đi làm về muộn chồng cằn nhằn. Nhờ vả việc gì là chồng bảo tôi cậy kiếm ra tiền rồi sai bảo chồng. Tôi vẫn phải gắng gượng, nhưng nếu chồng không chịu thay đổi thì không biết cái gia đình này có thể kéo dài đến bao giờ”.
Bí quyết giữ lửa hạnh phúc
Chị Hà Nhi, Giám đốc Công ty TNHH Tân Sơn (Hà Nội), chia sẻ: Chị là “trụ cột” về kinh tế, nhưng chồng chị là “trụ cột” về tinh thần. Dù kiếm tiền tốt hơn chồng, nhưng chị không quên thiên chức người mẹ, người vợ. Mỗi khi có thể sắp xếp được công việc là chị vào bếp cùng chồng hay tranh thủ đưa đón con. Chị luôn đề cao vai trò “ông chủ” trong gia đình của chồng, không tự quyết định việc gì mà chưa hỏi ý kiến chồng. Chị không bao giờ nghĩ chồng thua kém chị, chỉ bởi công việc của chị thuận lợi hơn thôi, chứ chồng chị có nhiều mặt mà chị phải học tập. Dù trong công ty, chị được đánh giá là người năng động, quyết đoán, mạnh mẽ nhưng không bao giờ chị thể hiện sự mạnh mẽ ấy trong gia đình. Theo chị Nhi, xã hội ngày càng phát triển, người phụ nữ được cởi trói khỏi công việc bếp núc, họ đảm nhận những công việc ngoài xã hội chẳng kém cánh đàn ông, nhưng họ chỉ có thể phát huy tối đa năng lực khi có sự giúp sức từ người chồng. Vì thế, đừng coi trọng vợ hay chồng là “trụ cột” gia đình, mà quan trọng nhất là sự sẻ chia.
Theo nhà văn Di Li, chẳng người phụ nữ nào thích làm “trụ cột” gia đình, nhưng khi họ buộc phải làm thì các ông chồng đừng nên để cho dư luận dèm pha làm ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình. Nếu người vợ dù làm ra tiền vẫn tôn trọng chồng và mong mỏi chồng cai quản việc nhà thì hãy vui vẻ và tự hào mình có được người vợ giỏi giang. Đừng quan tâm đến lời dèm pha của dư luận rằng như thế là ăn bám vợ, hãy đủ bản lĩnh để vượt qua dư luận, xác định rõ vợ con, gia đình mình quan trọng hay những lời dèm pha ngoài xã hội. “Nếu người đàn ông không đủ bản lĩnh vượt qua dư luận xã hội thì dù anh ta kiếm được tiền, anh ta cũng không thể là “trụ cột” của gia đình” - nhà văn Di Li nhấn mạnh.
Theo một cuộc khảo sát ở Mỹ, hơn ¾ cánh mày râu không đề cao việc “sống chết” phải kiếm nhiều tiền hơn vợ. Đối với họ, một gia đình hạnh phúc là một gia đình vợ chồng hòa thuận, con cái ngoan ngoãn, hiếu thảo. ¾ người trong số đó cảm thấy hãnh diện nếu may mắn “sở hữu” một người vợ giỏi giang thay vì tự ti, ghen tị.
|
Thực tế, có những ông chồng đã không giỏi kiếm tiền lại không muốn vợ đi sớm về tối. Nhà văn Di Li cho rằng, những người đàn ông như thế là kém cỏi, không quản lý được bản thân khi cái này không làm được cái kia lại không muốn. Di Li kêu gọi các ông chồng hãy luôn làm chỗ dựa cho vợ, không nhất thiết phải là chỗ dựa về kinh tế, mà là chỗ dựa về tinh thần cũng tốt rồi. Còn người vợ dù là “trụ cột” trong gia đình cũng nên có sự tinh tế trong ứng xử. Hãy học cách yêu chồng, ngày nào cũng nhìn ra điểm tốt của chồng và đừng tiếc lời khen ngợi. Nếu tình cảm, sự chia sẻ của cả hai xuất phát từ sự chân thành thì dù chồng hay vợ là “trụ cột”, gia đình vẫn ấm êm, hạnh phúc./.