Ngăn chặn xu hướng bài vắc-xin

Chỉ một số trường hợp có phản ứng sau tiêm mà không ít người dân có tâm lý bài trừ vắc-xin.

 

Thông thường, trong và sau Tết Nguyên đán, các dịch bệnh đều giảm dần. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 đến nay, tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung dịch sởi lại gia tăng, diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đến nay đã có 43/63 tỉnh, thành phố ghi nhận các trường hợp mắc sởi. Trong vòng 2 tháng đầu năm 2019, toàn quốc ghi nhận gần 500 trường hợp dương tính với virus sởi trong tổng số hơn 5.246 trường hợp sốt phát ban nghi sởi.

Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay ghi nhận khoảng 190 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm trước có chưa đầy 20 ca. Đáng báo động, có tới hơn 90% số trường hợp mắc sởi do chưa tiêm ngừa vắc-xin sởi đầy đủ.

Một trong những nguyên nhân các bậc phụ huynh không đưa con em đi tiêm vắc-xin là bởi có một bộ phận còn chưa tin tưởng vào vắc-xin, thậm chí có tư tưởng bài trừ vắc-xin.

Trên một số diễn đàn dành cho cha mẹ, cũng như mạng xã hội, liên tục có những lời chia sẻ về việc tiêm phòng vắc-xin khiến nhiều người hoang mang, lo lắng.

Điển hình như một người dùng facebook đưa ra bình luận: “Mấy đứa trẻ được tiêm vắc-xin chính là mối nguy hiểm với những đứa trẻ còn lại, là nguồn virus lây lan khắp nơi”. Hay còn có một bà mẹ tự tin tuyên bố rằng: “Trước khi có vắc-xin làm gì có tự kỷ”. Một số khác thì nói chắc nịch, “đã google rất kỹ và đảm bảo với mọi người là trong vắc-xin toàn ký sinh trùng!”. Đáng sợ hơn, còn có những luồng tư tưởng tin vào thuyết âm mưu, cho rằng vắc-xin chỉ là một thứ vũ khí để cân bằng dân số thế giới.

Chia sẻ về vấn đề này, một số phụ huynh bày tỏ quan điểm, đó chỉ là những hiểu nhầm đáng tiếc, khi người dân đọc phải thông tin độc hại, không chính thống:

 “Là một người cha, tôi rất quan tâm đến vấn đề tiêm vắc-xin định kỳ cho con. Tuy có một số ít trường hợp trẻ sau khi tiêm bị sốc phản vệ, tuy nhiên chúng ta không thể phủ nhận lợi ích từ việc tiêm vắc-xin giúp cho trẻ phòng chống được rất nhiều bệnh nguy hiểm”.

“Tôi có 2 đứa con rồi, từ ngày sinh các cháu bắt đầu từ hai tháng trở đi đã cho các cháu tiêm đầy đủ các loại vắc-xin. Đối với cả dịch vụ, cả vắc-xin tiêm chủng mở rộng rất hiệu quả, các cháu phòng được bệnh, đặc biệt là bệnh viêm vọng, ho, uốn ván, những bệnh do phế cầu khuẩn gây ra…”

Trong khi đó, GS. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khẳng định: Ghi nhận trên thế giới chưa thấy ai nói rằng, tiêm vắc xin sởi là bị tự kỷ, vì vậy các bậc phụ huynh có thể yên tâm đưa con đi tiêm vắc-xin để phòng bệnh. “Vắc-xin thì không dẫn đến bệnh tự kỷ. Cơ chế của bệnh tự kỷ là khác. Nó do bản chất của gen, do di truyền, do nhân tố khác như môi trường chứ không phải do vắc-xin”.

Người dân không nên tẩy chay vắc-xin. Ảnh báo Lao động.

Theo Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện nay có một số trường hợp là phụ nữ, đặc biệt phụ nữ mang thai cũng mắc bệnh sởi. Với những ca mắc sởi như vậy, nguy cơ sảy thai, đẻ non, thai chết lưu là rất dễ xảy ra. Vì vậy, các cặp đôi chuẩn bị lập gia đình cần tiêm phòng nhắc lại 1 mũi để đảm bảo an toàn. Đáng chú ý, những ca chưa có tiêm vắc-xin mà có hội chứng của sởi thì cần đưa các cháu đi khám ngay lập tức và cách ly kịp thời để điều trị đúng theo phác đồ do Bộ Y tế ban hành.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.Tiến sĩ Bùi Vũ Huy - trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho rằng, việc bài trừ vắc-xin sẽ gây ra hệ lụy rất nghiêm trọng, không chỉ đối với một vài trường hợp cá biệt mà với cả cộng đồng, khu vực dân cư.

"Chúng ta hãy nhớ rằng, kháng sinh là 1, vắc-xin là 2 là sản phẩm trí tuệ cao của nhân loại. Trước đây, chúng ta không có vắc-xin thì thôi chết đành chịu. Năm 1987, trước khi chúng ta có tiêm chủng, năm nào tôi cũng chứng kiến cứ vào mùa xuân là một loạt các cháu bị bại liệt, rồi chết vì sởi, chết về thủy đậu. Đến mùa hè thì toàn chết về viêm não. Nhưng kể từ khi có vắc-xin, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc hơn, không phải lo cái chết của bệnh nhân nữa. Nhưng bây giờ quay lại từ chối vắc xin, tẩy chay vắc-xin, dịch bệnh sẽ quay trở lại và cái chết sẽ quay trở lại".

Dẫn hậu quả nặng nề của việc phụ huynh không đưa con đi tiêm chủng dẫn đến dịch sởi bùng phát năm 2014, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền đến người dân, ngành y tế cũng hết sức quyết liệt trong việc tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em, thực hiện tiêm bổ sung, tiêm vét vắc-xin Sởi-Rubella.

“Nếu thời điểm này, chúng ta không tập trung, không quyết liệt thì dịch sẽ bùng phát. Kịch bản như dịch 2014 sẽ lặp lại. Thời điểm vừa qua, chúng tôi đã cấp vắc xin để tiêm cho trẻ từ 1- 5 tuổi. Chúng ta phải tiêm cho những đối tượng còn sót. Nếu chỉ tiêm được 90%, số còn sót 10% thì 5 năm sau sẽ trở thành 50%, một nửa số trẻ của một năm rồi”.

Hiệu quả của vắc-xin trong phòng bệnh đã được chứng minh bằng cơ sở khoa học. Tuy nhiên, chỉ sau một vài trường hợp phản ứng sau tiêm, có một bộ phận người dân lại bị dẫn dắt bởi những thông tin độc hại, dẫn đến hiểu sai, hiểu chưa đầy đủ về lợi ích của tiêm chủng, mang tâm lý bài trừ vắc-xin.

Từ chối vắc-xin cũng là một bệnh dịch

Vắc-xin là một trong những phát kiến đỉnh cao của nhân loại để ngăn ngừa dịch bệnh từ xa. Tuy nhiên, chưa có bất cứ loại vắc xin nào có thể ngăn ngừa căn bệnh từ chối văn minh luôn tồn tại ở bất cứ cộng đồng xã hội nào.

Từ chối vắc-xin là một trào lưu xã hội không chỉ xuất hiện ở nước ta. Nó được truyền bá khắp thế giới như một hình thức trở về với tự nhiên, như phong trào hippi ở thập niên 70 của thế kỷ trước, hoặc như các giáo phái vân thỉnh thoảng xuất hiện.

Ở Việt Nam, ban đầu, trào lưu từ chối vắc-xin chỉ được phổ biến ở một nhóm nhỏ các bà mẹ cực đoan. Tuy nhiên, sau khi liên tục xảy ra các vụ tai biến tiêm vắc xin nghiêm trọng do sự cẩu thả của nhân viên y tế thì phong trào tẩy chay vắc-xin bùng lên và lan rộng với sự tiếp sức của mạng xã hội.

Phong trào từ chối vắc-xin được nuôi dưỡng và bùng phát nhờ các yếu tố chủ yếu sau:

- Sự yếu kém của truyền thông y tế cộng đồng.

- Sự thiếu minh bạch của ngành y tế trong các dự án chương trình vắc-xin.

- Sự cẩu thả của nhân viên y tế trong quá trình tiêm phòng vắc-xin.

- Môi trường Internet không có khả năng kiểm soát tin tức giả.

Từ các nguyên nhân được nhận diện như trên, để phòng chống căn bệnh từ chối vắc-xin cần có hai "mũi tiêm phòng". Thứ nhất là cải thiện, nâng cao các chương trình vắc-xin. Thứ hai là minh bạch các thông tin liên quan đến vắc-xin để không còn cơ hội cho tin tức giả xuất hiện.

Ngành y tế, đã đến lúc cần xác định trào lưu từ chối vắc-xin cũng là một bệnh dịch, và cần có một liều vắc-xin để ngăn chặn từ xa dịch bệnh này.

                                                                                                                                                     Nhà báo Phạm Trung Tuyến

Theo VOV Giao Thông

 

Bình luận

    Chưa có bình luận