Đề án cấm xe máy vào nội đô TP.HCM: Nhiều ý kiến quan ngại!

Các chuyên gia và nhà khoa học cho rằng, cần phải nghiên cứu về tính khả thi, tính pháp lý, nghiên cứu xã hội học trước khi Đề án được thông qua.

Nhiều thiệt hại vì kẹt xe

Tình hình ùn tắc giao thông tại TP.HCM đang diễn biến ngày càng phức tạp, ô nhiễm môi trường rất đáng lo ngại. Theo số liệu thống kê, các vấn đề về giao thông khiến TP thiệt hại 1,2 triệu giờ công lao động/năm, 1,3 tỷ USD/năm và gây ô nhiễm môi trường thiệt hại 2,3 tỷ USD/năm. Vì thế, cần thiết phải thực hiện đề án để giảm ùn tắc giao thông, giảm thời gian đi lại, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, xây dựng hình ảnh thành phố văn minh, hiện đại.
Từ những dự báo về nhu cầu vận chuyển, nhóm nghiên cứu Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP. HCM đến năm 2030 đã đưa ra 3 kịch bản phát triển là: Phát triển theo xu thế, phát triển có kiểm soát và phát triển theo quy hoạch giao thông vận tải. Sau khi xem xét, kịch bản phát triển có kiểm soát đã được lựa chọn để hướng tới mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và đảm bảo tính khả thi… Mục tiêu là đến năm 2020, vận tải công cộng thành phố đảm nhận 15 - 20%, nâng lên khoảng 20 - 26% vào năm 2025 và đạt từ 29 - 37% vào năm 2030. Khi thị phần đảm nhận của giao thông công cộng tăng cao, thành phố sẽ tiến hành hạn chế và tiến tới ngưng hoạt động xe máy ở một số khu vực trung tâm ở quận 1, 3, 5, 10…

Phản biện về đề án, đa phần các ý kiến xoay quanh câu chuyện cấm xe máy vào giai đoạn 2025 - 2030. PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn T.HCM đề nghị phải cập nhật số liệu nghiên cứu xã hội học mới nhất. Bởi bất cứ dự thảo nào cũng phải lấy ý kiến về nhu cầu người dân, chứ không chỉ là ý chủ quan của cơ quan chức năng. Đặc biệt, cần làm sao để thay đổi nhận thức và phải có sự liên kết của nhiều ngành, chứ một mình ngành giao thông là không thể.

Lo ngại tính pháp lý của đề án

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM nghi ngại về tính khả thi, tính pháp lý của việc “cấm xe máy vào nội đô”. Luật sư Hậu cho rằng, thành phố hiện có hơn 8 triệu xe máy. Với hiện trạng giao thông như hiện nay chắc chắn đến 2025, giao thông công cộng không thể đáp ứng được nhu cầu di chuyển của người dân, trong khi kết cấu đô thị của TP với số lượng ngõ hẻm chằng chịt, các khu vực có dân sinh sống lâu đời chỉ có xe máy mới hoạt động được. Vì vậy, việc cấm xe máy sẽ gây ra phiền toái cho người dân sống ở đó và đặt ra nhu cầu bãi giữ xe ở những khu vực vành đai... Còn về mặt pháp lý, ông Hậu đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng bởi quyền tự do đi lại của công dân đã được Hiến pháp nêu rõ. “Thay vì cấm người dân sử dụng xe máy, chính quyền phải có các biện pháp khác để người dân tự nguyện bỏ xe máy khi nhận thấy xe máy là không phù hợp, là kém lợi thế. Có như vậy vấn đề mới được giải quyết triệt để”- ông Hậu nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng, đề án còn nhiều bất cập. TP cần phải tạo ra 1- 2 trung tâm nữa để kéo giãn dân ra chứ không thể cứ dồn mãi về khu vực 930ha ở trung tâm. Trong bối cảnh mỗi năm thành phố đón nhận thêm hơn 200.000 người di dân tự do, mang theo một số lượng xe máy lớn thì phải giải bài toán quy hoạch không gian, kéo dân số ra chứ không chỉ đơn thuần là về giao thông. Người dân đều biết rõ những tác hại, nguy hiểm với bản thân cũng như môi trường khi đi xe máy, nhưng rõ ràng họ không có lựa chọn khác.

Việc thực hiện Đề án phải có lộ trình và không làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, đảm bảo khi thực hiện, người dân đi lại tốt hơn và tác động đến kinh tế - xã hội tích cực hơn. Chúng tôi sẽ hoàn chỉnh và xây dựng lại đề án tổ chức lại hội nghị phản biện để nhận thêm ý kiến trước khi được các cấp có thẩm quyền thông qua và tổ chức thực hiện” - ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GT-VT TP.HCM.

TS. Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright cho rằng, nếu sử dụng thông điệp cấm xe máy kiểu gì cũng thất bại và thành phố sẽ nhanh chóng biến thành bãi xe khổng lồ, giao thông sẽ chuyển biến tệ hơn. Theo ông Du, thành phố cần phải tránh đi vào vết xe đổ của các đô thị trước đó và cả bài học về việc không phát triển hệ thống giao thông công cộng và có chính sách mạnh tay với xe máy từ những thập kỷ trước. Muốn giải quyết bài toán này phải dùng đồng thời giải pháp “kéo và đẩy”. Kéo tức là lôi kéo người dân vào sử dụng phương tiện công cộng bằng phát triển loại hình này, còn đẩy là đẩy người dân ra khỏi phương tiện cá nhân bằng cách tiếp cận kinh tế.

Tiếp nhận các ý kiến của các chuyên gia, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GT-VT TP.HCM cho biết, tất cả vấn đề đều phải dựa trên cơ sở pháp luật, có tính khả thi, đảm bảo khoa học và tạo sự đồng thuận của người dân, phù hợp với thực tiễn của TP.HCM. Ngoài ra, đề án phải đảm bảo vấn đề nguồn lực, hệ thống metro phát triển theo quy hoạch, mạng lưới xe buýt phủ khắp, có phương thức thay thế như xe đạp điện…

Định hướng về việc xây dựng một TP.HCM văn minh, hiện đại, hạn chế kẹt xe, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông là đúng. Nhưng các ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học phải được xem xét. Đề án cần được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng hơn và có lộ trình thực hiện phù hợp để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân./.

Bình luận

    Chưa có bình luận