Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện thí điểm kết quả kiểm tra quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Thông tin này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi lâu nay nhiều người vẫn tự hỏi: "Tiền công đức đi đâu - về đâu?"
Chùa Ba Vàng và gần 50 di tích không báo cáo đầy đủ
Theo báo cáo số 119/BC-BTC của Bộ Tài chính, số liệu của tỉnh Quảng Ninh cho thấy mới chỉ có 221 chủ thể, bằng 47% tổng số 450 chủ thể quản lý di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, có báo cáo thu - chi. Sau khi loại trừ số di tích không có công đức, còn trên 50 di tích không có số liệu báo cáo, trong đó có chùa Ba Vàng ở Uông Bí thuộc di tích cấp tỉnh đang được đánh giá có số thu công đức tốt.
Năm 2022 tổng số thu tiền công đức, tài trợ tại các di tích là 70,8 tỷ đồng (không bao gồm các khoản bằng hiện vật, công trình xây dựng). Đây là năm thứ ba liên tiếp chịu tác động của đại dịch Covid-19 nên số thu tiền công đức, tài trợ cả năm 2022 chỉ bằng khoảng 40% - 60% số thu năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch.
Trong tổng số chi 54,4 tỷ đồng, có 13 tỷ đồng chi hoạt động quản lý; 8,1 tỷ đồng chi hoạt động lễ hội; 12,9 tỷ đồng chi tu bổ, tôn tạo di tích; chi hoạt động từ thiện là 2,9 tỷ đồng; các khoản chi khác là 17,5 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, với số thực thu trong 4 tháng đầu năm 2023 là 61 tỷ đồng, cộng với việc báo cáo đầy đủ các khoản công đức tại các di tích, thì tổng số thu tiền công đức, tài trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cả năm 2023 dự kiến trên 180 tỷ đồng. Tổng số chi 4 tháng đầu năm là 29,4 tỷ đồng.
Đối với các di tích có thu - chi tiền công đức, tài trợ nhưng không báo cáo hoặc báo cáo chưa đầy đủ (trong đó có chùa Ba Vàng), Bộ Tài chính dẫn chứng, tại khoản 2 Điều 18 Thông tư số 04/2023/TT-BTC quy định tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích có trách nhiệm “Cung cấp kịp thời thông tin khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật”.
Vì sao thu ít - chi nhiều?
Một trong những điểm gây băn khoăn nhiều nhất là Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử - điểm du lịch sinh thái tâm linh nổi tiếng, mỗi năm đón trên 2 triệu lượt du khách. Tuy nhiên, số thu tiền công đức năm 2022 là 3,7 tỷ đồng, thấp hơn so với số thu tại đền Thánh Mẫu, di tích cấp tỉnh ở phường Trà Cổ, Móng Cái (5,8 tỷ đồng). “Nhìn số liệu so sánh nêu trên không tránh khỏi những băn khoăn về tính khách quan trong việc tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức tại Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử”, báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.
Đây là quần thể di tích với 10 chùa Phật giáo. Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quản lý nhà nước nói chung đối với khu di tích; Ban quản lý dự án tôn tạo Yên Tử trực thuộc Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh (là pháp nhân phi thương mại, có tài khoản riêng, con dấu, bộ máy kế toán, thủ quỹ) quản lý 10 chùa Phật giáo. Tiền trong hòm công đức sau khi kiểm đếm được phân bổ trích để lại 4% cho Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử để bổ sung kinh phí phục vụ công tác quản lý; còn lại 96% do Ban quản lý dự án tôn tạo Yên Tử quản lý.
Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử báo cáo, từ năm 2007 đến tháng 4/2023, tổng thu tiền trong hòm công đức là 287 tỷ đồng, tổng chi khoảng 638 tỷ đồng; như vậy, số thu tiền công đức thực tế cao hơn số thu nêu trong báo cáo gửi cho Đoàn kiểm tra khoảng 351 tỷ đồng (gấp hơn 2,2 lần). Thực tế có một số khoản công đức khác dưới hình thức đặt lễ, chuyển khoản không được phản ánh trong báo cáo gửi cho đoàn kiểm tra, mà theo nhiều kiểm định thực tế, con số này lớn hơn số thu được trong hòm công đức rất nhiều.
Trước thực tế trên, Bộ Tài chính đề nghị địa phương rà soát, có văn bản gửi các cơ sở di tích đề nghị báo cáo đầy đủ các khoản thu, chi tiền công đức, tài trợ, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp.
Cần hiểu đúng về quản lý tiền công đức
Ngay sau báo cáo của Bộ Tài chính, chùa Ba Vàng đã 2 lần phát đi thông cáo cho rằng chùa không hề nhận được yêu cầu báo cáo thu chi tiền công đức từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo UBND thành phố Uông Bí, ngày 23/5/2023 Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thành ký văn bản số 1574 về việc thành lập đoàn kiểm tra quản lý tiền công đức, Công văn số 221/STC-QLNS của Sở Tài chính về việc báo cáo kết quả kiểm tra quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hoá, đình, chùa theo quy định tại Thông tư 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính. Vì vậy, để có cơ sở tổng hợp, báo cáo bổ sung gửi Sở Tài chính Quảng Ninh, Bộ Tài chính, ngày 24/7, UBND thành phố Uông Bí đề nghị trụ trì chùa ba Vàng chỉ đạo, báo cáo nội dung quản lý tiền công đức tại chùa theo đề cương, biểu mẫu gửi kèm trước ngày 28/7.
Vấn đề quản lý tiền công đức đã được gợi ra từ cách đây nhiều năm và cũng gây nhiều tranh luận trái chiều. Tại thời điểm đó, vị trụ trì của một ngôi chùa lớn ở Hà Nội chia sẻ: "Chúng tôi ủng hộ việc quản lý theo quy định của pháp luật, nhưng cần có sự minh bạch và bình đẳng giữa tất cả các tôn giáo". Đến đầu năm 2023, Thông tư 04/2023/TT-BTC mới được ban hành và có hiệu lực từ ngày 19/3/2023. Bộ Tài chính khẳng định, số thu tiền công đức, tài trợ tại di tích thu được nhiều là tốt, được Nhà nước bảo hộ; việc thực hiện báo cáo đầy đủ các khoản thu, chi tiền công đức, tài trợ theo Quyết định số 775/QĐ-BTC ngày 12/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thể hiện sự công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho mọi người.
"Trong quá trình xây dựng Thông tư số 04, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chủ động góp ý kiến nhiều lần và đã được Bộ Tài chính tiếp thu nhằm tăng cường hiệu quả quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội... Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Tăng Ni, Phật tử, các tổ chức tôn giáo trực thuộc, Trụ trì chùa, cơ sở tự viện của Giáo hội thực hiện nghiêm nội dung Thông tư số 04. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Hội đồng Trị sự để nghiên cứu, hướng dẫn." - Công văn số 62/HĐTS-VP1 ngày 20/3/2023 của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
|
Yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước đối với các ban quản lý di tích chỉ bao gồm: "Mở tài khoản, mở sổ sách, mở sổ kế toán để ghi chép đầy đủ, kịp thời việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội vào nguồn hoạt động khác được để lại của đơn vị; Hằng năm, thực hiện lập dự toán và báo cáo quyết toán thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo quy định, trình Trưởng ban Ban quản lý di tích phê duyệt; gửi cơ quan tài chính và cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cấp trên để phục vụ cho công tác quản lý và giám sát thực hiện" (Điều 14, Thông tư 04).
Việc quản lý tiền công đức không phải để can thiệp sâu vào chuyện thu chi của các di tích, cơ sở tôn giáo. Tuy nhiên, bất cứ dòng tiền nào lưu hành trên đất nước Việt Nam đều phải được kiểm soát bằng pháp luật, để đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng, khách quan. Đặc biệt, cần kiểm soát kết hợp với tuyên truyền tốt để không biến các di tích lịch sử, cơ sở tôn giáo thành nơi "buôn thần, bán thánh". Theo đề xuất của Bộ Tài chính, hoạt động kiểm tra việc quản lý tiếp nhận và sử dụng tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên cả nước sẽ được triển khai tiếp tục trong các năm 2023 - 2024./.
"Việc quản lý và sử dụng sẽ do người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan" (Điều 10, Thông tư 04/2023/TT-BTC)
|