Lưu ý khi nhập cảnh vào một số nước khi dịch tả heo xuất hiện tại Việt Nam

Khi đến một số nước, nhất là trong thời điểm dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại Việt Nam, người dân cần tìm hiểu thông tin để tránh bị phạt

 

Cấm nhập cảnh thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn

Ngay sau khi dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại Việt Nam, nhiều quốc gia ngày càng siết chặt hơn với hành khách khi nhập cảnh.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, từ ngày 20/2, tất cả du khách xuất cảnh từ Việt Nam khi nhập cảnh Đài Loan (Trung Quốc), nếu bị phát hiện mang theo các chế phẩm từ thịt lợn sẽ bị phạt hành chính lần đầu là 200.000 đài tệ (tương đương 6.500 USD). Hành khách vi phạm lần hai sẽ bị nâng mức phạt lên một triệu đài tệ (tương đương 33.000 USD). Nếu không nộp đủ tiền phạt sẽ bị cơ quan di trú Đài Loan từ chối cho phép nhập cảnh.

Người dân cần tìm hiểu thông tin trước khi nhập cảnh vào nước nào đó. Ảnh vnexpress.net.

Khi vào Đài Loan, khách bị phát hiện mang theo các chế phẩm thịt heo từ Việt Nam sẽ bị phạt nặng.

Quy định trên được đưa ra khi tình hình dịch tả lợn châu Phi bị phát hiện ở Việt Nam. Hiện, Việt Nam là nước thứ 3 ở châu Á, sau Trung Quốc và Mông Cổ phát hiện có dịch.

Trước đó, ngày 27/2, tại sân bay quốc tế ở Đài Loan, một nữ du khách Việt bị từ chối nhập cảnh khi bị phát hiện định mang theo chế phẩm từ thịt lợn. Khách này bị phạt tới 200.000 Đài tệ (150 triệu đồng).

Không chỉ Đài Loan, nhiều quốc gia khác cũng siết chặt quy định về thực phẩm của hành khách Việt khi nhập cảnh qua quốc gia của họ. Mới đây, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) liên tục phát tờ rơi, phát thanh, trình chiếu video khuyến cáo hành khách lưu ý quy định của Nhật Bản, Australia.

Theo đó, hành khách khi nhập cảnh vào Nhật Bản mang thực phẩm tươi sống, thực phẩm qua chế biến, rau củ quả phải tuân thủ các thủ tục về kiểm dịch. Nếu không có giấy chứng nhận sẽ chịu phạt tối đa 3 năm tù hoặc phạt tiền tới một triệu yên Nhật (tương đương khoảng 200 triệu đồng).

Trong khi đó tại Australia, hành khách phải khai báo hàng hóa có nguy cơ rủi ro bao gồm: các thực phẩm, nguyên liệu thực vật và các sản phẩm từ động vật dù là một lượng nhỏ đồ ăn nhẹ hay các nguyên liệu để nấu ăn. Nếu không kê khai hoặc kê khai sai, khách sẽ có thể bị bắt giam và chịu hình phạt dân sự lên tới 420.000 AUD (tương đương khoảng 7 tỷ đồng).

Một số quốc gia như Dubai, Anh, Mỹ cũng cấm mang hành khách mang theo dưới mọi hình thức.

Theo các công ty du lịch, khi vào Mỹ, hành khách phải khai báo tất cả những thực phẩm mang theo vào tờ khai được cấp trên máy bay, trước khi đáp xuống Mỹ ("Customs Declaration" - Tờ khai hải quan). Nếu hành khách không khai báo đủ thông tin về thực phẩm mang theo, khi bị phát hiện sẽ bị tịch thu và phạt từ 300 USD trở lên, có thể từ chối cấp visa cho lần xin tiếp theo hoặc nghiêm trọng hơn là bị tạm giữ để điều tra.

Tất cả loại thịt từ động vật trên bờ như lợn, bò, gà... cùng thành phẩm được chế biến từ thịt như ruốc, bò khô, xúc xích, giò lụa, thịt hộp... đều nằm trong danh sách cấm.

Những tư vấn từ du học sinh

Bạn Hà Việt, đại diện Hội Du học sinh Việt Nam tại bang Victoria, Australia, cho biết, những hàng hóa không được mang vào nước này gồm có: thú vật sống; các sản phẩm làm từ trứng và sữa (nếu đi cùng em bé có thể mang theo sữa bột em bé); tất cả các loại thịt tươi, khô đông lạnh hay hun khói; thịt gà vụn, thịt bò khô, thịt chà bông đóng gói không có tính cách thương mại; bánh trung thu có thịt heo hay các loại thịt khác; xúc xích thịt heo; tất cả loại thức ăn cho súc vật kể cả những đồ nhai sống hay đồ hộp; tất cả các loại rau và trái cây; lá chuối; khoanh chuối chiên; các loại hạt giống; vật liệu thảo mộc; thảo dược và thuốc cổ truyền…

Trong khi đó, Lê Vũ Thục Anh, 18 tuổi, du học sinh Trường ĐH Paris Sud (Paris XI), Pháp, cũng nhắn với các bạn trẻ Việt, tuyệt đối không được mang bất kỳ thực phẩm tươi sống nào trong hành lý của mình khi qua Pháp.

Trần Khánh Lâm, 21 tuổi, đang học năm thứ 3 tại Trường ĐH Nhân văn Nga, cho biết: “Mọi người có thể mang đồ tươi vào nước Nga nhưng không được quá 1kg và phải có tem mác đảm bảo an toàn vệ sinh. Nếu không chấp hành điều này, khi đi qua cửa ra sân bay, hải quan Nga sẽ giữ lại, khám đồ. Nếu bay từ chiều Việt Nam sang Nga, bạn sẽ không được để sạc pin dự phòng trong vali ký gửi, nhưng nếu bay từ Nga về Việt Nam thì việc này không sao vì Nga không cấm việc này”.

Mỹ và Canada là hai đất nước nổi tiếng khắt khe trong việc kiểm tra hải quan. Đỗ Thị Mỹ Oanh, 21 tuổi, đang học năm thứ tư tại Trường ĐH Stony Brook, New York (Mỹ), chia sẻ: “Nếu bạn mang cá, thịt, kể cả đồ khô từ cá, thịt sẽ không được nhập cảnh”.

Lê Phương Anh, 22 tuổi, đã sống và làm việc tại Canada được 5 năm, chia sẻ: “Khi nhập cảnh Canada cần chú ý khai báo tránh trường hợp ấp úng gây nghi ngờ từ nhân viên hải quan. Khi được hỏi các câu hỏi liên quan tới bản thân hãy trả lời rõ ràng rành mạch, đúng trọng tâm và không lan man. Canada cấm mang theo chất cấm, thực phẩm từ thịt hoặc hải sản được nấu chín”.

Bạn Hoàng Thảo Ly, du học sinh đã tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học ứng dụng JAMK, Phần Lan, hiện sinh sống và làm việc tại đây, chia sẻ: “Phần Lan cấm nhập cảnh dối với thịt các loại, sữa và các sản phẩm từ sữa. Các nước châu Âu đa phần đều rất khắt khe trong vấn đề này, nhằm ngăn chặn những dịch bệnh lây lan”./.

Lê Thư (tổng hợp)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận